26/10/2018 13:29 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Giữa bối cảnh số người đi máy bay nhiều hơn bao giờ hết, các thành phố trên khắp thế giới đang khẩn trương xây dựng sân bay mới đồng thời nâng cấp các nhà ga cũ nhằm kiến tạo hạ tầng có khả năng phục vụ đồng thời hàng chục triệu khách. Sân bay Quốc tế Long Thành (Việt Nam) cũng được CNN Travel bình chọn là một trong các dự án sân bay được chờ đợi nhất thế giới.
Sân bay Quốc tế Long Thành
Một sân bay mới để thay cho hạ tầng chật hẹp tại sân bay hiện tại của Thành phố Hồ Chí Minh là điều thành phố này nói riêng và quốc tế nói chung trông đợi bấy lâu nay, khi mà lượng du khách đến Việt Nam ngày càng tăng và hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tiếp tục phát triển nhanh. Sân bay Quốc tế Long Thành (Đồng Nai) có năng lực thiết kế tối đa 100 triệu khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm, là sân bay cấp 4F, đón nhận các loại máy bay A338-800 và tương đương. Sân bay Quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích đất 5.000 ha dự kiến sẽ hỗ trợ đắc lực cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang quá tải.
Sân bay Istanbul New Airport (Thổ Nhĩ Kỳ)
Thổ Nhĩ Kỳ có tham vọng lớn trở thành một điểm gặp gỡ mới giữa Đông và Tây. Hãng hàng không quốc gia nước này Turkish Airlines tính đến nay đã có chuyến bay đến các nước nhiều hơn bất cứ hãng hàng không nào khác trên toàn cầu, và với sân bay Istanbul New Airport sắp được đưa vào hoạt động, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đã có một cảng hàng không để tự hào. Thay thế Atatýrk Airport, Istanbul New Airport là một trung tâm khổng lồ dự kiến có phục vụ 150 triệu khách/năm. Istanbul New Airport ban đầu được dự kiến khai trương chính thức vào ngày 29/10 vừa qua, song các báo cáo mới nhất cho biết sân bay này sẽ không thể đi vào hoạt động đầy đủ cho đến cuối năm nay (2018).
Sân bay Quốc tế Courtesy Al Maktoum (UAE)
Đã đi vào hoạt động, phục vụ vận chuyển hàng hóa và một số chuyến bay chở khách, sân bay quốc tế Courtesy Al Maktoum nằm tại phía Tây Nam trung tâm Dubai thuộc Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) trong tương lai nhiều khả năng trở thành sân bay lớn nhất và đông đúc nhất thế giới. Al Maktoum - thường được biết đến là Trung tâm Thế giới Dubai - dự kiến có 5 đường băng, 3 nhà ga và là nơi "trú ngụ" của những đội siêu máy bay do hãng hàng không Emirates vận hành. Một điểm cộng rất lớn cho sân bay quốc tế Courtesy Al Maktoum là rút ngắn quãng đường hành khách di chuyển và có tuyến tàu tốc độ cao kết nối đến trung tâm Dubai.
Sân bay Changi (Singapore)
Được mệnh danh là sân bay được yêu thích của thế giới và là trung tâm vận chuyển của châu Á, sân bay Changi của Singapore đang hối hả làm việc để khai trương "Jewel Changi Airport" và nhà ga Terminal 5. Dự án mang tên Jewel là một tổ hợp đáng được trông đợi với thiết kế bằng kính đa dụng ấn tượng, kết nối các nhà ga cũ với các hạ tầng mua sắm, ăn uống và giải trí phục vụ hành khách và người thăm quan. Jewel được hoàn thiện sẽ là hạ tầng sở hữu thác nước trong nhà lớn nhất thế giới, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019.
Sân bay Quốc tế Daxing (Trung Quốc)
Một sân bay mới khác được chờ đợi trong năm 2019 là Sân bay Quốc tế Daxing (Bắc Kinh, Trung Quốc) - sân bay đang ấp ủ tham vọng trở thành sân bay lớn nhất và đông đúc nhất thế giới. Sân bay Quốc tế Daxing khi đi vào hoạt động sẽ là một trong những nhà ga lớn nhất thế giới, cùng lúc đó giảm bớt thời gian di chuyển của hành khách so với các sân bay tương tự. Với kết nối đường sắt tốc độ cao đến thành phố và mạng lưới đường cao tốc mới, Sân bay Quốc tế Daxing được xây dựng mang trong mình tầm nhìn về tương lai, dự kiến có năng lực thiết kế 100 triệu khách/năm và 7 đường băng giữa bối cảnh ngành hàng không của Trung Quốc phát triển không ngừng.
Sân bay quốc tế mới Mexico City (Mexico)
Là nhà thiết kế của nhiều sân bay trên thế giới, kiến trúc sư Norman Foster chính là "kiến trúc sư" của sân bay mới ở thành phố Mexico City của Mexico. Sân bay này được khởi công vào năm 2015 và dự kiến sẽ thay thế sân bay hiện tại của thành phố đông dân này. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Andrés Manuel López Obrador hồi tháng trước đã kêu gọi bỏ phiếu để quyết định có nên tiếp tục xây dựng sân bay nói trên hay không vì vấn đề chi phí. Nếu dự án này bị hủy, sân bay hiện tại sẽ được nâng cấp như một phương án thay thế.
Sân bay Berlin Brandenburg Airport (Đức)
Sân bay Berlin Brandenburg, còn có tên gọi khác là Willy Brandt (tên của một cựu Thủ tướng Đức), sắp được hoàn thành, nhưng đây chắc hẳn là sân bay bị trì hoãn lâu nhất từ trước đến nay. Theo dự kiến ban đầu, sân bay Berlin Brandenburg được lên kế hoạch khai trương vào năm 2012, nhưng đã lỗi hẹn suốt sáu năm qua vì những yêu cầu về an toàn và quy định. Kế hoạch khai trương mới nhất của sân bay này là vào cuối năm 2020. Một khi đi vào hoạt động, sân bay Berlin Brandenburg sẽ nổi bật với một nhà ga rộng lớn và hiện đại, cùng với hai đường băng, qua đó sẵn sàng để kết hợp hoạt động của hai sân bay hiện tại của Berlin.
Sân bay Carlisle Lake District Airport (Anh)
Sân bay khu vực mới nhất của nước Anh này đã có sự khởi đầu không mấy thuận lợi, khi những trì hoãn trong việc khai trương sân bay là do các vấn đề về đào tạo đội ngũ nhân viên đã phần nào làm giảm “nhuệ khí” và sự kỳ vọng ban đầu đối với Carlisle Lake District Airport. Nằm ở cửa ngõ tây bắc, bên cạnh Vườn Quốc gia Lake District, Carlisle Lake District Airport trước đó là một sân bay khá “hiu hắt”, cho đến khi một nhà ga mới được xây dựng và những chuyến bay đến Belfast, Dublin và London được đưa vào kế hoạch vận hành.
Sân bay Pittsburgh International Airport (Mỹ)
Đã từng là một trong những trung tâm hàng không ở Bờ Đông, Pittsburgh mất dần vị thế của mình kể từ sau thương vụ sáp nhập US Airways vào American Airlines vào năm 2015. Hành khách sụt giảm và từ một sân bay nhộn nhịp, Pittsburgh đã phần nào bị rơi vào quên lãng. Thế nhưng, tình hình này sẽ biến chuyển khi sân bay Pittsburgh chi 1,1 tỷ USD cho dự án cải tạo. Theo kế hoạch làm mới, khu vực là thủ tục sân bay sẽ được mở rộng, tạo nên một kết cấu lớn, đồng thời khu vực cổng vào cũng sẽ được sửa đổi. Dự án này dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2023.
Sân bay Manchester Airport (Anh)
Là sân bay nhộn nhịp thứ ba của nước Anh, Manchester Airport đang triển khai dự án mở rộng lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của sân bay này, nhằm chuẩn bị tốt hơn cho tương lai khi Manchester Airport đón đầu làn sóng thiết lập các chặng bay dài. Kế hoạch mở rộng bao gồm phá bỏ một phần và xây lại nhà ga số 2 thành một nhà ga siêu lớn. Quá trình xây dựng đã diễn ra được một năm và nhiều phần của nhà ga số 1 sẽ sớm bị phá bỏ để có thêm không gian cho nhà ga mới và đường băng.
K.Dung -K.Ly (Theo CNN Travel)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất