>>> Giải Bùi Xuân Phái lần 6 - năm 2013
(Thethaovanhoa.vn) - Là người Nghệ An nhưng gắn bó với Thủ đô 35 năm, nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trò chuyện với Thể thao & Văn hóa sau giải Bùi Xuân Phái - giải thưởng mà ông là thành viên ban giám khảo.
Giải Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội năm nay thuộc về ý tưởng xây dựng
Bộ quy tắc ứng xử cho người sống ở Hà Nội. Đó cũng là chủ đề cuộc trò chuyện này.
* Tại sao văn hóa ứng xử lại quan trọng đến thế với riêng Hà Nội, thưa ông?- Văn hóa ứng xử là gương mặt của văn hóa. Tầm quan trọng của nó sâu xa hơn người ta hay nói. Nó thể hiện thái độ của con người với nhau và với xã hội; nó cho thấy tính gắn kết của cộng đồng đến đâu, cho thấy xã hội có thực sự đẹp hay không. Hơn nữa, từ đó có thể thấy phong thái, cốt cách, tâm hồn của dân tộc.
Còn Hà Nội chỉ thực sự là Hà Nội khi đẹp về văn hóa.
Ông Hồ Quang Lợi (phải) trao giải Tác phẩm-Vì tình yêu Hà Nội năm 2013. Ảnh: Cao Mạnh Tuấn
* Theo ông, hiện nay Hà Nội có đẹp về văn hóa không?Thành phố đang đẹp lên từng ngày. Những giá trị cao quý, nét đẹp truyền thống truyền đời vẫn được gìn giữ, phát huy. Nói văn hóa Việt xuống cấp là chưa thật toàn diện và khách quan. Nhưng hiện thời, tính phổ biến của các hành vi phản văn hóa, nhất là văn hoá ứng xử đã đến mức báo động.
* Biểu hiện tiêu biểu nhất, theo ông?
- Những hành vi thiếu văn hóa dường như có ở mọi nơi. Tôi cho rằng nguồn gốc của nó bắt nguồn từ sự thiếu tôn trọng những quy tắc có tính ràng buộc, thậm chí với cả những gì luật lệ đã quy định.
Tôi chỉ nói một việc: văn hóa giao thông ở Hà Nội. Đô thị quá tải, nhưng lẽ ra giao thông tệ đến thế trước hết là do ai cũng chỉ muốn nhanh cho mình, đẩy chậm cho người khác. Thế là chen lấn, giành giật, xô đẩy, va chạm, cãi vã, thậm chí đánh lộn.... Cuối cùng tất cả đều chậm. Ở đây vấn đề không phải chỉ là đi nhanh hay chậm mà còn tâm lý muốn giành lấy thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người khác. Đó là nếp sống, lối sống. Điều đó còn sâu xa hơn cả văn hóa giao thông. Điều đáng buồn là ai cũng cố nhoài lên trước, lấn át người khác nhưng dường như không ai thấy xấu hổ cả.
* Ông nói đề án Bộ quy tắc ứng xử này được kỳ vọng. Nhưng là người dân hay nhà quản lý kỳ vọng?
- Trước hết là lãnh đạo thành phố, nhóm chủ trì và nhóm soạn thảo. Bộ quy tắc được Khoa Quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội soạn thảo và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chủ trì. Trong số họ có cả nhà quản lý, cũng có cả người dân. Mà ai nói nhà quản lý không phải là người dân?
Mặc dù vậy, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải biến kỳ vọng của lãnh đạo, của nhóm soạn thảo thành kỳ vọng của toàn xã hội.
Hiện đề án đã có đề cương, tháng 12 năm ngoái có hội thảo góp ý xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử. Mặc dù vậy, còn rất nhiều việc phải làm cho đến lúc ra được bộ quy tắc chính thức. Chính vì thế nên đề án bắt đầu soạn từ năm 2013, dự kiến đến năm 2018 mới hoàn thành.
* Sao lâu vậy, thưa ông?Tôi cũng thấy lâu. Nhưng nếu biết lộ trình soạn ra bộ quy tắc này thì sẽ hiểu. Bộ quy tắc sẽ bao gồm 6 nhóm đối tượng: cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu vực dân cư và khu vực công cộng. Nhóm soạn thảo sẽ phải đến tận nơi, khảo sát thực trạng để xây dựng bộ khung ứng xử tiêu chuẩn cho từng đối tượng.
Không nên nghĩ đề án chỉ giải quyết vấn đề trước mắt là cải thiện văn hóa ứng xử nơi công cộng của người dân sống ở Hà Nội mà đề án còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của Thủ đô về lâu dài.
* Nhà văn hóa Hữu Ngọc có một định nghĩa về "người Hà Nội" là người "đến từ bất cứ đâu nhưng đã sống và gắn bó với Thăng Long - Hà Nội". Định nghĩa này hay vì cho thấy "Hà Nội" là một giá trị chuyển động, biến chuyển cùng thời cuộc chứ không đứng yên.Tôi cũng đồng ý với định nghĩa này. Trong chữ "gắn bó" đã có tình yêu và sự cống hiến. Không có gì đứng yên cả. Tôi luôn nghĩ chất Hà Nội là sự hào hoa, tinh tế, thanh lịch và nhân ái, nhưng cái hào hoa của người đàn ông áo the khăn xếp ngày trước khác với cái hào hoa của người đàn ông mặc vest, đi xe hơi đời mới, dùng điện thoại iPhone… ngày nay. Phong thái có thể khác nhưng cốt cách là điều không thay đổi.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!