Luật Gia Long và bước tiến mới của nữ quyền

15/06/2022 19:37 GMT+7 | Văn hoá

Xét về công lao của vua Gia Long, bên cạnh việc thống nhất hai miền Nam Bắc sau nội chiến, tiếp tục xác lập chủ quyền biển đảo từ thời chúa Nguyễn... thì những điểm tân tiến trong bộ Hoàng Việt luật lệ (thường được gọi là Luật Gia Long) cũng là một dấu son rất đáng nhớ.

Sự nghiệp lẫy lừng trên biển của vua Gia Long

Sự nghiệp lẫy lừng trên biển của vua Gia Long

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của GS Nguyễn Quang Ngọc viết riêng cho TT&VH Cuối tuần đề cập tới vấn đề “Gia Long là vị vua có một sự nghiệp lẫy lừng trên biển”.

Tư tưởng nam tôn nữ ty trong Nho giáo đã ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội phong kiến nước ta, vun đắp thêm cho quyền uy của người đàn ông và càng thêm phần hà khắc đối với người phụ nữ. Theo thuyết tam tòng trong Kinh Lễ: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, người phụ nữ vốn chẳng có vị thế độc lập, suốt đời phải dựa dẫm vào một người đàn ông.

Cho đến thời Nguyễn, tuy Nho giáo vẫn tiếp tục chiếm vị thế độc tôn, chi phối mọi mặt của đất nước, nhưng vua Gia Long đã chú trọng hơn vai trò của người phụ nữ, đặc biệt là vị thế của họ trong gia đình, bằng việc xây dựng một bộ luật nghiêm minh, tiến bộ.

Kế thừa và cải biến

Vào năm 1815, mười ba năm sau ngày triều Nguyễn thành lập, vua Gia Long đã cho ban bố Hoàng Việt luật lệ, còn được biết đến với các tên gọi như Hoàng triều luật lệ, Quốc triều điều luật, Nguyễn triều hình luật, Bộ luật Gia Long, Luật Gia Long... Đây là bộ luật chính thức của Việt Nam thời đầu nhà Nguyễn, do Bắc thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành soạn thảo.

Bộ luật với 22 quyển, chia thành 7 chương, gồm 398 điều và 30 điều tỷ dẫn, quy định về việc áp dụng luật pháp, được xây dựng chủ yếu dựa trên Đại Thanh luật lệ của nhà Thanh (Trung Quốc) và Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức, của nhà hậu Lê, Việt Nam). Tuy phần nhiều được sao chép lại, song bộ luật đã được điều chỉnh cho phù hợp với kinh tế chính trị và văn hóa đời sống của nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Tạo ra sự hài hòa giữa những quan niệm của người dân sống trên cả ba miền, từ đấy tạo mối dây liên kết giữa dân chúng và quyền lực nhà vua.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Đức vua Gia Long” (sơn dầu và sơn mài trên gỗ, 155cm x 122cm, 2017) của họa sĩ Trần Minh Tâm

Bộ luật còn được phân thành sáu loại, bao gồm Danh lệ, Lại luật, Hộ luật, Lễ luật, Binh luật, Công luật, tương ứng với các chức năng của sáu bộ: Bộ Hình, Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Công. Luật được áp dụng cho tất cả mọi thần dân, cũng như những người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ nước ta.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, Hoàng Việt luật lệ vẫn tiếp tục được sử dụng ở xứ Trung Kỳ.

Trước ngày triều Nguyễn thành lập, chẳng phải pháp luật nước ta chưa có những luật hòa hoãn bớt cái khắc nghiệt trong tư tưởng Nho giáo. Kể như Luật Hồng Đức ban hành năm 1478 cũng đã bênh vực cho nhiều quyền lợi của người phụ nữ. Như trong hôn nhân, chỉ khi người phụ nữ ưng thuận thì việc kết hôn mới được diễn ra. Hoặc chồng xa nhà quá 5 tháng mà không đi lại hỏi thăm vợ, có thể bị mất vợ. Rồi quyền của con gái trong thừa kế gia sản của cha mẹ để lại cũng được đảm bảo. Nếu gia đình không có con trai nối dõi, con gái trưởng có đủ các quan hệ nghĩa vụ về pháp luật và tôn giáo, được hưởng của hương hỏa và thờ phụng cha mẹ tổ tiên như người con trai trưởng.

Và sau khi lên ngôi, vua Gia Long vẫn tiếp tục sử dụng bộ luật này trước khi bộ luật mới của triều Nguyễn được ban bố.

Chú thích ảnh
Mộc bản “Hoàng Việt luật lệ”, thường được gọi là “Luật Gia Long”

Nữ quyền có thêm một bước tiến mới

Nhưng sau này, dù Nho giáo vẫn độc thịnh, nhưng nữ quyền đã có thêm một bước tiến mới. Không phải do những người phụ nữ dấy lên các cuộc biểu tình đòi hỏi quyền lợi cho chính mình như ở phương Tây vào thế kỷ XIX - XX. Mà bước tiến này là nhờ vào bộ luật mới được ban hành bởi chính nhà vua - một người đàn ông sống trong nhà nước phong kiến, cai trị đất nước của mình bằng tư tưởng Khổng giáo. Bộ luật mới được hình thành trong một quốc gia đề cao giáo lý đạo Khổng như đang kháng cự lại sự cổ hủ, áp bức thân phận người phụ nữ trong chính đạo Khổng.

Quyền lợi và thân phận của người phụ nữ càng được xem trọng hơn, càng được bảo vệ trước pháp luật, nhất là vai trò của người phụ nữ trong gia đình càng được nâng cao. Người phụ nữ trong gia đình bấy giờ không còn đơn thuần chỉ là một người nội trợ, người phụ giúp chồng mình quán xuyến nhà cửa, quản lý tài sản, mà hơn thế nữa, được tôn lên thành “nội tướng”.

Được xem là “nội tướng”, như vậy, pháp luật đã đặt cho người vợ có địa vị tương đương với chồng. Theo lẽ thì quản lý tài sản trong nhà, không những là vợ trợ giúp chồng, mà là do vợ đảm đương. Nếu chồng tự tiện bán tài sản của vợ mà chưa có sự thuận tình từ chủ sở hữu, y sẽ bị cha mẹ vợ truy tố. Cho nên những tài sản đem đi bán mà vợ không ký tên hoặc điểm chỉ vào văn khế, thì người ta cũng chẳng dám mua.

Thời xưa, đàn ông có năm thê bảy thiếp là lẽ thường tình. Nhưng tới thời Gia Long, thật khó để được pháp luật thừa nhận việc đa thê, khi trong gia đình ấy đã có người con trai nối dõi tông đường. Chỉ khi trong trường hợp người vợ vô sinh hoặc không sinh được con trai, lúc ấy, trước sự đồng ý của người vợ, người chồng mới được kiếm hầu thiếp. Cũng có khi là người vợ cả tự chủ động tìm vợ bé cho chồng mình.

Chú thích ảnh

Nhưng đáng tiếc cho người phụ nữ về làm thiếp, ả không có địa vị trong gia đình như chính thất, vai trò của ả là sinh ra cho gia đình ấy đứa con trai. Người xưa gọi người đàn bà có thân phận như vậy là hầu thiếp, tức người vợ lẽ được nạp về để làm người ở.

Đàn ông vẫn có thể bỏ vợ, nếu vợ y phạm phải một trong 7 điều sau: Vô sinh, ghen tuông, ác tật, dâm dật, bất kính với ông bà, cha mẹ, gây bất hòa trong gia đình, trộm cắp, tục xưa gọi là đàn ông được quyền thất xuất. Nhưng có ba trường hợp y không thể bỏ vợ: Thứ nhất, vợ đã để tang cha mẹ chồng; thứ hai, vợ làm nên giàu có; cuối cùng, vợ không còn nơi nào nương tựa ngoài ở bên chồng. Nếu chồng vô cớ mà bỏ vợ ắt sẽ bị pháp luật nghiêm minh trừng trị.

Chồng bỏ vợ đi biệt 3 năm, mà không báo quan biết trước, thì phạt 80 trượng; tự ý cải giá thì phạt 100 trượng. Hình phạt như vậy mới khiến cho người đàn ông có ý thức, trách nhiệm với người phụ nữ hơn, quan tâm đến gia đình mình hơn. Trong trường hợp vợ ngoại tình, chồng vẫn có quyền bỏ. Bên cạnh đó, nếu phạm tội ngoại tình, cả nam cả nữ đều phải chịu hình phạt vô cùng kinh khủng. Có thể bị voi giày, bị ném xuống sông, hoặc trói lưng vào nhau trên một bè tre.

Pháp luật càng nghiêm cấm những hành vi lừa gạt để kết hôn. Cưỡng đoạt vợ, con gái nhà lành bán cho người khác làm thê thiếp, hoặc đem dâng cho vương phủ, cho nhà huân công hào thích, đều bị xử giảo giam hậu (tức là bị giam lại chờ tới ngày xử treo cổ).

Đôi khi những lời nói ác ý cũng như con dao sắc nhọn, gây tổn thương cho người khác. Vì vậy, Luật Gia Long trừng phạt rất nặng những kẻ thất kính với phụ nữ. Những kẻ dùng lời lẽ thô tục, dâm đãng xúc phạm phụ nữ, khiến họ xấu hổ đến nỗi phải tự tử, sẽ bị xử đến hình giam chờ thắt cổ. Nếu y có nói mấy lời tục tĩu mà không cố ý nhục mạ người phụ nữ, nhưng ả cũng lấy làm xấu hổ mà tự tử, thì y cũng bị xử, nhưng xử nhẹ hơn, chịu phạt lưu đày 3.000 dặm và chịu đòn 100 trượng.

Dẫu trong xã hội phong kiến xưa, do quan niệm trọng nam kinh nữ, người phụ nữ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, quyền lợi vẫn còn bị giới hạn trong gia đình, chưa được tham gia vào những công việc lớn, trọng yếu như ngày nay. Nhưng một mức độ nào đó, luật lệ cũng đã có những sự ưu ái hơn đối với người phụ nữ, nhân phẩm và vai trò của họ đã được tôn trọng và đề cao hơn. Và như ta đã thấy, nữ quyền vào thời ấy đã tiến thêm một bước tiến mới.

Với những công lao của vua Gia Long và Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành về việc bảo hộ người phụ nữ được ghi rõ trong bộ Hoàng Việt luật lệ, có lẽ chẳng phải nói quá khi tôn vinh các ngài là những “nhà nữ quyền trong xã hội phong kiến”.

Vừa qua, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc ở Huế đã tổ chức tọa đàm khoa học Công lao và những đóng góp quan trọng của vua Gia Long nhân kỷ niệm 220 năm ngày vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn lên ngôi hoàng đế. Tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam, cho rằng cần có sự nhìn nhận một cách khách quan về những cống hiến của vua Gia Long trong dòng chảy lịch sử Việt Nam hiện nay và đề xuất việc đặt tên đường mang tên Gia Long ở TP Huế.

Nguyễn Phúc Nam Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link