31/08/2013 09:10 GMT+7
Có thể nhiều người chưa mấy quan tâm tới chương trình này, nhưng nếu đã biết thì cũng sẽ bất ngờ và cả nghi ngại giống như tôi. Ra đời từ năm 1999, từ Hà Lan, trò chơi truyền hình thực tế Big Brother ngay lập tức trở thành hiện tượng và được hơn 40 nước khai thác. Sự hấp dẫn của chương trình này xuất phát từ việc đánh vào trí tò mò của con người về cuộc sống riêng tư của những người khác. Bởi ở trò chơi này, những người tham gia sẽ phơi bày con người họ trước máy quay suốt 24h/ngày, thậm chí những sinh hoạt riêng tư nhất cũng diễn ra dưới máy quay. Điều đáng nói, những hoạt động này cũng được truyền hình trực tiếp 24/24 tới khán giả truyền hình.
Cách mà Big Brother khai thác khía cạnh ăn khách đã lập tức làm nảy sinh những nghi ngại về tính nhân văn của nó. Những nghi ngại ấy hoàn toàn có cơ sở khi rất nhiều scandal đã xảy ra suốt từ khi chương trình này được khai thác. Ngay từ năm đầu tiên khai thác, Big Brother phiên bản Mỹ năm 2000 đã gặp lùm xùm khi hai nhân vật nữ trong chương trình bị công ty họ đang làm việc ngoài đời thật sa thảivì bày tỏ thái độ phân biệt chủng tộc và kỳ thị giới tính khi tham gia trò chơi. Bị “nhốt” trong một ngôi nhà chung, họ bộc lộ hết cỡ cả tính tốt lẫn tính xấu và không ngần ngại chỉ trích những người ở chung, người ta gọi đó là chiến thắng mọi người và chiến thắng chính mình để giành giải thưởng lớn chung cuộc.
Mới năm ngoái, một người chơi trong Big Brother phiên bản Brazil đã dính vào cáo buộc đã hiếp dâm đồng nghiệp ngay trong khuôn khổ chương trình này. Anh ta là Daniel Echaniz, một người mẫu. Sau tiệc rượu với 3 thành viên khác tham dự trò chơi, anh ta đã mò vào giường một thành viên nữ và làm chuyện đồi bại. Các nhà chức trách sau đó đã vào cuộc điều tra và anh ta đứng trước án phạt 6-10 năm tù vì tội hiếp dâm… Đây chỉ là số ít những ví dụ trong muôn vàn sự việc đã xảy ra với hơn 40 phiên bản Big Brother trên khắp thế giới.
Những người yêu điện ảnh chắc không quên bộ phim Truman Show (diễn viên Jim Carrey vào vai chính) với bi kịch của anh chàng Truman từ khi lọt lòng mẹ. Suốt 30 năm anh sống cuộc sống được nhào nặn bởi một bàn tay vô hình mà cả thế giới biết, chỉ mình anh không biết để mua vui cho khán giả. Bộ phim này ra đời trước khi Big Brother xuất hiện, và nó đã báo hiệu một kỷ nguyên truyền hình thực tế với những trò tiêu khiển đặt sự nhân bản của con người sau tất cả các yếu tố khác.
Và, Big Brother đã đến Việt Nam với tên gọi Người giấu mặt, với giải thưởng là căn hộ trị giá 2 tỷ đồng giành cho người chiến thắng. Ai sẽ là người “dũng cảm” tham gia trò chơi này? E rằng không ít, nhất là khi cơ hội đổi đời đang dành cho những “bà Tưng”…
Bảo Khanh (Nghiên cứu sinh Xã hội học)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất