01/09/2022 07:31 GMT+7 | Văn hoá
Cải lương đã từng một thời hoàng kim với những thế hệ nghệ sĩ tài năng. Nếu tính từ “thế hệ vàng”, thì sau này cải lương đã xuất hiện rất nhiều gương mặt khá xứng đáng. Nhưng sau này cải lương đi vào khó khăn, liệu có thế hệ nào kế thừa xứng đáng hay không?
1.Thế hệ vàng gồm có nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang, Thành Được, Út Bạch Lan, Tấn Tài, Phượng Liên, Mỹ Châu, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Minh Vương, Diệp Lang, Hoài Thanh, Diệu Hiền, Thanh Tú, Bảo Quốc, Hoàng Giang, Hùng Minh, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Kim Ngọc, Thanh Thanh Hoa, Ngọc Nuôi, Ngọc Hương, Ngọc Bích, Văn Chung, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Minh Phụng, Ngọc Giàu, Minh Cảnh, Bích Hạnh, Thanh Nguyệt, Giang Châu, Thanh Hải, Hồng Nga, Phương Quang,Bạch Mai, Thanh Tòng, Thanh Thế, Bửu Truyện, Trường Sơn, Xuân Yến, Thanh Loan, Bạch Lê, Thanh Bạch, Ngọc Đáng… Các danh sách trong bài này đều còn nhiều người khác nữa.
Đây là thế hệ rực rỡ nhất, bởi ngoài tài năng, thì còn được hỗ trợ bởi truyền thông khi có mặt của radio và tivi, những phương tiện phổ biến văn hóa vô cùng lợi hại. Trước thế hệ này, chưa có tivi, thì những tài năng chỉ được biết trên sân khấu biểu diễn, hoặc thu đĩa than. Khi radio và tivixuất hiện, thì các vở cải lương phát sóng liên tục mỗi ngày, mỗi tuần, khán thính giả hầu như thuộc lòng kịch bản, thấm vào tận máu tận tim.
Bên cạnh đó, khi bắt đầu xuất hiện các hãng đĩa cassette thì cải lương phát triển với tốc độc chóng mặt, góp phần đưa tên tuổi nghệ sĩ đi xa hơn.Và rõ ràng,nhờ đó mà tài năng của họ đạt tới một đỉnh cao, có lẽ khó có thể lặp lại. Mỗi người có một giọng ca đặc sắc riêng biệt, không lẫn vào nhau, giọng nào cũng đẹp lạ lùng, ấn tượng không phai. Giọng ca chính là điểm mạnh nhất của thế hệ vàng, đây cũng là điểm mạnh nhất của cải lương. Bởi với ca kịch thì giọng ca luôn đặt ở hàng đầu.
2. Sang thế hệ kế tiếp, có những tên tuổi nổi bật như Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Tài Linh, Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Thoại Miêu, Ngọc Huyền, Kim Tiểu Long, Thanh Ngân, Trọng Phúc, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy, Phượng Hằng, Cẩm Tiên, Linh Tâm, Mỹ Thu, Châu Thanh, Phượng Loan, Chí Linh, Vân Hà, Linh Châu…
Thế hệ này gắn với sự ra đời của giải thưởng Trần Hữu Trang, chọn lựa tài năng một cách gắt gao, cho nên cũng bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ của thể loại video, một thời đem cải lương vào tận ngõ ngách mỗi nhà. Video có tính chất đẹp, tiện lợi, nhanh chóng, rẻ tiền, khán giả xem lúc nào cũng được, vì vậy nghệ sĩ chạy show không kịp thở và nhà sản xuất cũng hốt bạc.
Nói cho công bằng, thế hệ này tuy giọng ca không bằng thế hệ vàng, nhưng vẫn có chất lượng cao, điểm mạnh bắt đầu chuyển sang biểu diễn. Họ biểu diễn sinh động, phong phú hơn, đủ các thể loại, từ tuồng xã hội tới Hồ Quảng, hương xa; nhân vật có tâm lý phức tạp và kịch tính; đòi hỏi vũ đạo và kỹ thuật hình thể nhiều hơn giọng ca. Họ cũng xứng đáng là thế hệ kế thừa, nên hiện nay đa số họ đang đảm nhiệm vị trí giám khảo và huấn luyện viên trong các cuộc thi lớn như Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ...
Thế hệ tạm gọi là sung sức nhất, bởi đang độ tuổi trên dưới 40 và giữ vai chánh hoặc vai ấn tượng trong nhiều vở tuồng, gồm có Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Lê Tứ, Hà Như, Trung Thảo, Quế Trân, Hữu Quốc, Quỳnh Hương, Lê Hồng Thắm, Hải Long, Thanh Thảo, Điền Trung, Thy Phương, Thy Trang, Hoàng Nhất, Lam Tuyền, Hồ Ngọc Trinh, Hoàng Quốc Thanh…
Đa số họ đoạt giải Trần Hữu Trang và cũng nổi bật nhờ biểu diễn hơn là giọng ca. Giọng ca của “thế hệ vàng” phải nói là không bao giờ tìm lại được, vì vậy thế hệ đàn em không thể nào so sánh nổi. Nhưng nói về biểu diễn thì đây là thế hệ chắc tay, nhiều người học hành trường lớp đàng hoàng, có học thuật, nên có thể giảng dạy, đào tạo lớp đi sau. Chẳng hạn Lê Tứ là một người cân bằng cả ca lẫn diễn, đào tạo rất tốt. Trung Thảo thì rất giỏi vũ đạo, cũng là một người thầy về bộ môn này. Hữu Quốc cũng nổi tiếng đào tạo và dàn dựng cho các thí sinh đi thi. Hải Long đang dạy kỹ thuật biểu diễn tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.
3. Thế hệ trẻ nhất thuộc về Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường, Nguyễn Văn Khởi, Kim Luận, Ngọc Đợi, Thu Vân, Huyền Trang, Võ Thành Phê, Lê Văn Gàn, Nguyễn Thanh Toàn, Nhật Nguyên, Bùi Trung Đẳng, Hoàng Hải, Nhã Thy, Bình Tinh, Huyền Trâm, Tô Tấn Loan, Phương Cẩm Ngọc…
Đa số họ từng đoạt giải Chuông vàng vọng cổ. Giải thưởng quy mô này đã đãi cát tìm vàng giùm cho cải lương, nhờ vậy mà các đơn vị sản xuất cứ nhận về mà… sử dụng. Võ Minh Lâm giờ là anh kép sáng giá bậc nhất, kế đó là Nguyễn Minh Trường. Phía các cô đào thì Nhã Thy đang sáng giá, còn Bình Tinh trở thành trụ cột đoàn Huỳnh Long, vực đoàn dậy một cách ngoạn mục. Những tên tuổi còn lại cũng đều có mặt thường xuyên trong các vở tuồng mới, bởi họ thanh xuân.Dùmột số chưa thật nhiều kinh nghiệm sân khấu, nhưng diễn vẫn khá tròn vai, nên cũng chiếm được cảm tình khán giả.
Rõ ràng họ đang được tin cậy trongcác vị trí quan trọng của sân khấu, vì chính họ là lực lượng kế thừa của cải lương, khi các thế hệ đàn anh đàn chị đã lớn tuổi. Và điểm mạnh của họ cũng là biểu diễn, nói rõ hơn, biểu diễn đầy kịch tính, phù hợp với xu thế hiện đại. Nhân vật nào cũng được viết và dựng rất mạnh mẽ, giảm bớt tính tự sự nhẹ nhàng sâu lắng như các vở cải lương ngày xưa.
Nhìn lại quá trình phát triển của các thế hệ nghệ sĩ, xác định điểm mạnh điểm yếu, từ đó chúng ta có thể thấy cải lương đang biến chuyển ra sao. Dù gì thì cải lương vẫn phải có người kế thừa, nên việc của các ban ngành là chăm chút cho thế hệ kế thừa này, để họ phát huy thế mạnh. Không thể so sánh với quá khứ mãi được, vì lứa tài năng lớn có khi cả trăm năm mới xuất hiện lại. Nên hãy chăm chút cho lứa cây non được cứng cáp, vậy thôi!
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất