(TT&VH Online) - Dù có lục tung cả internet thì bạn cũng không thể kiếm đau ra tấm hình Luis Aragones ăn mừng trong trận thắng Nga ở bán kết, cho dù các học trò của ông ghi được tới 3 bàn thắng, còn TBN thì lọt vào trận chung kết lần đầu tiên sau 24 năm.
Khi tất cả các cầu thủ dự bị cùng với các trợ lý nhảy cẫng lên sau bàn ấn định chiến thắng của David Silva, Aragones vẫn ngồi trầm ngân trên băng ghế huấn luyện. Không ai biết lúc đó ông nghĩ gì. Song với một người ở tuổi 70, đã nếm trải đủ cả những ngọt, bùi, cay, đắng của nghề cầm quân thì hẳn ông cũng biết kiềm chế cảm xúc. Phải chăng, ông muốn dành điều đó cho đến sau trận chung kết?
Thực tế, những gì đã xảy ra ở World Cup 2006 đến nay vẫn còn đang dằn vặt Aragones. Khi đó, TBN cũng đã có một đội hình đủ mạnh đế có thể tiến xa. Họ cũng đã có sự khởi đầu cực kỳ hoàn hảo với chiến thắng 4-0 trước Ukraina. Khi đó, ông cũng đã bị cuốn theo những lời tâng bốc của cánh báo chí và đã không có những biện pháp gì để kéo các cầu thủ xuống mặt đất. Kết quả là TBN đã bị loại sớm khi để thua Pháp ở vòng 1/8, chấm dứt chuỗi 25 trận bất bại.
Dĩ nhiên, Aragones phải chịu trách nhiệm cho thất bại ấy. Lúc đó, ông đã thực sự đau đớn khi nhìn một dòng tít dài kỷ lục được in trên trang nhất tờ El Mundo Deportivo, đại ý: Trong năm 2006, đội bóng rổ của Pau Gasol đã VĐTG ở Nhật Bản, Rafa Nadal đăng quang ở Roland Garros, cũng tại Paris, Barca đã nâng cao chiếc Cúp Champions League, chỉ có đội quân của Aragones là nợ chúng ta một danh hiệu. Vì thế, với Aragones, chừng nào mà La Seleccion của ông chưa trả được món nợ cũ, mà cụ thể là không giành được chức VĐ thì ông vẫn chưa cảm thấy thanh thản. Bởi trận đánh lớn vẫn ở phía trước.
Nhưng ngay từ giờ, đối với người hâm mộ TBN, không những họ đã tha thứ cho Aragones, mà thậm chí họ còn ca tụng ông, bằng những lời lẽ vốn trước đây chỉ dành cho những HLV huyền thoại như Jose Villalonga, người đem về chức VĐ cho đến nay vẫn là duy nhất vào năm 1964, và Miguel Munoz, người gần nhất đưa TBN có mặt trong một trận chung kết, năm 1984.
Nhưng Aragones quyết không để những lời tán dương ấy làm xao nhãng sự tập trung trước trận chung kết, trận đấu lớn nhất trong sự nghiệp cầm quân rất dài của ông. Ông già đã sắp bước vào tuổi cổ lai hy này vẫn rất “máu” phiêu lưu, tìm tòi, điều tưởng như chỉ phù hợp với những tuýp HLV trẻ như Loew hay Donadoni. Báo chí TBN đã từng chỉ trích ông là thích chơi trò sudoku vì ông cứ luôn thử nghiệm các sơ đồ chiến thuật khác nhau. Nhưng có thế thì ông mới tìm ra được một sơ đồ hoàn chỉnh đồng thời mang tính ổn định cao như đã thể hiện tại VCK lần này. Để đạt được điều đó, ông đã chấp nhận bị báo chí Madrid chỉ trích khi loại Raul Gonzalez. Bởi đơn giản là công thức phù hợp nhất mà ông tìm được xuất phát từ việc sự vắng mặt của “số 7”.
Sự dũng cảm của Aragones còn được thể hiện ở việc ông mang tới VCK lần này 5 cầu thủ trước đó chưa từng khoác áo ĐTQG (Guiza, Cazorla, De la Red, Arbeloa, Palop), và hầu hết trong số đó đều đã có những đóng góp nhất định vào thành công của La Seleccion. Những người mới luôn đem đến khao khát, tạo ra một bầu không khí cạnh tranh lành mạnh, và là động lực thúc đẩy cả đội tiến lên phía trước.
Vì thế, những nghi ngại về sự khác biệt vùng miền chỉ là sự lo xa không cần thiết, bởi nó không hề tồn tại. Và một khi sự tự ti đã được loại bỏ, như lúc Fabregas sút tung lưới Italia ở tứ kết thì cũng có nghĩa là đội quân của Aragones đã sẵn sàng để bước lên ngôi vô địch. Chỉ đến lúc ấy, “Nhà hiền triết” mới nhảy lên ăn mừng. Và hẳn là cách ăn mừng của một ông già 70 sẽ vô cùng đặc biệt.
Những kỷ lục của Aragones
- Là HLV thứ 3 giúp TBN lọt vào một trận chung kết EURO sau Jose Villalonga (1964) và Miguel Munoz (1984). - Là HLV giành được nhiều chiến thắng nhất trong lịch sử ĐT TBN với 37 trận (tổng số 63 trận, chỉ thua 4 trận). - Là HLV có số trận thắng liên tiếp dài nhất với 9 trận.
|
Hoàng Nhật