28/04/2017 18:01 GMT+7 | V-League
15 năm nay, các ngoại binh “làm mưa, làm gió” trên hầu hết sân cỏ Việt Nam, đảm nhận khâu ghi bàn cho các đội bóng, bất kể đội đó mạnh hay yếu. Việc sau lượt đi V-League 2017 dẫn đầu danh sách vua phá lưới là “lão tướng” Nguyễn Anh Đức (8 bàn) đã 32 tuổi.
Nếu như sự vắng mặt của sát thủ người Argentina là Gonzalo (Hà Nội FC) và Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng) vì chấn thương, tạm phải chấp nhận thì những cái tên như Samson, Stevens, Uche sau 13 trận đấu chỉ có 7 bàn thắng là điều khiến giới chuyên môn giật mình.
Với sự lui dần của các ông chủ nhà băng, xi măng thì gần đây các CLB không xuất hiện các chân sút ngoại thuộc dạng hàng khủng kiểu như Kesley Alves của Bình Dương trong mùa giải V-League 2005 có 21 bàn thắng sau 22 trận hay chính Hoàng Vũ Sam son có 23 bàn thắng sau 24 trận tại V-League 2014.
Ngoại trừ HAGL với bầu Đức kiên định dùng “cây nhà, lá vườn”, các đội còn lại đều muốn có ít nhất một chân sút ngoại. Với nhóm các đội có tham vọng cuộc đua chức vô địch, ngoại binh chí ít phải có trên 15 bàn thắng/mùa, nhóm còn lại cũng phải có trên 10 bàn thắng/mùa.
Nhưng thực tế, các ngoại binh V-League ngày càng xa với các con số trên. Việc sở hữu một chân sút ghi trên dưới 20 bàn thắng/mùa giải là giấc mơ của không ít ông bầu, trong đó có Công Vinh. Các cặp song sát Samson – Gonzalo, Stevens – Fagan cũng chỉ mới dừng ở mức độ tạm chấp nhận.
Một số đội, với những cách tuyển ngoại binh vội vàng, đã “vơ bèo, vợt tép” phải những “chân gỗ” như cặp ngoại David, Eydison (SHB.Đà Nẵng), Olaha (SLNA) hay Marcelo (Sài Gòn), khi trong khá nhiều cơ hội ngon ăn, họ lóng ngóng…đá ra ngoài. Ngoài thể lực, không ít cầu thủ ngoại trình độ tuy xa các cầu thủ nội cả về kỹ thuật lẫn tư duy chiến thuật nên đội bị lâm vào cảnh “nội cõng ngoại”.
Ngó ra láng giềng
Bóng đá Đông Nam Á vốn được coi là vùng trũng của thế giới nên không mấy hấp dẫn với các ngoại binh. Khi mà kinh tế khó khăn, không còn nhiều ông bầu chịu chơi, dám móc hầu bao thì việc V-League ngày càng ít ngoại binh có chất lượng là điều đã được dự báo.
Khi chấp nhận đến Đông Nam Á, các ngoại binh lại “rỉ tai” bỏ qua V-League để đến các giải đấu hấp dẫn hơn như Thai Premier League, Singapore, Indonesia.... Đơn cử như tại Liga 1 ở Indonesia vừa chính thức khai mạc, các CLB xứ vạn đảo đã không tiếc tiền đem về những cựu ngôi sao từng chơi bóng ở châu Âu, biến Liga 1 trở thành giải đấu đáng chú nhất Đông Nam Á hiện tại.
Carlton Cole được kỳ vọng sẽ giúp Persib Bandung bay cao ở Liga 1 mùa giải 2017
CLB Persib Bandung đã tậu Michael Essien, cựu ngôi sao Chelsea & ĐT Ghana, vào tháng 3 vừa qua. Ở tuổi 34, anh đặt bút ký hợp đồng 1 năm, kèm theo tuyên bố: "Tôi hi vọng mình sẽ là khúc dạo đầu cho các ngôi sao thế giới khác đến với giải Indonesia". Mohamed Sissoko thủ từng khoác áo những CLB hàng đầu châu Âu như Valencia, Liverpool, Juventus và Paris Saint-Germain, năm nay mới 32 tuổi cũng tìm đường đến gia nhập CLB Mitra Kukar. Cùng với Essien, Carlton Cole được kỳ vọng sẽ giúp Persib Bandung bay cao ở Liga 1 mùa giải 2017. Cựu cầu thủ của Chelsea và West Ham United sau khi chia tay Celtic cũng sang thi đấu tại Indonesia.
Không nhiều tiền bằng các đại gia nhưng CLB Madura United cũng đã mua về cầu thủ Peter Odemwingie, một tiền đạo đã từng thi đấu cho các đội bóng hạng khá ở châu Âu như Lille hay Lokomotiv Moscow. CLB Arema FC thì ký hợp đồng với Juan Pino, cựu tuyển thủ Colombia 30 tuổi từng tỏa sáng trong màu áo Monaco, Galatasaray.
Chắc chắn, với sự có mặt của hàng loạt ngôi sao hàng đầu thế giới (dù tuổi xế chiều) thì chất lượng Liga 1 sẽ được cải thiện, cơ hội cho các cầu thủ Indonesia cọ xát và học hỏi kinh nghiệm được tăng cao.
Chất lượng ngoại binh V-League đang có chiều hướng đi xuống và “già hóa”. Nếu không kiếm được các ngoại binh hay thì chắc chắn số lượng khán giả đến sân ngày một giảm. Đây đang thực sự là vấn đề nan giải với các CLB!
Đông Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất