Vì sao Real Madrid có trả 100 triệu euro, Liverpool cũng không bán Suarez?

19/12/2013 14:49 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Dù vẫn tính toán chi li từng bản hợp đồng lớn nhỏ, BLĐ Liverpool sẽ không từ bỏ tham vọng lớn lao. Vì lẽ đó, ngay cả khi Real Madrid có trả 100 triệu euro, Liverpool nhiều khả năng không bán Suarez.

Năm 2003, Roman Abramovich chọn Chelsea. Năm 2008, Sheikh Mansour đổ tiền vào Manchester. Vì sao không phải là Liverpool, vốn lúc bấy giờ vẫn còn là đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh? Có thể vì lý do chính trị hay địa lý. Cũng có thể vì những tỷ phú siêu giàu có ấy cho rằng đổi đời những đội bóng trung bình khá thì dấu ấn cá nhân mới nổi bật hơn.

Thực ra, trước khi bán cho hai ông chủ người Mỹ Tom Hicks và George Gillett, BLĐ Liverpool có xem xét một lời đề nghị từ tập đoàn khổng lồ của Trung Đông là Dubai International Capital (DIC). Nhưng thương vụ này đã đổ bể khi bộ đôi người Mỹ Hicks và George Gillett gây thiện cảm nhiều với BLĐ Liverpool lúc bấy giờ. DIC quyết định rút lui, đưa ra thông báo đầy giận dữ: “Họ (BLĐ Liverpool) đã không giữ chữ tín. Chúng tôi đã yêu cầu họ không liên hệ với đối tác khác khi quá trình đàm phán với chúng tôi đang diễn ra”.

Chính sách hợp lý

Khi Tom Hicks và George Gillett vỡ nợ, chủ nợ lúc bấy giờ là Ngân hàng Hoàng gia Scotland buộc Liverpool phải tìm người tiếp quản CLB đủ khả năng chi trả. FSG xuất hiện nhưng so với tiêu chuẩn được các ông chủ ở Manchester City, Chelsea, hay PSG đề ra thì tập đoàn chuyên gia đầu tư thể thao đến từ Mỹ này đích thị được xếp vào dạng "nghèo."

FSG chi mạnh ngay trong kỳ chuyển nhượng đầu tiền vào mùa Đông năm 2011, nhưng vẫn bị mang tiếng kiết xu vì khi tính tới con số thực chi thì gần như không thấy có sự khác biệt so với phong cách “25 triệu bảng trở xuống thì mới xem xét” của Hicks và Gillett. Andy Carroll và Luis Suarez được mua về với tổng giá trị chuyển nhượng là 58 triệu bảng, nhưng Fernando Torres bị bán sang Chelsea gần như trong cùng một ngày với giá 50 triệu bảng. Tức là gần như đổi ngang.

Kể từ kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm 2011 tới nay, ngoại trừ bản hợp đồng Stewart Downing với giá 20 triệu bảng, FSG chưa một lần vượt ngưỡng 20 triệu. Thay vì tập trung vào giá trị, FSG chú trọng đầu tư vào chất lượng tuyển trạch, một HLV biết cách đào tạo trẻ và đánh mạnh vào tiềm năng thay vì kinh nghiệm hay tuổi tác. Cũng chính họ đứng phía sau những bản hợp đồng mang tính trụ cột của Liverpool vào thời điểm này: Daniel Sturridge, Philippe Coutinho, Jordan Henderson, Joe Allen, Simon Mignolet, Mamadou Sakho...

Chính sách của FSG còn chú trọng vào vấn đề lương bổng thay vì chỉ tập trung vào phí chuyển nhượng. Đây là cách làm việc xuất phát từ thói quen hoạt động thể thao ở Mỹ, nơi giá trị chuyển nhượng luôn được tính bằng mức lương cầu thủ được nhận hay số tiền các franchise/thương hiệu thể thao phải chi ra để có được sự phục vụ của các danh thủ mỗi năm. Phí chuyển nhượng của Carroll có thể tương đương với Sergio Aguero của Man City nhưng tính về lương, Carroll quá nhỏ bé so với Aguero. Với chính sách này, họ mua Coutinho thay vì Sneijder (chưa kể Coutinho trẻ hơn)

FSG với John W. Henry (phải) đứng đầu coi trọng thành công lâu dài.

Cách làm việc đậm chất tính toán của FSG và John W. Henry đã làm không ít người nhíu mày lo ngại khi Reina, một công thần và một cá nhân được nhiều người hâm mộ yêu mến, bị đem cho mượn không thương tiếc do có cầu thủ trẻ tiềm năng Simon Mignolet thay thế ở mức lương thấp hơn.

Nếu là Sheikh Mansour hay Roman Abramovich thì rất có thể Reina vẫn còn chỗ trong bảng lương của Liverpool, và việc nên giữ chân Daniel Agger, Glen Johnson hay không sẽ không phải là một chủ đề cần phải bàn tới.

Tóm lại, vì tiềm lực tài chính không quá hùng mạnh, BLĐ Liverpool hiện tại buộc phải tính toán chi li, “liệu cơm gắp mắm”. Nhưng người hâm mộ Liverpool phần nào an lòng khi FSG và ông John W. Henry hoàn toàn không phải những tay mơ trong việc kinh doanh thể thao. Bất kỳ một quyết định nào cũng được đưa ra sau những toan tính kỹ lưỡng.

Quyết giữ Suarez

Và điều quan trọng hơn, dù vẫn tính toán chi li từng bản hợp đồng lớn nhỏ, FSG do John W. Henry đứng đầu không từ bỏ tham vọng lớn lao, luôn hướng đến chiến thắng và biết tìm đến chiến thắng theo cách của mình.

Chiến thắng có thể mua được bằng đồng tiền, cả Chelsea lẫn Manchester City đã chứng minh điều đó. Nhưng cũng chính Chelsea, Manchester City, và gần đây nhất là Tottenham đã cho thấy tiền chưa chắc thay thế được sự ổn định. 100 triệu euro (85 triệu bảng) có thể mua được Bale, nhưng 120 triệu euro lại chưa đủ để mua được những gì Bale đã mang lại cho Tottenham.

Suarez là sự khác biệt lớn nhất ở trận Tottenham - Liverpool vừa qua.

Vào thời điểm này, FSG hiểu rõ hơn ai hết: Chiến thắng chính là Suarez. Khi từ chối bán Suarez cho Arsenal, FSG đã nêu rõ tiền thu từ chuyển nhượng không phải là vấn đề. Họ đề ra hai tiêu chí: (1) Không bán cho đối thủ cạnh tranh suất dự Champions League, và (2) Không bán khi không đủ thời gian tìm giải pháp thay thế.

Nếu Real Madrid tiếp cận Liverpool vào tháng 1/2014 tới đây và đưa ra đề nghị trị giá 60 triệu euro cho Suarez, họ đã vượt qua được tiêu chí (1) nhưng Liverpool nhiều khả năng sẽ từ chối bán chỉ dựa theo tiêu chí (2). Nếu Suarez tiếp tục phong độ hiện tại cho tới lúc Real gõ cửa vào tháng Giêng, 80 triệu hay 100 triệu euro chưa chắc đem đến cho Liverpool giải pháp thay thế tương tự trong vòng một tháng ngắn ngủi của kỳ chuyển nhượng mùa Đông.

Vì lẽ đó, BLĐ Liverpool gấp rút “nâng cấp” hợp đồng với Luis Suarez. Ban đầu, họ từng có dự định nâng lương cho Suarez lên thành 130.000 bảng/tuần, ít hơn đội trưởng Gerrard 10.000 bảng/tuần. Nhưng theo thông tin mới nhất, bản thảo hợp đồng mới cho Suarez đang dần trở thành một "siêu hợp đồng”: Tiền đạo người Uruguay sẽ nhận mức lương 200.000 bảng/tuần, con số lớn nhất trong lịch sử bảng lương của CLB.

Có thể Suarez sẽ ký vào siêu hợp đồng mới, nhận mức lương kỷ lục cho phần còn lại của mùa giải, và lại nằng nặc đòi ra đi vào mùa Hè tới. Không ai có thể biết trước được tương lai, nhất là với một cầu thủ nổi tiếng “khó lường” từ sân cỏ đến hậu trường như Suarez; nhưng ít nhất FSG sẽ đấu tranh đến cùng để giữ chân ngôi sao số 1. Tất nhiên, là những nhà đầu tư, họ đề cao yếu tố lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận mà họ hướng đến mang tính dài hạn, đến từ thành công lâu dài của đội bóng chứ không phải từ việc bán ngôi sao vốn mang tính ngắn hạn.

Liverpool cần những khoảnh khắc thiên tài của Suarez.

Cách đây nửa năm, ít ai tin rằng Liverpool giữ được chân Luis Suarez. Bây giờ tình thế đã khác. Liverpool sẵn sàng trả cho anh mức lương tương đương với những ngôi sao hàng đầu của Premier League và thế giới. Vị thế của Liverpool trên BXH cũng đã khác khi họ tràn ngập cơ hội cạnh tranh chức vô địch Premier League. Suy cho cùng, cầu thủ nào cũng chỉ quan tâm ba yếu tố mà thôi: Tiền bạc, danh hiệu và tình cảm của người hâm mộ. Ở lại Liverpool, Suarez có thể giành được cả ba.

Suarez có thể không chịu ký hợp đồng mới và sẽ ra đi. Nhưng với chính sách của FSG, Liverpool nhiều khả năng không để anh ra đi cho đến khi đạt được mục tiêu trên sân cỏ (ít nhất dự Champions League) và tìm ra phương án thay thế xứng đáng. Như vụ bán Torres khi đã tìm thấy người thay thế là Suarez gần 3 năm về trước.

Đã có những lo ngại rằng Suarez sẽ “đình công” để đạt được mục đích cá nhân. Nhưng FSG và John W. Henry quá biết rõ “điểm yếu” của Suarez: Hễ ra sân là thi đấu hết mình.

Như những gì anh đã và đang thể hiện, sau mùa Hè bão tố...

Kiên Phạm
LiverpoolFC Vietnam Community

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link