Nghiêm - Liên - Sáng - Phái đều đã ra đi, nỗi buồn ở lại với tranh Việt

16/06/2016 06:44 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ thuật Việt Nam chắc chắn còn lâu mới xuất hiện một danh họa tầm cỡ như Nguyễn Tư Nghiêm, nên ông qua đời để lại một nỗi buồn khó bù đắp đối với giới yêu thích hội họa. Nguyễn Tư Nghiêm là người cuối cùng của bộ tứ thứ 3 (Nghiêm - Liên - Sáng - Phái), hai bộ tứ trước gồm Trí - Lân - Vân - Cẩn và Phổ - Thứ - Lựu - Đàm.

Mỹ thuật hiện đại Đông Dương và rộng hơn là Đông Nam Á thời kỳ đầu (nửa đầu thế kỷ 20), hiếm nước nào có được 3 bộ tứ giống như Việt Nam. Họ cùng Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Tạ Tỵ, Lương Xuân Nhị… cùng vài danh họa khác làm nên phong thái và diện mạo đa dạng cho mỹ thuật Việt Nam trong tầm nhìn của thị trường thế giới.

Nếu từ cơ sở vững vàng này, cộng với sự nghiêm minh của luật pháp, sự tự trọng, tử tế của giới mua bán nội địa thì Việt Nam hiện nay chắc chắn đã có nhiều tác phẩm đạt giá từ 1 triệu USD. Đây cũng là dự đoán mà nhà đấu giá Sotheby’s đưa ra từ đầu thập niên 1990, nhưng rồi không thành, tất cả do nạn tranh giả - tranh chép - tranh gian làm cho mọi thứ sa sút, người mua mất niềm tin.


Từ trái sang: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Bá Đạm, Đức Minh (người đứng), Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên. Ảnh chụp vào năm 1975. Nguồn: ảnh tư liệu do Bùi Thanh Phương sưu tầm

Lâu nay trong nước, khi nghĩ về các danh họa thời kỳ đầu, nhiều người tìm mua tranh Nguyễn Tư Nghiêm, thậm chí xin chụp hình cùng ông và tranh, chỉ vì họ không muốn mua phải tranh giả.

Nay Nguyễn Tư Nghiêm qua đời ở tuổi thượng thọ, nỗi buồn về mất mát rồi sẽ nguôi ngoai, trong khi sự lo lắng và nỗi buồn về tranh giả - tranh chép - tranh gian thì vẫn ở lại. Nó kéo dài suốt từ năm 1985 đến nay và chưa dừng lại, nên hậu quả sẽ còn dài lâu, làm mất niềm tin lớn nơi người mua, giá bán khó mà nâng cao lên được.

Các bộ tứ trong nước bị tranh giả - tranh chép - tranh gian không nói, vì người gian lận trong chuyện này quá nhiều. Ngay bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm sống nửa đời sau tại Pháp, nhiều người cứ nghĩ sẽ khó bị làm giả, nhưng thời gian gần đây vẫn đầy rẫy. Nguồn của tranh giả - tranh chép - tranh gian lại đến chủ yếu từ trong nước, thế mới đáng buồn.

Gần đây Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã chỉ ra các tranh giả của Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm là một trong vô vàn ví dụ. Câu thành ngữ “cha làm thầy con đốt sách” đúng với tình trạng này, nó chỉ chung việc đặt nền móng, xây dựng, sáng tạo của các thế hệ đi trước (ở đây là khoảng 20 danh họa thời kỳ đầu), nhưng rồi các thế hệ đi sau lại phá bỏ nó.

Về lâu về dài, nếu tranh của 3 bộ tứ cứ thấp giá lè tè như vậy, mới nhìn tưởng là cơ hội của người mua, người chơi tranh. Thế nhưng, khi các danh họa thời kỳ đầu đã giá thấp thì các thế hệ đi sau biết bao giờ mới có cơ hội nâng giá. Do các chế tài chưa nghiêm và chưa minh bạch với lĩnh vực này, nên nhiều họa sĩ đương thời (có người sinh 8X, 9X) đã “học thêm” thói hư tật xấu, tự họ làm tranh giả - tranh chép - tranh gian của chính mình.

Nếu tính từ bức Bình văn của họa sĩ Lê Huy Miến (sáng tác khoảng từ 1898 tới 1905) nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã hơn 110 năm tuổi, hiện có hàng ngàn họa sĩ sáng tác.

Nhìn lại 3 thập niên xuất hiện trên thị trường quốc tế, Việt Nam đã có không dưới 20 họa sĩ còn sống có giá bán khởi điểm cao hơn I Nyoman Masriadi (sinh 1973, Indonesia) thời mới xuất hiện.

Nhưng chính Masriadi đã thành họa sĩ còn sống đầu tiên tại Đông Nam Á có tranh hơn 1 triệu USD tại một phiên giao dịch công khai. Chúng ta đã, đang, và sẽ đánh mất các khởi đầu tốt đẹp, nếu thiếu sự đoàn kết, minh bạch và thiếu các tư duy đột phá để xốc lại niềm tin.

Hơn nữa, mỹ thuật là hàng hóa siêu xa xỉ, thế mà người Việt rất ít mua tranh Việt thì làm sao kích hoạt nhu cầu và niềm tin từ khách quốc tế. Và khi người Việt rất ít mua thì khó tạo ra được thị trường thực thụ và lành mạnh, làm sao tiến tới việc thẩm định, định giá, làm giá, giữ giá… cho từng tác phẩm.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link