Ngôi nhà cũ của huyền thoại kungfu Lý Tiểu Long sẽ được đem bán, sau khi kế hoạch biến địa điểm này thành bảo tàng tưởng nhớ ngôi sao võ thuật.
Ngôi nhà cũ của Lý Tiểu Long tại Hong Kong. Ảnh: AFP
Nhà từ thiện Yu Panglin, người sở hữu ngôi nhà, cho biết ông dự định rao bán bất động sản với giá 180 triệu HKD, tương đương 23 triệu USD, sau khi các cuộc thương lượng với chính quyền để xây bảo tàng bị đổ vỡ hồi năm ngoái.
"Tôi không còn xem xét kế hoạch xây bảo tàng nữa vì chính quyền không ủng hộ", tỷ phú 90 tuổi cho biết trên nhật báo tiếng Trung của Hong Kong
Singtao Daily. "Tôi đã hết kiên nhẫn rồi, tôi không muốn chờ đợi thêm nữa".
Ông cho biết ngôi nhà được cho thuê làm một "khách sạn tình nhân" nhưng chủ khách sạn đã không thanh toán tiền thuê hai năm nay, do làm ăn khó khăn, trong khi ngôi nhà đang cần được tu bổ gấp.
Những người hâm mộ Lý Tiểu Long từ lâu đã bày tỏ mong muốn có một nơi để tưởng nhớ ngôi sao bạc mệnh người Mỹ gốc Trung Quốc tại quê nhà. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được sự thất vọng khi chính quyền Hong Kong bác bỏ kế hoạch xây dựng bảo tàng hồi tháng 6 năm ngoái, cho biết không thể đi đến đồng thuận với ông Yu sau hai năm đàm phán, nhưng không cung cấp rõ chi tiết.
Ông Yu cho hay chính quyền từ chối đề nghị mở rộng khu nhà của ông bằng cách xây thêm 3 tầng để làm rạp chiếu phim, thư viện và trung tâm huấn luyện võ thuật. Căn nhà hai tầng rộng 460 m2 nằm ở quận cao cấp Kowloon Tong của Hong Kong đã được biến thành một khách sạn với các phòng cho thuê giá 25 USD một giờ. Khách thuê thường là cho các đôi trai gái muốn "vui vẻ".
Những người hâm mộ của Lý Tiểu Long đã kêu gọi tỷ phú Yu cân nhắc lại kế hoạch bán nhà. "Nếu ngôi nhà bị đem bán và cải tạo hoặc phá dỡ, tôi nghĩ người dân Hong Kong và các fan hâm mộ Lý Tiểu Long trên khắp thế giới sẽ vô cùng thất vọng", Wong Yiu-keung, trưởng Fan Club của Lý Tiểu Long ở Hong Kong nói. "Chúng tôi hy vọng chính quyền nỗ lực thuyết phục ông Yu một lần nữa".
Ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long qua đời năm 1973 ở tuổi 32 tại Hong Kong vì chứng phù não. Ông là một diễn viên võ thuật nổi tiếng trong nền điện ảnh Mỹ, có công đưa kungfu vào nhiều phim võ thuật kinh điển như
Tinh Võ Môn năm 1971 hay
Mãnh Long Quá Giang năm 1973. Những người hâm mộ của ông nhiều lần chỉ trích việc thiếu nơi tưởng niệm lớn hơn cho ông tại quê nhà, ngoại trừ một bức tượng ở Đại lộ Ngôi sao, con đường vinh danh các nhân vật nổi tiếng của điện ảnh Hong Kong.
Theo Vnexpress