25/03/2009 09:06 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Mặc cho thế giới than thở về khủng hoảng tài chính hay suy thoái kinh tế, những sản phẩm giải trí để học rùng mình như Underworld 3 (Thế giới ngầm 3), Twilight (Chạng vạng) v.v… vẫn dễ dàng “hái tiền”. Giới thạo nghề ở làng giải trí thậm chí cho rằng ma cà rồng là một trong những biểu tượng đặc trưng của giai đoạn mà cuộc sống vật chất lâm vào khốn khó…
Vì sao đề tài ma cà rồng ăn khách?
Người ta có thể chê bai hay ném văn học kinh dị vào một góc với các phế phẩm rác rưởi của trí tuệ con người, song không ai dám phủ nhận rằng hầu như đứa trẻ nào cũng lớn lên cùng thể loại kích động trí tưởng tượng này. Tựa như bịt tai lại vì sợ chuyện ma mà vẫn muốn nghe tiếp, người ta có cố tình cũng không bỏ hẳn được đề tài này. Ma quỷ, phù thủy, người sói, khổng lồ một mắt v.v... nói cho cùng, chỉ là nhiều dạng của hệ quy chiếu giúp ta bóp méo đến dị dạng một thực tế đầy áp lực đòi hỏi mình phải cố tìm ra lời giải thích. Nếu không, làm cách nào để lý giải thành công (thương mại) của Harry Potter với 375 triệu ấn bản toàn cầu?
Tập đầu của Twilight ra đời cách đây chưa đầy 4 năm, nhưng khoảng thời gian ấy đủ để Stephenie Meyer từ xứ Phoenix (Arizona) bán được hơn 7 triệu bản tiếng Anh. Và sau bộ ba Twilight, nữ tác giả này lại đẩy tiếp The Host lên vị trí số 1 ở Mỹ. Dĩ nhiên thành tích đó còn thua xa thống kê của Harry Potter, nhưng Meyer đã được tờ Time danh tiếng dự đoán là người “kế nhiệm” Rowling và ít nhất cũng thuộc vào 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới, cộng với danh hiệu siêu sao trong thời kỳ “hậu Harry Potter”.
Ma cà rồng không chỉ… hút máu
Nhà phê bình văn học Hans Richard Brittnacher, tác giả cuốn Mỹ học của sự kinh dị, đã từng vạch ra: “Để thể hiện qua ngôn ngữ khô khan của thống kê học: khoảng 70% ma cà rồng (văn học) thuộc về giới quý tộc, 20% là bác sĩ, kiến trúc sư, nhà buôn cổ phiếu. Ma cà rồng có thể coi là thượng tầng quý phái của giới ma quỷ”. Anne Rice, tác giả người Mỹ gốc Ireland của The Vampire Chronicles, không phải ngẫu nhiên cùng quan điểm với Hans Richard Brittnacher. Theo dõi bước thăng trầm của 10 tập truyện trong serie nói trên có thể nhận ra bước song hành giữa văn học kinh dị với tiến triển kinh tế.
Nhưng ma cà rồng không nhất thiết cứ phải... hút máu. Và có thể do nguồn gốc tôn giáo Mormon của mình mà Stephenie Meyer không đi đến quyết liệt như một cây bút khác: Viktor Pelevin. Nhà văn người Nga này dùng một chất liệu khác, khả dĩ nặn ra các ác mộng trên thị trường chứng khoán (và cả ở những nơi chốn khác). Cuốn Đế chế thứ 5 của ông có bối cảnh ở nước Nga đương đại và miêu tả một dạng ma cà rồng mới - chúng không hút máu, mà hút một dạng năng lượng sống trong cơ thể người và qua đó giành được quyền thống trị thế giới. Dạng năng lượng ấy mang tên Bablos và chỉ được cơ thể tạo ra khi con người làm gì đó dính dáng đến tiền. Theo luận cứ của Pelevin, thế giới mà ông hư cấu ra hoàn toàn giống về bản chất với thế giới tài chính đang lung lay trước mắt chúng ta hiện nay. Đế chế thứ 5 ra đời năm 2006, nghĩa là còn lâu mới thấy “bóng ma 2009” của phố Wall, song hoàn toàn được phép hiểu là một báo ứng sớm cho sự kiện đó nhờ mắt quan sát của Pelevin ở một nước Nga của Gazprom và các lực lượng tài phiệt khác.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất