Ma túy 'tem giấy, bùa lưỡi' gây ảo giác mạnh tấn công cổng trường

20/09/2016 22:14 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây, một loại ma túy có hình dạng như miếng dán có tên “tem giấy” hay “bùa lưỡi” đã xuất hiện tại nước ta.

Theo các bác sĩ, đây là một trong những loại ma túy chứa chất gây ảo giác mạnh nhất từ trước đến nay. Mới đây, Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân 15 tuổi bị nghiện ma túy “tem giấy”.

Gây ảo giác cực mạnh

Ma túy “tem giấy”, hay “bùa lưỡi”, thực chất là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Lysergic Axit Diethylamide), là chất bán tổng hợp được chiết xuất từ nấm cựa gà.

LSD có tác dụng rất nhanh, chỉ sau 5 phút liếm, ngậm, người dùng đã có cảm giác, mạnh nhất là sau 2-6 giờ, tác dụng kéo dài đến 12 giờ, tùy thuộc vào số lượng tiêu thụ. Đây là loại ma túy không mới, tái xuất hiện thời gian gần đây sau một thời gian dài (từ cuối thập niên 1970) bị ngưng sản xuất.


Loại ma túy này đã xuất hiện tại cổng các trường học. Ảnh: thanhnien.vn

Dù vậy, đây là chất gây ảo giác mạnh nhất cho đến nay, cũng được xem là chất ma túy nguy hiểm nhất vì chỉ vài chục microgam đã có thể gây ảo giác. Loại ma tuý này là chất độc bị cấm lưu hành ở nhiều quốc gia.

Xuất hiện ở Việt Nam gần đây, loại ma túy này có kích thước 1,5x1,5 cm, trong một miếng bìa có khoảng 25 tem giấy. Trên bìa in hình các nhân vật nổi tiếng như Einstein hay các ca sĩ thế giới, giống như miếng bìa chơi của trẻ con.

Theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương, ma túy “đá” và “tem giấy” có mức độ nguy hiểm như nhau. Với ‘tem giấy”, người “chơi” sẽ bị ảo giác, thấy những hình ảnh kỳ lạ như nhìn người khác lại tưởng quỷ dữ, đứng dưới đất lại tưởng mình là siêu nhân bay lượn trên trời… Ngoài ra, “tem giấy” rất rẻ nên rất dễ tiếp cận và dễ sử dụng.

Nguy hiểm hơn là “tem giấy” nhắm vào đối tượng học sinh, lứa tuổi này các em chưa ý thức được nguy hiểm mà chỉ đơn giản nghĩ là một trò chơi. Như các loại ma túy khác, “tem giấy” đem lại cảm giác “phê” nên người dùng thích thú và dễ bị phụ thuộc.

Chủ động phòng tránh

Rút kinh nghiệm từ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, cơ quan chức năng đã phản ứng khá nhanh bằng việc đưa ra cảnh báo về loại ma túy mới mang tên “tem giấy” ngay khi xuất hiện ca loạn thần đầu tiên trên cả nước.

Thực tế cho thấy, các loại ma túy thường hấp dẫn, thu hút một lớp thanh thiếu niên thiếu hiểu biết, ham chơi, nhất là ham cảm giác mạnh. Vì vậy, việc giải thích, tuyên truyền để thanh thiếu niên và các bậc phụ huynh hiểu được nguy cơ là rất quan trọng. Không bao giờ nghĩ rằng việc báo động nguy cơ ma túy là quá sớm.

Theo bác sĩ La Đức Cương, ngoài việc thường xuyên quan tâm đến những thay đổi tâm sinh lý của trẻ, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo nếu thấy trẻ có triệu chứng bất thường như mất ngủ hoặc ngủ bất thường (ngủ ngày, đêm thức), hốt hoảng, sợ sệt, xuất hiện hành vi kỳ quặc… thì nên đưa con đến khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Học sinh, sinh viên tuyệt đối không thử dù chỉ một lần các chất ma túy dù nó được quảng cáo là nhẹ hay nặng, dễ nghiện hay không dễ nghiện... Các em cần được tập huấn kỹ năng nhận biết các loại ma túy, nhận biết người sử dụng ma túy từ đó áp dụng các kỹ năng phòng, tránh an toàn.

Tuấn Anh - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link