23/08/2012 10:55 GMT+7 | Văn hoá
* TT&VH từ lâu cũng đã trở thành một cái tên quen thuộc trong làng báo Việt Nam. Theo ông đâu là nguyên nhân thành công của tờ báo?
- Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên vị thế của tờ TT&VH như hiện nay. Tờ báo thành công trước tiên là nhờ nó đã ra đời rất đúng lúc và đúng chỗ.
Có thể nói TT&VH là tờ báo chuyên về thông tin giải trí đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam sau năm 1975. Ta nhớ lại khi TT&VH được thành lập, đất nước ta vừa thoát khỏi chiến tranh mới có 5-7 năm, tình hình kinh tế xã hội vẫn đang hết sức khó khăn - ta vẫn nói đó là “thời kỳ ăn hạt bo bo” - và những quan niệm về báo chí, đặc biệt là đối với loại báo giải trí, phần nào còn chưa được rộng mở.
|
Cũng phải nói thêm: Ra tin nhanh bóng đá cũng là một sáng kiến hết sức độc đáo của TTXVN. Tôi có nghiên cứu thì thấy loại “báo thời vụ” này (chỉ xuất bản khoảng một tháng trong dịp World Cup và EURO) hầu như chỉ có ở Việt Nam. Khởi khuồn từ TTXVN, đạt đỉnh cao vào quãng giữa thập niên 1990 (tôi nhớ vào dịp USA ‘94, ở VN có tới 14 tờ tin nhanh được xuất bản), “loại hình” tin nhanh bóng đá còn được duy trì mãi tới EURO 2006 mới kết thúc. Khi ấy ở VN có một loạt tờ báo thể thao hàng ngày ra đời, khiến cho “loại hình” tin nhanh không còn phù hợp nữa.
* TT&VH xây dựng được uy tín còn nhờ có một đội ngũ cây bút sắc sảo?
- Tất nhiên rồi. Người ta vẫn nói bản sắc của một tờ báo được tạo ra bằng tính định danh và định mục. TT&VH đạt được tính định danh của mình thông qua việc bản thân tòa soạn xây dựng được nhiều cây bút sắc sảo, đồng thời lại thu hút được rất nhiều cộng tác viên có tên tuổi tham gia viết cho mình. Trên lĩnh vực văn học chẳng hạn có Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân…; mỹ thuật có Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng…; sân khấu có Nguyễn Thị Minh Thái… hay như tạp văn có Phan Thị Vàng Anh, Lê Hoàng… Rất nhiều, tôi không thể kể hết.
Tôi nghĩ hiếm có tờ báo nào lại có đội ngũ cộng tác viên đông đảo như TT&VH. Thông qua những bài viết giàu chất lượng của mình, họ đã tạo ra cốt cách của tờ báo. Ngoài định danh, TT&VH cũng làm rất tốt khâu định mục. Tờ báo đã lập được khá nhiều chuyên trang, chuyên mục hấp dẫn và có chiều sâu. Đã có không ít sinh viên báo chí viết luận văn tốt nghiệp về các chuyên trang trên TT&VH. Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn nói, chỉ cần đọc các chuyên trang mỹ thuật của TT&VH là người ta biết toàn bộ lịch sử phát triển mỹ thuật VN.
Nhiều độc giả tìm mua một tờ báo đôi khi chỉ vì họ thích một cây viết nào đó, một chuyên mục nào đó của tờ báo, có khi là những mục rất bình thường. Tôi nhớ hồi năm 1996, khi TT&VH từ chỗ ra hàng tuần (vào thứ Sáu) quyết định tăng thành 2 kỳ/tuần, tôi được giao nhiệm vụ xây dựng kết cấu nội dung và các chuyên mục cho kỳ báo mới (ra vào thứ Ba). Trong đó có một mục gây nhiều tranh cãi là mục Nụ cười bốn phương. Khi ấy thậm chí có người nặng lời nói đây là một ý tưởng “nhí nhố”, đưa mục này vào sẽ làm “hạ cấp” tờ TT&VH. Không ngờ về sau nó lại là một mục được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Có người đánh giá Nụ cười bốn phương của TT&VH (do dịch giả có tiếng Anh Vũ phụ trách), là mục chuyện vui trên báo hay và thâm thúy nhất từ trước tới nay trong làng báo chí VN.
* Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng trong những năm gần đây, TT&VH đã phần nào không giữ được phong độ như trước đây?
- Với sự bùng nổ của thông tin mạng hiện nay, không chỉ tờ TT&VH mà toàn bộ nền báo giấy, ở ta cũng như trên thế giới, đều đang sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên tôi vẫn tin tưởng rằng, thông qua những hướng phát triển mới, TT&VH sẽ giữ vững được vị thế của mình. Những năm gần đây TT&VH đã chuyển mạnh sang thông tin đa phương tiện như báo điện tử và truyền hình, cũng như tổ chức sự kiện và nhanh chóng gặt hái thành công. Đó chính là cơ sở để tôi tin rằng, TT&VH tiếp tục là một thương hiệu lớn trong làng báo chí VN.
Việt Quỳnh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất