29/06/2015 13:44 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ có khoảng 1.000 CĐV đến xem trận đấu vòng 13 Toyota V-League 2015 giữa Hà Nội T&T và XSKT.Cần Thơ, nhưng lại có tới... 2 hội CĐV cổ vũ song hành ở khu vực khán đài B.
Một bên toàn những người trẻ, lấy tên là Contras Hà Nội. Một bên là Hội CĐV chính thức được đăng kí của CLB Hà Nội T&T. Bên Contras Hà Nội hát “Ole Ole Ole”. Bên Hội CĐV chính thức bắt nhịp nhau bài… “Dậy mà đi”.
Liên hệ với Phạm Minh Sơn, chàng trai sinh năm 1990 của Contras Hà Nội, mới biết 2 Hội CĐV hoàn toàn không có quan hệ với nhau và trong tương lai cũng không có chuyện hợp lại thành một.
Minh Sơn cho biết: “Chúng tôi được thành lập từ những người thường xuyên xem Hà Nội T&T thi đấu, nhưng chưa ưng lắm với cách cổ động của Hội CĐV chính thức. Chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ, đừng gọi chúng tôi là “Hội” mà dễ nhầm lẫn. Trang Facebook chính thức của chúng tôi có hơn 3.000 lượt “like”. Và có khoảng 80 bạn thường xuyên tham gia cổ động”.
Bóng đá Hà Nội đã rơi vào tình cảnh sa sút độ một thập kỉ và Hà Nội T&T, dù vô địch quốc gia 2 lần, và tiến tới xây dựng lối chơi đẹp mắt, đào tạo trẻ bài bản, vẫn không có lực lượng CĐV thực sự của mình.
Sự thưa thớt của khán đài B sân Hàng Đẫy mỗi chiều cuối tuần giờ trở thành “bản sắc” của đội này. Thế nên, sự xuất hiện của Contras Hà Nội là một sự lạ, trong lòng SVĐ từ lâu đã chẳng khác gì “Chùa Bà Đanh”.
Minh Sơn không ngại 30 km đi từ Xuân Mai tới sân Hàng Đẫy, tham gia cổ vũ cùng các bạn, đóng vai đầu mối liên lạc với các thành viên khác. Chỉ bắt đầu từ cái sự “không hài lòng” với cách cổ vũ của phần lớn các thành viên lớn tuổi, cách nhau chỉ vài mét bên khán đài B. “Chúng tôi xem các video cổ vũ của các đội bóng châu Âu, đặc biệt là Dortmund, học theo và cổ vũ theo kiểu cuồng nhiệt đó”, Sơn kể.
Không được đăng kí là Hội CĐV chính thức, Contras Hà Nội chỉ được CLB Hà Nội T&T hỗ trợ khoảng 3 triệu VNĐ từ khi thành lập vào tháng 1/2015, tức sau hơn 5 tháng. 3 triệu là số tiền quá bèo bọt so với cỡ 400 triệu VNĐ mà nhà tài trợ hứa hỗ trợ các Hội CĐV của 14 CLB V-League mùa giải này.
Nhưng Sơn và các bạn chỉ biết “được chừng nào tốt chừng ấy”, và: “Chúng tôi hoạt động vì tình yêu, không dính đến tiền. Dính đến tiền là không còn yêu nữa”.
Người Hà Nội bấy lâu vẫn tự coi chuyện các đội bóng thiếu cầu thủ là người Hà Nội gốc, thiếu bản sắc, để lý giải cho sự vắng vẻ của Hàng Đẫy. Nhưng Contras Hà Nội chứng minh , sức hấp dẫn nguyên thủy của bóng đá vẫn ngấm ngầm lan tỏa đến nhiều tầng lớp khác nhau. Các bạn sinh viên quyết cổ vũ theo cách của mình, không hài lòng với thói thưởng thức bóng đá “uể oải” như tầng lớp lớn tuổi thị thành.
Chính họ, lí giải cho hiện tượng hàng vạn người hâm mộ bóng đá quốc tế vẫn tụ họp bên bàn café xem các trận cầu quốc tế, tự coi đội bóng cách xa cả ngàn vạn cây số kia là lẽ sống của mình, và kể tên vanh vách lịch sử đội bóng.
Đấy phải chăng mới chính là sức lan tỏa tự nhiên của bóng đá: Để tự thân bóng đá quyến rũ những lớp khán giả mới, cho phép họ thưởng thức như họ muốn, mà không ép buộc. Đâu cần phải hét lên thật to lên với nhau: “Dậy mà đi”?
Gia Hưng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất