20/10/2016 07:50 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Khi ứng cử viên đảng Cộng hòa xác định không còn cơ hội lật ngược thế cờ, khả năng “đá vỡ thì vàng cũng tan” có thể xuất hiện, nhất là khi những người ủng hộ ông Trump do phẫn uất mà có hành động cực đoan.
Còn nhớ, cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2016, kết quả thăm dò dư luận cho thấy khoảng cách dẫn điểm của bà Clintin trước ông Trump đang được nới rộng. Ba tuần sau nhờ những nỗ lực cải tổ bộ máy tranh cử, lấy lòng người Cộng hòa theo trường phái ôn hòa và cử tri thuộc các cộng đồng thiểu số, ông Trump đã cải thiện được tình hình. Thậm chí có lúc, ông Trump còn vượt lên trên bà Clinton như trong cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos tiến hành cuối tháng 8, công bố đầu tháng 9.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, một sự thay đổi tiêu cực đối với ông Trump đã xuất hiện cùng với việc tờ Washington Post hôm 7/10 công bố cuốn băng từ năm 2005 tiết lộ những lời nói phỉ báng phụ nữ của ứng cử viên đảng Cộng hòa. Sau đó, hàng loạt phụ nữ đứng ra tố cáo từng bị ông Trump quấy rối tình dục. Nhiều thành viên cốt cán của đảng Cộng hòa lên tiếng chỉ trích, coi đó là hành vi không phù hợp với một nhà lãnh đạo tương lai, quyết định không bỏ phiếu cho ông Trump.
Một tuần sau, kết quả thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos cho thấy nhiều bang do dự như North Carolina, Colorado hay Florida có khuynh hướng chuyển sang ủng hộ bà Clinton và tình trạng do dự chỉ còn tồn tại ở hai bang Ohio và Nevada.
Trang tin Business Insider cũng tiến hành một cuộc điều tra tương tự cho thấy một tuần sau bê bối băng ghi âm có tổng cộng 8 bang do dự đã chuyển sang ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ và trong tình hình hiện nay, bà Clinton có thể nhận được 316 phiếu đại cử tri, đánh bại và hơn ông Trump 129 phiếu.
Gần đây nhất, vào ngày 18/10, tờ Washington Post công bố kết quả thăm dò cho thấy bà Clinton hiện chiếm ưu thế tại 9 bang do dự là New Hampshire, Virginia, Michigan, New Mexico, Colorado, North Carolina, Pennsylvania, Wisconsin, Georgia; cân bằng tại 4 bang là Florida, Texas, Arizona, Ohio và chỉ thua tại 2 bang là Nevada, Iowa.
Với kết quả này, theo Washington Post, ứng cử viên đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế lớn và có thể dễ dàng giành được hơn 270 phiếu đại cử tri để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Từ sự thay đổi về kết quả thăm dò dư luận và tại các bang quan trọng có thể thấy những ngày qua cục diện thắng-thua trong cuộc đua vào Nhà Trắng có thể đã được xác định. Trong số ra ngày 12/10, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ nội bộ đảng Cộng hòa cho hay ông Trump trên thực tế đã từ bỏ việc giành giật cử tri độc lập, ôn hòa, thuộc các cộng đồng người thiểu số, chuyển sang toàn lực củng cố lực lượng cử tri trung thành. Sách lược này phản ánh ông Trump đang tập trung nắm lấy khối cử tri lấy người da trắng làm nòng cốt, nhưng chừng đó tuyệt đối không thể đủ giúp ông Trump giành chiến thắng.
Cũng trong ngày Wall Street Journal đăng tải thông tin nêu trên, lần đầu tiên từ khi khởi động chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump đề cập tới khả năng thất bại. Phát biểu trước đám đông ủng hộ tại một cuộc vận động tranh cử ở thành phố Ocala, tiểu bang Florida, ông Trump nói đã chi hơn 100 triệu USD cho chiến dịch tranh cử và nếu không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay thì đó chính là “sự lãng phí lớn nhất về thời gian, sức lực và tiền bạc” trong cuộc đời mình. Vấn đề là nếu ông Trump biết mình khó tránh thất bại, nhưng không chịu từ bỏ tranh cử, câu chuyện sẽ ra sao?
Theo tờ Tin tức Thế giới, đây chính là nguyên nhân khiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nguy hiểm. Quả thật, những ngày gần đây, ông Trump liên tục kích động những người ủng hộ mình rằng bầu cử Mỹ đang bị thao túng, không công bằng; mình vốn có thể thẳng cử, nhưng bị người khác ăn cắp mất....
Trước những tuyên bố của ông Trump, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích việc ông Trump than vãn về gian lận bầu cử kể cả khi nó chưa diễn ra, kêu gọi ông Trump nên chấm dứt ngay những cáo buộc không có cơ sở này.
Trước những tuyên bố ông Trump đưa ra ngay trước thềm cuộc tranh luận lần ba, dư luận báo chí cho rằng những cáo buộc nêu trên của ông Trump sẽ để lại hậu quả lâu dài cho nền chính trị Mỹ bởi nó có thể khiến người dân mất lòng tin vào hệ thống bầu cử. Chỉ dấu liên quan dường như đã xuất hiện.
Kết quả điều tra của Politico/Morning Consult đối với 2.000 cử tri Mỹ đã đăng ký, công bố hôm 17/10 cho thấy 41% số người được hỏi nghĩ gian lận phiếu bầu có thể đánh cắp chiến thắng của ông Trump.
Nhưng vấn đề đáng lo hơn, theo tờ Tin tức Thế giới, là nếu ông Trump không công nhận thất bại, tìm cách đổ lỗi thất bại của mình cho người khác và tiếp tục đưa ra những lời nói kích động, những người ủng hộ ông Trump do phẫn uất mà có thể có hành động cực đoan.
Ông Matt Dallek, chuyên gia chính trị thuộc Đại học George Washington, cho rằng tình hình khi đó chắc chắn sẽ phức tạp hơn. Hiện chưa thể khẳng định liệu bạo lực có xảy ra hay không, nhưng tại một quốc gia mà mỗi người dân đều sở hữu ít nhất một khẩu súng thì chỉ một phần tử ủng hộ Trump có tư tưởng cực đoan cũng có thể tạo ra thảm kịch.
Theo Hoàng Hà - Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất