Phi công Mỹ đầu tiên bắn tên lửa từ UAV: 'Chiến tranh không phải trò chơi điện tử'

20/11/2014 07:05 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Một năm trước khi trở thành phi công đầu tiên bắn một quả tên lửa Hellfire từ một chiếc máy bay không người lái (UAV) Predator, Scott Swanson đã từng đưa trùm khủng bố Osama Bin Laden vào tầm ngắm.

"Khi đang lượn vòng chiếc Predator trên Tarnak Farms, một tổ hợp các tòa nhà lầm bụi nằm ngay ngoài Kandahar, Afghanistan, chúng tôi đã phát hiện một người đàn ông rất cao, mặc áo choàng trắng, được một nhóm đàn ông khác thể hiện cử chỉ trọng vọng" - Swanson viết như thế trên tạp chí Breaking Defense số ra mới đây.

Nỗi ám ảnh kéo dài hơn một thập kỷ

"Sĩ quan điều khiển cảm biến Jeff Guay và tôi lập tức hiểu rằng mình đã có được Osama Bin Laden trong tầm ngắm. Mỹ đã tìm kiếm Bin Laden trong nhiều năm và giờ ông ta đứng đó, hiện ra rất rõ trên màn hình của chúng tôi" - Swanson nói về trải nghiệm đặc biệt. Đây cũng là lần đầu tiên anh kể về cuộc "chạm trán" diễn ra 1 năm trước các vụ khủng bố 11/9.

Tuy nhiên khi đó Swanson có một vấn đề lớn. Chiếc Predator anh đang điều khiển chỉ thực hiện nhiệm vụ trinh sát và không mang theo tên lửa. Bin Laden đã tẩu thoát khỏi Tarnak và trốn thoát các cuộc đột kích, bủa lưới của quân đội Mỹ suốt nhiều năm, cho tới khi ông ta bị lực lượng SEAL tiêu diệt hồi tháng 5/2011.


Scott Swanson bên cạnh ụ chứa cảm biến của một chiếc Predator

Phải hơn 1 năm sau khi phát hiện Bin Laden và 1 tháng sau các vụ khủng bố 11/9 làm gần 3.000 người thiệt mạng, một chiếc Predator mới bắn quả tên lửa đầu tiên. Đó là ngày 7/10/2001 và Swanson khẳng định anh là người trực tiếp nhấn nút.

"Chúng tôi đã có nhiều giờ chuẩn bị cho khoảnh khắc này. Nhưng một cảm giác căng thẳng vẫn lan trong bầu không khí" - Swanson viết trên Breaking Defence- "Hệ thống (vũ khí) của chiếc Predator chưa hoàn thiện. Nó vẫn giống như một thứ vũ khí thử nghiệm… Tôi nhấn nút khai hỏa tên lửa, miệng hô "vũ khí đã bắn" rồi giữ cho chiếc UAV bay thẳng".

"Thời gian chờ tên lửa trúng đích dài tưởng chừng vô tận. Rồi trong một khoảnh khắc, màn hình bị lấp đầy bởi một luồng sáng trắng. Khi luồng sáng tan biến đi, chúng tôi thấy một vật thể đang di xoay tròn và di chuyển rất nhanh trên màn hình, giống như ai đó cầm chân một con búp bê và vứt nó lên không trung vậy. Hóa ra đó là một thi thể, đã bắn lên và xoay trong không khí, hậu quả từ một vụ nổ mạnh. Gần 15 năm đã trôi qua sau cuộc tấn công đầu tiên đó của UAV, nhưng hình ảnh thi thể xoay trong không khí vẫn ám ảnh trong tâm trí tôi" - anh viết.


Những chiếc UAV như Reaper là vũ khí lợi hại của Mỹ, nhưng vai trò của các phi công điều khiển chúng lại thường bị xem nhẹ

Chẳng ai thích bay trong một cái hộp

Swanson, người từng lộ diện trong một cuốn sách về lịch sử những chiếc Predator do cựu phóng viên Lầu Năm Góc là Richard Whittle chấp bút, nói rằng không phải vô cớ mà anh quyết định phá vỡ sự im lặng.

Anh muốn chống lại ý tưởng vẫn tồn tại lâu nay, cho rằng điều khiển UAV giống như một trò chơi điện tử vậy. Anh nói rằng bản thân thấy vô cùng khó chịu, khi nghe người khác gọi đơn vị UAV là "Lực lượng sa lông", ám chỉ rằng đơn vị có công việc nhàn hạ, ít áp lực.

"Với những người đang hoặc đã bay UAV như chúng tôi, có một điều vô cùng rõ ràng: chiến tranh chưa từng và sẽ không bao giờ là trò chơi điện tử cả" - anh viết.

Thực tế Swanson không phải là người đầu tiên nói về việc những người điều khiển UAV bị "phân biệt đối xử". Cuộc vật lộn của Không lực Mỹ với những định kiến xung quanh chương trình UAV đã từng là mục tiêu chú ý của chương trình điều tra do hãng tin ABC News thực hiện hồi tháng 4 năm nay.

Trong hoạt động điều tra này, Không lực Mỹ thừa nhận phi công, sĩ quan điều khiển UAV hiện có kỹ năng và năng lực không bằng các phi công điều khiển máy bay chiến đấu bình thường.

"Thành thực mà nói, người của thế hệ này không lớn lên cùng mơ ước lái một chiếc máy bay không người lái" - phát ngôn viên Không lực Mỹ, bà Jennifer Cassidy, nói khi đó - "Họ là những người từng xem Top Gun (một phim Hollywood ca ngợi các phi công siêu hạng của Mỹ) và tuyên bố: "Tôi muốn trở thành một phi công lái máy bay chiến đấu". Vì thế, thực tế là những người đạt thứ hạng thấp hơn trong các trường dạy bay lại là các cá nhân tham gia lực lượng điều khiển máy bay không người lái".

Bà Cassidy cũng nói rằng việc một phi công hoạt động trong đơn vị UAV không có nghĩa họ đương nhiên là một phi công tồi tệ, một người lính thuộc dạng vứt đi. Chuyện chỉ đơn giản là họ không giỏi bằng so với các phi công lái máy bay chiến đấu bình thường. "Anh buộc phải có những người ở nhóm trên cùng và những người ở nhóm bét bảng. Đó là cách thức mà hệ thống hoạt động" - bà nói.

Mặc dù vậy, một người lính giấu tên trong chương trình UAV cho ABC News biết rằng có sự đố kỵ rõ ràng giữa các phi công UAV và phi công điều khiển máy bay bình thường. "Gần như chẳng có phi công nào thích việc phải bay trong một cái hộp cả" - anh này chia sẻ với ABC News.

Tường Linh (Theo ABC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link