20/02/2015 07:07 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Không còn nghi ngờ gì, 2014 là năm của hai nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp và Nguyễn Thị Thắm. Điệp đưa Đập cánh giữa không trung đi một loạt LHP quốc tế lớn nhỏ và đã giành được kha khá giải thưởng. Về Việt Nam, Điệp và Đập cánh giữa không trung gần như phủ sóng truyền thông. Còn Thắm lặng lẽ hơn khi đưa Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng tới những LHP nhỏ trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng cuối năm lại gây bất ngờ bằng việc phát hành bộ phim, gây “sốt” vé tại TP. HCM, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên một bộ phim tài liệu bán được vé ở Việt Nam.
Ấn tượng của tôi về Thắm và Điệp rất khác nhau. Điệp là một người có ý tưởng dồi dào, khả năng hùng biện, luôn biết cách hấp dẫn người đối diện bằng lời nói. Điệp là con gái Hà Nội, ít nhiều kiểu cách và vẫn có chút gì đó kiêu hãnh ngấm ngầm. Trong khi đó, Thắm đúng chất dân làm phim tài liệu, từng trải, bụi phủi. Thắm giản dị, vẫn giữ chất mộc mạc, thật thà, nhưng không phải loại người dễ thỏa hiệp. Ánh mắt Thắm sắc, cho thấy cô là người bản lĩnh và kiên định.
Thắm và Điệp gặp nhau ở giao điểm: nhà làm phim nữ độc lập, quyết liệt với nghề nghiệp của mình. Mỗi người đã dành ít nhất 5 năm tuổi trẻ để hoàn thành bộ phim dài đầu tay. Nếu không muốn nói đó là khoảng thời gian mệt mỏi nhất, gần như vắt kiệt sức lực của họ. Cả Điệp và Thắm không khác gì những bà mẹ trẻ, đầy lo lắng cho đứa con đầu lòng. Hai nhà làm phim độc lập, hai con đường khác nhau, nhưng đều chung một khát vọng: được làm phim ở Việt Nam.
Lần đầu gặp Điệp, nàng tự giới thiệu “tôi có chồng, hai con, cũng bình thường như ai”, người viết ngầm hiểu Điệp tự biết mình “khác thường”. Những ai đã từng làm việc với Điệp đều nhận xét Điệp rất thông minh, luôn giữ vai trò thủ lĩnh và đặc biệt nàng có nhiều ý tưởng hơi “điên rồ”, một khi đã muốn làm gì là sẽ làm tới cùng. Có người nói Điệp tư duy “Tây”, nhưng nàng tự nhận chỉ thích sống ở Việt Nam, chỉ thích làm phim ở Việt Nam, rời khỏi Việt Nam như cá rời nước, sẽ không thể thở.
Nguyễn Hoàng Điệp kể:
- Thời gian làm Đập cánh giữa không trung, tôi thấy hết sức thoải mái, nhưng thời điểm phải ra nước ngoài làm hậu kì thấy như cực hình. Trước đây, tôi rất thích ra nước ngoài nhưng giờ chỉ muốn yên ổn tại Hà Nội, chăm gia đình và làm phim. Quan điểm của tôi là, mình là người Việt, sẽ làm phim tại Việt Nam đến hết đời. Mỗi lần ra nước ngoài, phải xa không khí, mùi vị, thức ăn, mọi thứ ở Hà Nội khiến tôi cảm thấy bị lơ lửng, khổ sở lắm. Những thứ tôi thích nhất đều nằm ở Việt Nam hết rồi. Tôi sinh ở đất này, chân tôi phải chạm ở đất này. Với tôi, Hà Nội còn là một nguồn dữ liệu khổng lồ để làm phim.
* Điều gì ám ảnh, dẫn dắt chị đến con đường làm phim?
- Cũng như tất cả mọi người tôi có gia đình, có tuổi thơ, có chuyện vui, chuyện buồn. Cuộc sống của tôi không phải tuyệt vời quá, cũng có những thứ xáo trộn, có những thứ sẽ làm mình buồn mãi mãi, không gì khỏa lấp được cả.
Theo những gì tôi quan sát được, 70-80% những người làm nghệ thuật có mối quan tâm đặc biệt, rất cá nhân với cuộc sống xung quanh. Sự ám ảnh đó sẽ khiến họ đưa vào nghệ thuật. Nhưng đó là 70%, 30% còn lại có những người không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì, vào một sự ám ảnh nào và cách họ vận hành nghệ thuật giống một màn ảo thuật đẹp đẽ và diệu kì. Về bản chất, họ sử dụng cảm xúc và vận hành nó bằng kĩ thuật bậc thầy, và họ đem đến những màn trình diễn riêng có, không đâu thấy.
Tôi rất ngưỡng mộ những người như thế và tôi không nằm trong số đó. Tôi cảm thấy cuộc sống xung quanh tôi như một bộ phim tài liệu quá lớn. Khi cuộc sống gây nên những tác động, mọi người có thể chọn cách chia sẻ với bạn bè, nấu một bữa ăn, hoặc đâm đơn kiện, còn tôi chọn cách làm phim.
* Cách chị so sánh việc nấu một bữa ăn, với việc đâm đơn kiện và làm phim khiến tôi bất ngờ đấy nhỉ. Nhưng trong ba việc đó, độ “ngốn tiền” thì khác hẳn nhau đấy?
- Đôi khi tôi nghĩ không biết có hình thức nào bớt tốn kém hơn làm phim không, nhưng cuối cũng vẫn là làm phim. Phim mang đến sự thỏa mãn và day dứt. Phim là cách chúng ta cô đặc lại, đóng đinh lại sự ám ảnh của mình vĩnh viễn.
Tôi là dạng không lạc quan cho lắm. Có những cái thứ hơi buồn, nặng nề, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, nhưng là thứ rất quan trọng cần được ghi lại, “đóng đinh” lại, để có thể nhớ lại. Ghi lại những khoảnh khắc đó rất có giá trị với cá nhân tôi.
Làm phim không phải là nói xong một chuyện của mình, giải thoát bản thân khỏi những ức chế nào đó. Mà đó là một phần hiện thực, dù sau này có thay đổi nó vẫn là một phần của cuộc đời mình.
* Làm phim là cách chị đương đầu với hiện thực?
- Rất nhiều người nói tôi là người mạnh mẽ, cá tính, thích đấu tranh, thích mọi thứ phải rõ ràng. Tôi thấy tôi ít đương đầu nhất trong số những người phụ nữ tôi từng gặp, kể cả những người mà mọi người cho là cực kỳ dịu dàng. Người dịu dàng thường có khả năng đương đầu tốt, dẻo dai, bền bỉ và có kết quả hơn là những người đập đầu vào tường, máu chảy, cuối cùng chẳng đạt được cái gì. Cuối cùng tôi chọn giải pháp hòa bình hơn là làm phim.
Trong thế giới tưởng tượng đó tôi bày ra nhiều cách thức rất khó làm ở đời thực. Có những lời cay đắng rất khó để nói thẳng với nhau, có những hành vi lãng mạn rất khó để thể hiện trước mắt hàng trăm người, phim lại cho phép ta làm điều đó. Tất nhiên phải làm hết sức nghệ thuật.
* Cảm ơn chị, chúc chị tiếp tục có nhiều trải nghiệm tuyệt vời với việc làm phim!
Trước đây, tôi rất thích ra nước ngoài nhưng giờ chỉ muốn yên ổn tại Hà Nội, chăm mẹ, chăm gia đình và làm phim. Quan điểm của tôi là, mình là người Việt, sẽ làm phim tại Việt Nam đến hết đời. |
Đập cánh giữa không trung “gặt” giải thưởng |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015
Đọc các bài viết thuộc chuyên đề Người trẻ độc lập:
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Không còn 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'
Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: Thích đời kịch tính!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất