Mẹ con nhà thơ Lê Thị Kim triển lãm vì học trò nghèo

07/12/2016 06:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm được đặt tên rất thơ Âm thanh từ lồng ngực trái, tức âm thanh vọng từ trái tim, vừa diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, Q. 3) với 79 bức tranh của nhà thơ Lê Thị Kim và con trai - họa sĩ Nguyễn Trọng Hiếu.

1. Như tên gọi triển lãm “vọng từ trái tim”, 79 tác phẩm trưng bày lần này sẽ được bán để tặng cho quỹ hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Mô tô học bổng" của nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn thạch Biền để cùng nhau chung tay giúp đỡ, thắp sáng niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống của các học trò nhỏ ở các vùng khó khăn.

Nhà thơ Lê Thị Kim được biết đến từ những năm 1980 với những dòng thơ: “Đừng nhìn em như thế/ Cháy lòng em còn gì…”. Lê Thị Kim hiện là ủy viên BCH Hội Nhà văn TP.HCM, nhưng chị có nhiều cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước gây ấn tượng.

Chị cũng đã từng là chủ nhiệm CLB họa sĩ Nữ Ngân Hà từ 1988 đến 2014. Với sự đóng góp của Lê Thị Kim, Ngân Hà đã từng được Hội Mỹ thuật TP.HCM khen tặng: “Có công đóng góp nhiều hoạt động nghệ thuật cho TP.HCM”.


Nhà thơ Lê Thị Kim và con trai, họa sĩ Nguyễn Trọng Hiếu

“Âm thanh từ lồng ngực trái” là dịp hai mẹ con Lê Thị Kim và Nguyễn Trọng Hiếu gặp lại những người bạn đồng hành từng theo dõi và quan tâm đến nét cọ sắc màu của hai mẹ con; đồng thời nhìn lại một chặng đường nỗ lực và thăng hoa, bổ sung thêm hành trang và năng lượng cho con đường sáng tạo còn dài phía trước.

Nhà thơ Lê Thị Kim và con trai, họa sĩ Nguyễn Trọng Hiếu triển lãm và bán tranh ủng hộ Mô tô học bổng của hai nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền, cũng như nhiều người có tấm lòng vì cộng đồng khác, là điều đáng quý trong cuộc sống còn khó khăn này.

2. Tranh Lê Thị Kim trong triển lãm này đậm chất trữ tình, nữ tính và đầy ắp hình ảnh về người phụ nữ Việt với nhiều sắc thái, cảm xúc khác nhau. Nếu với thi ca, Lê Thị Kim ghi dấu ấn ở giọng thơ tình đầy khao khát, cháy bỏng thì trong hội họa, chị để lại nét lãng mạn, sâu lắng riêng qua nét cọ mềm mại, sâu sắc tinh tế…

Còn với Nguyễn Trọng Hiếu - con trai út của nhà thơ Lê Thị Kim và cố nhà văn Đông Quân, dù tạo hóa an bài Nguyễn Trọng Hiếu phải chịu khuyết điểm về thể trạng (từ nhỏ phải đi nạng), nhưng ở em lại có sự phấn đấu vượt lên số phận một cách phi thường.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền xem triển lãm này, nhận xét: “Tranh của Nguyễn Trọng Hiếu đầy ắp tình mẫu tử qua mỗi bức họa của mình”.


Một tác phẩm về tình mẫu tử của Nguyễn Trọng Hiếu

Chính vì những thiệt thòi mà Nguyễn Trọng Hiếu gánh chịu khi vừa lọt lòng, lại mồ côi cha từ sớm, nên tình thương của người mẹ Lê Thị Kim dành cho cậu con trai út này rất nhiều.

Lê Thị Kim lúc đầu để Nguyễn Trọng Hiếu tự phát triển khả năng nghệ thuật của mình, sau chị phát hiện Hiếu có khả năng hội họa nên đã dìu dắt con trai và trở thành người thầy dạy vẽ đầu tiên cho Hiếu. Có lẽ vì những tình cảm này được cất lên bởi thương yêu “từ lồng ngực trái”, nên phần lớn các bức họa của Nguyễn Trọng Hiếu trong triển lãm đều lấy tình mẫu tử làm chủ đề.

Triển lãm kết thúc vào ngày 12/12, vào cửa tự do.

Lê Thị Kim - Một giọng thơ đầy nữ tính

Nhà thơ Lê Thị Kim quê Thanh Hóa, trưởng thành tại TP.HCM và là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu sau năm 1975 của thành phố này. Nổi tiếng từ những vần thơ tình đầy nữ tính, nhưng ít người biết chị học chuyên ngành kỹ sư Hóa học.

Lê Thị Kim là bút danh mượn từ tên của người em ruột, chứ nhà thơ tên thật là Lê Thị Ngà. Nhà văn Đông Quân, chồng chị không may mất sớm, để lại gia đình một thân chị gánh vác.

Đến nay, xét về nghệ thuật và sự nghiệp, có thể nói Lê Thị Kim là người thành đạt. Và việc câu con trai út Nguyễn Trọng Hiếu nối nghiệp cầm cọ của mẹ, cũng là điều hạnh phúc của nữ nhà thơ này.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link