Tiết kiệm chi phí để "khéo co" cho thời lạm phát

09/03/2011 21:15 GMT+7 | Thế giới

“Trước mỗi lần đi chợ, cầm trăm nghìn đồng tiêu thoải mái, bây giờ cầm hai trăm nghìn đồng mua được đúng món bún riêu cua cho năm người ăn là đã hết veo,” chị Hải không ngừng ca thán việc giá cả gia tăng, khiến chị thêm lúng túng trong công việc bếp núc, nội trợ hằ̀ng ngày.


Nhiều bà nội trợ mắc thói quen, mua nhiều, dùng không hết thì bỏ đi (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn Internet)

Thói quen khó bỏ?

Gia đình chị Thanh Hải sống ở phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội, vì là khu vực ven thành phố nên các mặt hàng rau xanh, hoa quả, thịt cá... ở đây thường có mức giá rẻ hơn so với các chợ trung tâm, do những mặt hàng này thường được cung cấp trực tiếp bởi những người dân quê.

Song không vì thế mà cơn bão giá không “quét” tới gia đình chị. Thế là các bữa ăn tối trở thành thời điểm thích hợp cho chị Hải trút những bức xúc lo toan với cả nhà. Tuy nhiên chị không hề để ý, mặc dù những thức ăn chị nấu thường rất ngon, nhưng gia đình chị ăn không nhiều và có phần trầm lặng.

Anh Minh, chồng chị Hải, tâm sự: “Vẫn biết là giá cả tăng, vợ tôi sẽ nhọc nhằn hơn trong việc chăm sóc gia đình. Nhưng mức thu nhập thì có hạn, không thể đưa hơn được, mà cô ý cứ nói nhiều khiến người già như mẹ tôi cũng khó xử. Chắc không muốn làm gánh nặng cho con cái trong cái thời buổi khó khăn này, mấy hôm nay bà lại đòi về quê ở cho thoáng mát. Tôi nghe mà thấy đau lòng, nhưng chưa biết nhắc với vợ thế nào, cho cô ấy khỏi tự ái.”

Không chỉ anh Minh mà nhiều người chồng làm công chức với các mức lương ổn định cũng cảm thấy bối rối trước những biến động chi tiêu đang tác động lên cuộc sống gia đình mình.

Anh Minh cho biết, so với các gia đình khác nhà anh không phải là quá khó khăn. Tuy nhiên, vợ và các con anh vẫn mắc phải những thói quen lãng phí tưởng là nhỏ nhặt nhưng thực chất nó đang góp phần làm tăng thêm áp lực chi tiêu.

“Mỗi bữa cơm cô ấy thường nấu nướng rất nhiều và thịnh soạn, theo cố ấy cả ngày mới có một bữa chung, phải ăn cho thoải mái, bù lại cho những bữa ăn sáng, trưa ăn quấy quá bên ngoài. Nhưng có điều, những thức ăn thừa, cuối bữa ba mẹ con rửa bát sẵn sàng đổ tất cả vào thùng rác. Cả nhà phản ứng và cho là lạc hậu khi tôi góp ý cần phải tiết kiệm. Vợ con tôi cho rằng thời buổi này tội gì phải ăn thức ăn nấu lại đến bữa thứ hai cho mất ngon. Nhiều khi tiếc của, tôi đành phải ăn cố,” anh Minh băn khoăn nói.

Không chỉ là thói quen lãng phí trong ăn uống, nhiều gia đình hiện nay mặc dù không mấy khá giả và trong nhà con cái cũng đã lớn, song vì thương các con học hành vất vả nên họ không cho con làm bất cứ công việc gì. Mọi việc dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, cơm nước... đều thuê người giúp việc làm, thành ra cũng mất một khoản chi phí tới dăm triệu đồng mỗi tháng.

Chị Trần Thị Thúy, Ba Đình, Hà Nội phàn nàn: “Mình đi làm cả ngày không hiểu cô giúp việc ở nhà làm gì mà tiền điện lên hơn một triệu đồng, tiền nước cũng hơn hai trăm nghìn đồng, rồi tiền điện thoại bàn cũng tới năm trăm nghìn đồng. Đúng là không phải của mình nên họ không có ý thức, sử dụng thoải mái. Tính cả tiền lương, tiền ăn, tiền mặc, tiền tiêu dùng lãng phí... cô giúp việc nhà mình cũng ngốn hơn bốn triệu đồng mỗi tháng.”

Không đợi "khó" mới tiết kiệm

Nhiều người bán rau trên cầu Long Biên không khỏi thú vị khi nói về một vị khách quen thuộc: “Cô ấy không phải là người nghèo, đi xe đắt tiền và ăn mặc rất lịch sự, nhưng có lần thấy chúng tôi kêu ca túi ni lông tăng giá, bán nghìn rau cũng phải mất một cái túi thì ngay hôm sau cô ấy mua một cái túi dứa to và đẹp bảo chúng tôi cho hết rau vào đó, như thế vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Giá mà khách hàng nào cũng thế, chúng tôi thì bớt được một khoản chi phí, mà xã hội cũng được nhờ.”

Trường hợp của cô Bạch Dương, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội cũng là một hiện tượng hiếm thấy, cả hai vợ chồng cùng là người làm ăn, buôn bán. Thu nhập gia đình thuộc vào hàng giàu có, nhà cửa, ô tô đều có. Cậu con trai học đại học, được bố mẹ sắm một chiếc máy tới gần hai trăm triệu đồng, máy tính, máy điện thoại cũng vào hạng sang nhưng sáng nào cũng vậy, cậu phải dậy từ sớm ăn cơm nguội và thức ăn còn lại từ hôm trước, rồi đưa mẹ đi chợ sau đó mới đến trường học. Tất cả các công việc trong gia đình từ sửa chữa điện, nước đến dọn dẹp, lau chùi, nhà cửa, giặt quần áo, rửa bát... đều phải tự làm.

Các phòng trong gia đình cô Dương luôn sạch sẽ, gọn gàng. Khi nhìn vào đó không ai nghĩ rằng tất cả đều do bàn tay của cậu con trai mới lớn sắp đặt.

Cô Dương cho biết: “Nói thật là ai chả thương con. Cháu học đại học quân sự và đại học sư phạm ngoại ngữ cùng một lúc. Nhiều lúc nhìn con học đến một, hai giờ sáng, người làm mẹ cũng xót xa. Nhưng không dạy con có trách nhiệm với gia đình, trân trọng sức lao động của cha mẹ thì mai mốt cháu lớn lên, sẵn của cải gia đình dễ dàng trở thành người giàu có và thành đạt sẽ nảy sinh tự mãn, hợm hĩnh. Nói gở không ai muốn, rủi khi gặp khó khăn hoạn nạn thì lấy đâu ra bản lĩnh xoay sở.”

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link