01h45 ngày 5/5, M.U - Schalke: “Thủ tục” đến Wembley

03/05/2011 13:59 GMT+7 | Champions League

(TT&VH Cuối tuần)- Từ sau lễ bốc thăm tứ kết và bán kết, mọi sự chú ý chỉ dồn vào kịch bản “Siêu kinh điển” Barcelona - Real Madrid. Có vẻ như Champions League năm nay là chuyện riêng giữa họ. Nhưng, sẽ chỉ một được góp mặt ở Wembley. Tại đó, M.U đang chờ...

Schalke có thể gây chấn động cả sân cỏ châu Âu khi hạ nhục Inter Milan 5-2 ngay tại San Siro. Nhưng ngay cả người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không dám tin giữa tuần tới, đội bóng Đức sẽ đảo ngược tình thế, chiến thắng cách biệt 3 bàn tại Old Trafford. Như đa số cặp tứ kết trong một mùa giải Champions League kỳ lạ này, kết cục đã sớm an bài với cặp bán kết Schake - M.U chỉ ngay sau lượt đi.

Đáng lẽ, nó đã có thể còn an bài sớm hơn chỉ ngay sau... hiệp 1 tại Veltins Arena trong 45 phút mà M.U tạo được tới... 11 cơ hội rõ ràng nhưng điều bí ẩn là bảng điện tử vẫn 0-0. Sự vô duyên của Chicharito, của Ryan Giggs cộng với những màn trình diễn quá xuất sắc của Manuel Neuer biến câu chuyện thành Neuer đối đầu với M.U chứ không phải Schalke đối đầu với M.U. Song, điều gì đến cũng phải đến sau đó.

Schalke tầm thường hay M.U xuất sắc? Câu trả lời là cả hai. Sự non nớt kinh nghiệm của đại diện Bundesliga đã bộc lộ khi họ chọn cách tiếp cận cởi mở. Thực ra, với HLV đề cao tấn công như Ralf Rangnick cộng thêm yếu tố sân nhà, Schalke không đá như vậy mới lạ. Chỉ có điều, đây chính là kịch bản M.U chờ đợi nhất. Đôi công để thắng được M.U dường như không có nhiều mà rõ ràng Schalke 04 không nằm trong số đó. Từ tỷ lệ cầm bóng, số cú sút..., người ta cứ tưởng M.U đang chơi ở Old Trafford chứ không phải trên đất Đức vốn từng ghi dấu nhiều kỷ niệm buồn với “Quỷ đỏ”. Lần này thì là một màn “tập sút” mãn nguyện khi coi như xong xuôi nhiệm vụ, không trụ cột nào dính chấn thương, thậm chí, một số còn được rút ra ở nửa cuối hiệp 2 để giữ sức cho trận đại chiến với Arsenal cuối tuần.

M.U của Sir Alex đã đặt hơn một chân đến Wembley- Ảnh Getty

Công và thủ

Nếu Real Madrid đầy sao lấp lánh của Jose Mourinho còn chấp nhận dựng “xe buýt” khi gặp Barcelona thì lối chơi hồn nhiên của Schalke trước M.U cũng giống như tự sát. Một Neuer chói sáng cũng chỉ đủ để họ không thua đậm mà thôi. Vì M.U cũng công, nhưng ở đẳng cấp khác.

Đã khá lâu, người ta mới thấy một ngọn lửa đỏ hừng hực như vậy. Pressing toàn sân, tốc độ luôn được đẩy lên chóng mặt, hoán chuyển vị trí đa dạng, những đường chuyền dài đạt độ chính xác cao trong khi các pha bật nhả thể hiện sự ăn ý, gắn kết chặt chẽ. Khi Rangnick liên tiếp lắc đầu ngoài đường piste, ai cũng hiểu rằng kế hoạch tấn công quyết liệt của ông đã phá sản bởi đối thủ như nhà Mộ Dung Cô Tô, dùng lại chính “chiêu” đó với trình độ cao hơn hẳn.

Một trong những khác biệt lớn nhất nằm ở chính khả năng phòng thủ. Những hy vọng được Schalke nhen nhóm không thể qua nổi sự chắc chắn của Rio Ferdinand - Nemanja Vidic, vài cú sút xa cầu may không đánh bại được Edwin van der Sar, người lập kỷ lục 50 trận sạch lưới trong 96 trận ở Champions League. Khi ngay cả một Fabio cũng bùng nổ, công thủ toàn diện ở cánh phải không sở trường thì cơ hội cho Schalke 04 càng vô vọng hơn.

M.U đã chính thức lập thêm kỷ lục cả mùa giải Champions League không thủng lưới sân khách. Trong sự nghiệp dài đầy lẫy lừng của mình, Sir Alex từng có những cuộc du đấu ngoạn mục như lội ngược dòng thắng 3-2 trước Juventus ở lượt về bán kết mùa giải lịch sử 1998-1999. Nhưng đó là M.U “công bù thủ”, lao lên không nhìn lại kiểu như Schalke. Đã có nhiều điều chỉnh chiến thuật với M.U tại Champions League kể từ đó. Họ vững vàng hơn, cân đối hơn và luôn có được chiến thuật hợp lý nhất.

Với 2 tuần sống còn quyết định cả mùa giải, với Arsenal đang chờ ở Emirates cuối tuần này, nếu cầu toàn hẳn M.U đã chọn giải pháp thận trọng trong cuộc hành quân đến Đức. Nhưng ngược lại là một phong cách tấn công mạnh nhất, một tinh thần tự tin như thể đang đá trên sân nhà và phần thưởng cho sự dũng cảm đó là hoàn toàn xứng đáng.

“Ngôi sao” Sir Alex

Người hùng tại Veltins Arena là Wayne Rooney khi trên thảm cỏ từng chứng kiến nỗi đau của ngôi sao này với thẻ đỏ trong trận tứ kết Anh - Bồ Đào Nha ở World Cup 2006, anh chôn vùi quá khứ buồn đó bằng một pha kiến tạo tuyệt vời cho Giggs mở tỷ số rồi đích thân kết liễu số phận Schalke bằng bàn thứ hai. Nhưng ngoài đường piste là người hùng vĩ đại hơn: Sir Alex. “Ông già” 69 tuổi vẫn cười rạng rỡ như một đứa trẻ trong những phút cuối trận, khi một mùa giải nữa sắp khép lại bằng hứa hẹn vinh quang.

Có thể nói M.U gần như đã đặt cả hai chân đến Wembley, nơi họ sẽ có trận chung kết Champions League thứ 3 trong 4 năm liền. Nếu có quan điểm coi sự áp đảo của M.U ở Premier League là nhờ các kình địch đồng loạt sa sút thì thành tích này trên đấu trường châu Âu khó ai có thể bác bỏ được. Hãy thử nhìn nỗi ám ảnh tuyệt vọng của Chelsea về Champions League và mức độ đầu tư của Roman Abramovich. Đây là vinh quang không thể mua bằng tiền bạc. Nó chỉ có thể đạt được bằng tài năng.

Tài năng trên sân cỏ như Cristiano Ronaldo đến rồi đi. Nhưng tài năng trên băng ghế của Sir Alex thì vẫn nguyên vẹn đó, thậm chí có cảm giác nó ngày càng “chín” hơn. Ca ngợi ông chẳng khác gì khen “phò mã tốt áo”. Song rõ ràng thành công năm nay ghi đậm dấu ấn của HLV vĩ đại này. Một đội hình “tầm thường” so với các thế hệ trước, luôn bị tơi tả bởi bão chấn thương nhưng đang tiến đến những cột mốc vinh quang.

Nani có thể là cầu thủ nổi bật nhất của M.U mùa giải này. Nhưng anh còn không có nổi suất chính thức ở trận gặp Schalke. Đơn giản vì Sir Alex tin tưởng vào các tiền vệ cánh Antonio Valencia và Park Ji-sung hơn. Chẳng ai nghi ngờ điều đó khi chứng kiến tấn công rộng hai cánh là một yếu tố quan trọng giúp M.U áp đảo Schalke. Ở M.U hiện nay, mọi vị trí đều có thể thay thế mà không gây đứt gãy nào về tổng thể, thậm chí những xáo trộn đó còn đem lại chất mới mẻ, khiến đối thủ khó lường. Đó là tài của Sir Alex.

Sau sự ra đi của Ronaldo, M.U không có cuộc đầu tư “bom tấn” nào. Nhưng hãy nhìn Chicharito, bản hợp đồng mà Rooney đã ca ngợi là “vụ làm ăn thế kỷ”. Hay Valencia, người được đưa về từ Wigan tầm thường. Xa hơn thế là anh em sinh đôi nhà Silva. Sự tiếp nối thế hệ được Sir Alex âm thầm chuẩn bị và ở Old Trafford lúc này không có những giai đoạn “quá độ” buồn như trước. Hình ảnh một M.U thành công đang được duy trì liên tục, trôi chảy dù những cái tên trong danh sách biến đổi. Quan trọng nhất, cái tên trên băng ghế vẫn là Sir Alex.

Vẫn còn 90 phút tại Old Trafford. Nhưng đấy sẽ chỉ là thủ tục, là màn tập dượt cho M.U trước trận “chung kết” Premier League với Chelsea cuối tuần sau. Ngày 28/5, hãy tin màu đỏ là một nửa ở Wembley. Và khi đó, một nửa còn lại là Barcelona hay Real Madrid cũng không quan trọng. Với tinh thần này, M.U có thể làm được mọi thứ.

Tại Wembley, năm 1968, M.U hạ Benfica để lên ngôi ở Cup C1, danh hiệu vô địch châu Âu đầu tiên của họ và cũng là đầu tiên của một đội bóng Anh. Đó là vinh quang đánh dấu sự hồi sinh sau 10 năm tái thiết kể từ thảm họa máy bay Munich, là vinh quang của HLV huyền thoại Matt Busby. Liệu có là vinh quang chói lọi cho Sir Alex ở Wembley cuối tháng tới? M.U dưới bàn tay ông không cần một cuộc hồi sinh. Màu đỏ đó vẫn luôn bền bỉ tỏa sáng...


Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link