Milan: Đoạn tuyệt với không chỉ quá khứ

20/05/2011 11:39 GMT+7 | Italy

(TT&VH)- Các tifosi khóc lóc và các ông chủ ngoảnh mặt. Tình cảm, điều mà những người hâm mộ có thừa, dường như là một thứ xa xỉ nếu đặt nó cạnh đồng tiền và những tính toán của các ông chủ. Nhưng điều mà Milan đang làm sau ngày đoạt Scudetto là loại bỏ, không phải các công thần, mà là mức lương cao ngất ngưởng của họ.

Đừng nói đến 2 chữ “bội bạc”

Những diễn đàn milanista ngập tràn nước mắt, hoặc nếu không ướt át đến thế, thì cũng đầy những lời lẽ yêu thương tiếc nuối nhất cho một con người mà họ đã và đang yêu mến, giờ đã trên đường rời khỏi đội bóng vừa giành chức VĐ Italia. Anh là Pirlo, nhân vật then chốt của một vị trí đã trở thành thương hiệu thành công của Milan trong vòng 10 năm qua, khi 1/3 đời của tiền vệ hôm qua sinh nhật 32 tuổi này đã gắn bó với Milan. Các milanista nhớ những đường chuyền dài sắc sảo, những cú sút phạt thành bàn, mái tóc bồng bềnh, khuôn mặt lúc nào cũng vô tư lự và vai trò không thể thiếu được của anh trong những chiến thắng đẹp đẽ nhất của đội trong một thập kỉ. Họ rồi cũng sẽ phải quen với việc, kể từ mùa tới, Pirlo không còn đan trên sân những đường chuyền trung bình và dài, những bàn thắng từ các pha đá phạt đúng theo phong cách của anh nữa, từ cái dáng người lúc nào cũng vẻ lững thững và bình thản, khi anh chắc chắn sẽ khoác lên mình chiếc áo sọc trắng-đen của Juve.

Milan đã từ bỏ Pirlo- Ảnh Getty

Những trái tim yêu anh và cả một quá khứ gắn liền với anh đang rỉ máu. Đã có những người chỉ trích Milan “bội bạc”. Phải, từ đỏ-đen sang trắng-đen và 100 cây số di chuyển từ Milano sang Torino là một thế giới khác, rất khác, sau một thế giới đã 10 năm vô cùng quen thuộc tưởng như không thể nào thay đổi, tách rời hay không còn tồn tại nữa. Các Milanista đã luôn tin rằng, Pirlo sinh ra là để cho Milan, và anh sẽ chỉ chết già vì đội bóng, như những thần tượng đã treo giày, từ Rivera, Baresi đến Maldini. Sự đau đớn là dễ hiểu, nhưng một đội bóng đã từng tạo nên những tượng đài (không phải các ngôi sao tạo nên danh tiếng của Milan) và trong những năm qua đã già đi rất nhiều, đến mức tuổi tác ngày càng trở thành một gánh nặng, chỉ vì không để các “nghị sĩ” rời bỏ Milan trong thời điểm kinh nghiệm của họ hết sức có ích cho việc vượt qua 5 năm hậu Calciopoli, chắc chắn không phải là một đội bóng phụ tình. Một đội bóng qua năm tháng phải liên tục thay máu và tạo ra những động lực chiến thắng mới.

Cắt giảm chi phí tối đa

Khi Pirlo được Ancelotti đưa lên bệ phóng ở vị trí của một “regista” (vai trò kiến thiết ở vị trí của một tiền vệ phòng ngự) trong sơ đồ tuyến giữa hình bình hành (rombo), Milan trải qua một cuộc cách mạng lớn chưa từng có kể từ ngày Sacchi biến Milan thành cỗ máy chiến thắng nhờ phòng ngự khu vực và pressing toàn sân. Ngày ấy, anh mới 23 tuổi. Lứa Milan đoạt Champions League 2003 và Scudetto 2004 có Pirlo toàn những người trẻ trung như anh ở tuổi 20, Ambrosini và Gattuso. Bây giờ, những người ấy đã đi hết một thời kì bùng nổ cùng Milan, đều đã trên 30 tuổi, đã đưa Milan qua những năm tháng khó khăn nhất dưới bóng Inter của thời hậu Calciopoli. Chẳng có gì ngẫu nhiên hay tùy hứng mà ngay sau khi vươn tới Scudetto, chấm dứt sự thống trị của Inter, Milan tiến hành “kiểm kê” các nghị sĩ. Kinh nghiệm của họ vẫn là vô giá, như những bàn thắng mà Seedorf đã đóng góp cho đội vào giai đoạn cuối, những cú tắc của Gattuso, Nesta và Ambrosini, những đường chuyền của Pirlo, những bàn thắng của Inzaghi. Nhưng đồng hồ thời gian của họ đã gần ngừng lại rồi. Một khi Allegri thành công lớn với việc gạt bỏ vị trí của một regista, bố trí một hàng tiền vệ 3 người đánh chặn dăng ngang, cùng một tiền vệ cơ bắp làm hộ công ảo (Boateng), đấy là lúc Milan không còn cần đến Pirlo nữa. Quá trình chấm dứt sự phụ thuộc vào Pirlo bắt đầu diễn ra ở Bari hôm 7/11/2010, khi Pirlo bị buộc phải ngồi ghế dự bị và trao chìa khóa của lối chơi cho Ambrosini, và sau đó, Van Bommel.

Ngoài những lí do kĩ chiến thuật, là lí do tài chính. Việc gạt bỏ dần dần những “nghị sĩ” nằm trong kế hoạch cắt giảm lương bổng của những người mà Milan  cho là không cần thiết phải được hưởng lương cao ngất ngưởng, trong khi những đóng góp của họ ngày càng ít đi trong thời điểm Milan đã thâm hụt 70 triệu euro mùa này. Quỹ lương của Milan và Inter đã vượt chút ít qua con số 130 triệu euro/năm, Juve tròm trèm 100 triệu, Roma hơn 80 triệu, trong khi các khoản lỗ và nợ ngày càng tăng đang đẩy họ vào tình thế ngặt nghèo (các CLB Italia hầu như không thu được chút gì từ các hoạt động kinh doanh và bán vé, và thu nhập chủ yếu là từ bản quyền truyền hình). Việc duy trì số cầu thủ trên 30 tuổi đủ lập một đội bóng, với chi phí lương quá cao trong khi sức cạnh tranh, đặc biệt là trên chiến trường châu Âu, giảm sút, là một điều phi lí. Juve đã từng bán đi hàng loạt ngôi sao như Baggio, Zidane hay Vieri ngay cả khi họ đang ở thời kì phong độ tốt nhất nhưng chưa bao giờ bị chỉ trích là “bạc tình”, bởi ngay sau khi đẩy đi những người được tifosi yêu mến hết mực ấy, họ đưa về những người khác và biến họ thành sao, trong khi đội bóng vẫn chiến thắng. Giờ là lúc Milan lặp lại điều ấy bằng một chiến dịch mua sắm khôn ngoan cho mùa bóng mới. Và giờ cũng là lúc những đối thủ của họ cho mùa sau làm tất cả những gì có thể để xây dựng những đội hình cạnh tranh không chỉ với Milan mà còn trên đấu trường châu lục. Trong cuộc đua ấy, Milan đã đi trước, khi đã có Mexes, Taiwo, gia hạn với Thiago Silva và Van Bommel, và đã đề cập đến tương lai bằng cách đụng chạm vào quá khứ thông qua việc cắt giảm các “nghị sĩ”.

Ngày Kaka đoạt danh hiệu Cầu thủ hay nhất thế giới của FIFA năm 2007, tôi đã viết một bài về Pirlo, với tựa đề “Pirlo da Vinci”, khi so sánh anh với nghệ sĩ thiên tài thời Phục hưng Leonardo da Vinci. So sánh thế, vì anh góp phần làm những trái tim yêu calcio thổn thức nhiều hơn, đã góp phần làm sống lại calcio trên đấu trường thế giới bằng Cúp vàng thế giới, đã phục hưng Milan và giờ sẽ phục hưng Juve, ngay từ mùa tới. Trong một năm mà Juve không đá Cúp châu Âu, Pirlo có thể làm những điều các juventini đã mỏi mắt đợi chờ. Pirlo sẽ chứng tỏ anh vẫn có thể làm ra “rượu ngon”, không chỉ từ xưởng rượu vang khá nổi tiếng của anh ở thành phố quê hương, Brescia…

Anh Ngọc

Sau Inter và Milan là Juve...

Pirlo có thể đem đến cho Juve những gì?

Chất lượng: Sau Calciopoli, Juve không có một tiền vệ tổ chức có đẳng cấp thế giới. Trong khi đó, Pirlo không còn “đất” ở Milan sau khi Allegri thích sơ đồ 3 tiền vệ đánh chặn hơn.

Khả năng lãnh đạo: Thiếu một tiền vệ có khả năng cầm chịch và tư chất lãnh đạo là vấn đề lớn của Juve, trong khi Milan đã quyết định chuyển cầu thủ đầu tầu xuống tuyến khác (hàng thủ, Thiago Silva, và hàng công, Ibra).

Kinh nghiệm: Với một Juve tái thiết mạnh mẽ nhất kể từ sau 2006, Pirlo có thể đem đến cho Juve ADN và tư duy chiến thắng. Trong khi đó, Milan đã đặt niềm tin vào những ngôi sao khác. Juve có thể đem đến cho Pirlo những gì?

Vị trí chính thức: Tại Juve, Pirlo sẽ đá chính, điều mà Milan không thể đảm bảo được cho anh, khi sơ đồ và tư duy chiến thuật của Milan đã thay đổi.

Lương và hợp đồng: Marotta đã đề nghị trả anh 4 triệu euro/mùa trong 3 mùa, trong khi Milan chỉ có thể trả anh 3 triệu, với HĐ kí năm một. Milan không muốn đánh bạc vào một cầu thủ đã 32 tuổi, chấn thương thường xuyên và lương cao ngất ngưởng.

Thể lực: Việc Juve không phải đá Cúp châu Âu mùa tới sẽ giúp Pirlo có thể tập trung toàn bộ sức lực cho Serie A. Tại Milan, hầu như năm nào anh cũng đá trên 50 trận ở tất cả các chiến trường.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link