08/05/2012 09:50 GMT+7
(TT&VH)- Bất kể Juventus có vô địch hay không, thì cách làm nghiêm túc của họ cũng xứng đáng được học hỏi. Trong khi đó, Milan đã phải trả giá đắt cho việc dựa dẫm một chiến lược rất tạm bợ, vá víu trong suốt cả mùa giải.
*Bạn cũng có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa
Sự tạm bợ của Milan thể hiện rõ ràng và cụ thể trong trận derby thua Inter rạng sáng qua. Với chấn thương của Antonini trước trận, Milan hoàn toàn trống vị trí hậu vệ trái, dù trong danh sách, họ vẫn có tới 2 cầu thủ nữa dự phòng cho Antonini là Zambrotta và tân binh Mesbah. Họ đâu? Không ai đủ thể lực để ra sân. HLV Allegri buộc phải đẩy Bonera sang trám chỗ, để rồi khi cầu thủ này dính chấn thương ở phút 25, ông tiếp tục buộc phải đưa De Sciglio vào đá ở đó, dù cầu thủ của đội trẻ này chưa từng chơi cánh trái bao giờ và cũng còn quá non cho một trận sinh tử như thế. Allegri phải chấp nhận sự vá víu đầy mạo hiểm và Milan bị trừng phạt xác đáng. Sự non kém của De Sciglio đã được Inter khai thác triệt để, khi hai bàn thắng quyết định biến Milan thành cựu vương đều đến từ các pha bóng mà De Sciglio không có mặt ở vị trí cần thiết.
Milan xứng đáng trở thành cựu vương- Ảnh Getty
Họa vô đơn chí. Milan không thể bảo vệ được Scudetto bởi bão chấn thương “oanh tạc” trên toàn bộ đội hình, với hàng loạt những chấn thương dài ngày của các trụ cột và luôn phải chịu cảnh què quặt hơn đối thủ ở những trận quan trọng. Nhưng cách họ đối phó với vấn đề của mình hoàn toàn mang tính… đối phó, và đó là yếu tố khiến họ không thể chạy đua được với Juve đến phút cuối cùng. Trong khi Juventus chỉ bổ sung một cách có chọn lọc ở kỳ chuyển nhượng mùa đông, thì Milan hấp tấp đem về cả một lố cầu thủ xoàng xĩnh, trong đó việc lấy lại hai tiền vệ trẻ Merkel và Strasser hoàn toàn là vô nghĩa bởi những chấn thương dài ngày. Không thể đòi hỏi những Mesbah, Maxi Lopez, De Sciglio, El Shaarawy hay thậm chí là cả Muntari phải chơi tốt hơn nữa, bởi trình độ và kinh nghiệm đỉnh cao của họ có hạn. Milan ngỡ họ vẫn còn mạnh và tiếp tục theo đuổi một cách cẩu thả chiến lược “thu gom đồng nát” ở kỳ mua sắm giữa mùa, nhưng mùa trước họ thành công bởi các tân binh rất giàu kinh nghiệm, còn việc những Mesbah, Maxi hầu như không có đóng góp gì ở giai đoạn căng thẳng vừa qua thực tế là hậu quả khó tránh.
Khách quan mà nói thì Allegri đã làm rất tốt công việc của ông giữa cơn khủng hoảng chấn thương dữ dội nhất lịch sử (khó tưởng tượng Juve sẽ ra sao nếu mất đồng thời 3-4 trụ cột trong ít nhất 3 tuần liên tiếp), nhưng Milan hoàn toàn có thể làm tốt hơn thế nữa nếu đầu tư nghiêm túc và có chất hơn vào đội ngũ. Giả sử họ quyết đoán hơn trong việc thay Pato bằng Tevez, chấp nhận bỏ ra 2 triệu euro để thay van Bommel bằng Montolivo, đem Balzaretti về cho cánh trái thay vì Mesbah, thì có lẽ số phận đã đổi khác. Thành công của Juventus có nguyên nhân chủ chốt từ việc họ giữ được nguồn thể lực dồi dào suốt mùa và may mắn không dính chấn thương nghiêm trọng, song đó không hề là may mắn ngẫu nhiên. Chiến lược xây dựng đội ngũ có tính toán, hài hòa giữa thể lực và kinh nghiệm, là yếu tố tiên quyết.
Tất nhiên cũng không thể đòi hỏi Milan phải bỏ ra 80 triệu euro để mua mới gần như cả một đội ngũ như Juventus, khi luật Công bằng tài chính của UEFA sẽ chính thức có hiệu lực từ mùa hè này, nhưng đây là bài học để Milan thấy rằng chính sách giả nghèo giả khổ một cách tạm bợ không bao giờ là chìa khóa mở ra thành công. Dù muốn hay không, thì trào lưu lật đổ thế lực cũ xảy ra ở 4/5 giải đấu hàng đầu châu Âu mùa này (chỉ trừ ở Bundesliga) cũng đều có dấu ấn rõ rệt của tiền bạc. Không chi tiền, đừng mong chiến thắng.
San Siro chờ một cuộc đại cải tổ…
Bách Việt
Milan không xứng đáng vô địch Cũng như Liga và có thể là cả Premier League nữa, Serie A đã chọn cho mình một nhà vô địch mới thực sự xứng đáng, bởi so với Milan thì Juventus thích hợp hơn nhiều cho bục chiến thắng. Thành tích bất bại cả mùa giải (gần như chắc chắn) là diện mạo long lanh đáng mơ ước cho mọi nhà vô địch. Thành tích phòng ngự tuyệt vời là biểu tượng cho sự vững mạnh cần có của một đế chế. Nhưng Juve còn xứng đáng được tôn vinh là đội mạnh nhất bởi họ đã đánh bại được tất cả các đối thủ mạnh khác của giải. Juve đã thắng 1, hòa 1 trước Milan (đứng thứ 2), Udinese (3), Napoli (5) và Roma (7); thắng cả hai trận trước Lazio (4) và Inter (6). Tổng cộng, Juve giành tới 28 trong tổng số 36 điểm tối đa có thể ở 12 trận đối đầu với các đối thủ còn lại trong Top 7. Trong khi đó, Milan có bản thành tích cực nghèo nàn ở những trận tương tự. Đội cựu vô địch chỉ giành được 1 điểm trước Juventus, Napoli và Lazio, không giành điểm nào trước Inter. Tổng cộng, trong 12 trận với Top 7, Milan chỉ giành vẻn vẹn 13 trong 36 điểm (thắng 3, hòa 4, thua 5). Đó rõ ràng không phải là những kết quả nên có ở một đội vô địch. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất