21/10/2012 09:04 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Elivis là vua nhạc rock ‘n’ roll, ngôi sao điện ảnh Hollywood với 33 vai diễn, đồng thời cũng là một trong những cựu chiến binh đặc biệt nổi tiếng nhất của Mỹ trong chiến tranh lạnh.
Từ năm 1958 đến năm 1960, ông phục vụ trong một đơn vị thiết giáp của Đức trong thời gian diễn ra Cuộc khủng hoảng Berlin. Đông Đức xem Elvis như bài toán mà họ phải tìm ra đáp số. Còn quân đội Mỹ thì xem ông là một vũ khí bí mật mà họ có thể lợi dụng.
Elvis Presley đã nhập ngũ vào tháng 3/1958 trong một đơn vị tăng thiết giáp cấp sư đoàn và được điều sang Tây Đức làm nhiệm vụ.
|
Thời điểm đó, tình hình đang căng thẳng. Hàng ngàn xe tăng Mỹ đã được điều tới Tây Đức để ngăn chặn nguy cơ hàng ngàn chiếc xe tăng Liên Xô có thể tràn qua Fulda Gap, một khu vực hành lang khá bằng phẳng nằm giữa các dãy núi ở vùng biên giới ngăn giữa Đông và Tây Đức. Hannibal đã thành công khi tiến quân qua Fulda Gap. Napoleon và Patton cũng đã đi trên cùng một con đường. Các chiến lược gia Mỹ vì thế cũng lo sợ Hồng quân có thể làm điều tương tự. Họ sẽ đi từ Fulda Gap xuống để chiếm lấy Frankfurt, thủ đô tài chính của Tây Đức và khi đó là của toàn bộ Tây Âu. Như một vị tư lệnh lực lượng tăng khi đó từng giải thích: "Chúng ta có nhiệm vụ ngăn chặn họ ở đây, hoặc sẽ mất tất cả".
Tháng 11/1958, thời điểm Elvis đang ở Grafenwöhr, lãnh đạo Liên Xô Khrushchev đã ra tối hậu thư, đòi quân Mỹ phải rút khỏi Berlin trong vòng 6 tháng. Cuộc khủng hoảng Berlin bắt đầu như thế. Trong những năm đó, vai trò của Elvis trong cuộc Chiến tranh Lạnh đã được các quan chức Đông Đức nghĩ tới khá nhiều. Các nhà lãnh đạo Đông Đức xem Elvis là mối họa. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đông Đức Willi Stoph tuyên bố nhạc rock ‘n’ roll của Elvis "là một dạng bùa mê nhằm khiến thanh niên sẵn sàng tham gia một cuộc chiến nguyên tử. Nhà lãnh đạo Walter Ulbricht đã phát biểu tại một hội nghị văn hóa toàn Đông Đức vào tháng 4/1959 rằng "dùng lời lẽ chưa đủ để chống lại sự suy đồi của chủ nghĩa tư bản và sự mê hoặc trong lời ca của những kẻ như Presley. Chúng ta phải có một thứ gì đó tốt hơn thế".
Để “đối phó” với nhạc rock 'n' roll của Elvis Presley, Đông Đức tạo ra vũ điệu lipsi. Tạp chí Time của Mỹ đã mô tả lipsi trên số ra vào năm 1959 rằng đây thực tế là một điệu waltz pha trộn với rumba, có biến tấu đi đôi chút. Tuy nhiên bất chấp nhiều nỗ lực của nhà chức trách, Lipsi vẫn không thể thay thế được Elvis.
Thực tế, thanh niên Đông Đức thậm chí đã công khai ca ngợi tên của Elvis. Năm 1959, một nhóm thanh niên ở Leipzig đã xuống đường để tung hô Elvis. Các cuộc biểu tình tương tự của những người "mê mẩn Elvis" cũng được báo cáo trong năm 1959 ở Dresden và 13 thành phố, thị trấn Đông Đức khác.
Chính quyền Leipzig đã phải tổ chức giải tán những người hâm mộ Elvis trong mùa Thu và mùa Xuân năm 1959.
Vũ khí lợi hại trong chiến lược ngầm của Mỹ
Quan điểm của chính quyền Đông Đức về Elvis chẳng khác mấy so với quan điểm của người Mỹ. Ông từng bị xem là có thể gây những ảnh hưởng không lành mạnh tới thanh niên. Nhưng các quan chức quân sự phương Tây đã không chia sẻ cùng quan điểm ấy. Họ nóng lòng muốn lợi dụng sự nổi tiếng của Elvis để gây dựng sự ủng hộ cho NATO trong lòng các thanh niên Đức.
Đỉnh cao của các nỗ lực này diễn ra vào tháng 4/1959, tại thị trấn Steinfurth, nơi Elvis được quân đội Mỹ tuyển mộ để "giúp vượt qua cảm giác bất an đang lan rộng tại Đức về việc Tây Đức được tái vũ trang". Elvis đã chụp hình mình khi đang làm việc trên công trường xây dựng một đài tưởng niệm Thế chiến I, dành tặng cho "những người hùng Đức đã ngã xuống trong những năm 1914-1918".
Tại sao Elvis lại tôn vinh lính Đức trong Thế chiến I?
Mỹ lo sợ Tây Âu không thể chống lại một cuộc tấn công của Liên Xô nếu không có sự tham chiến của quân đội Tây Đức. Vả lại Đảng Dân chủ Xã hội Đức cầm quyền phản đối việc tái vũ trang ở Tây Đức, và có nhiều người dân Tây Đức chưa đồng ý chấp thuận sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây. Rất nhiều cựu chiến binh Đức muốn thành lập một quân đội Đức mới, nhưng không phải dưới sự che chở của NATO và Mỹ. Bên cạnh đó, người Đức cũng có cảm giác họ không tạo nên bất kỳ khác biệt nào trong một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô. Họ còn nghi ngờ mình có thể chỉ là bia đỡ đạn cho người Mỹ mà thôi. Vì thế người Mỹ đã triển khai nhiều dự án để thuyết phục người Đức tham gia sứ mạng của họ và một trong những nỗ lực đó là tôn vinh quân đội Đức trong quá khứ.
Cựu Tổng thống Mỹ Dwight D Eisenhower đã thực hiện nỗ lực này, bằng tuyên bố "có sự khác biệt rõ ràng giữa người lính Đức thông thường với trùm phát xít Adolf Hitler và các nhóm tội phạm của ông ta". Tây Đức cũng thành lập một ngày tưởng niệm những quân nhân tử trận trong 2 cuộc chiến tranh thế giới và một phần chiến lược quân sự của Mỹ ở Đức là công khai tham gia chứng kiến các lễ tưởng niệm chính thức này để "đối xử với lính Đức tử trận trong chiến tranh bằng sự tôn trọng giống như lính Mỹ được nhận".
Và quân đội Mỹ gửi Elvis Presley, người lính nổi tiếng nhất của họ tới Đức, cũng chỉ để lấy lòng người Đức nhằm phục vụ cho cuộc Chiến tranh Lạnh.
“Vì sao chúng ta lại ở đây”?
Tuy nhiên trong cuộc đụng độ văn hóa liên quan tới Elvis Presley dưới thời Chiến tranh Lạnh, người ta đã quên mất một yếu tố mang tính mấu chốt: chính là Elvis Presley. Bộ máy tuyên truyền chính thức nói rằng Elvis cảm thấy "cảm kích vì những gì đất nước đã dành cho bản thân và giờ là lúc anh trả ơn một chút". Nói một cách khác, Mỹ đã cho Elvis tự do để thành sao rock 'n' roll và giờ đã tới lúc anh phải bảo vệ sự tự do. Nhưng sự thật thì Elvis đã có những nghi vấn của riêng anh cho tất cả chuyện này.
Cuối cùng, Elvis cất câu hỏi quan trọng nhất: "Thế chúng ta đang làm chuyện này vì cái quái gì vậy?".
William J. Taylor Jr, nhân vật từng phục vụ trong quân ngũ cùng Elvis khi còn là thiếu úy, sau này kể lại rằng trong một đợt nghỉ ngơi giữa các cuộc thao diễn quân sự, Elvis đã đặt câu hỏi: "Thiếu úy, chuyện gì đang xảy ra trên thế giới vậy?". Taylor trả lời rằng, hai người sẽ có thể tham gia chiến tranh bất kỳ lúc nào, nhưng nói rằng Đức không phải là một mục tiêu thực sự của Liên Xô. Cuộc chiến tranh Triều Tiên mới sẽ nằm ở nơi nào đó khác, không phải tại Fulda Gap. Nhưng Taylor nói với Elvis rằng họ có thể sẽ phải đánh nhau với lính Liên Xô ở Đức, bởi Kennedy muốn tỏ giọng điệu "cứng rắn". Nghe thấy thế, Elvis đáp lại: "Chà, ông ta có thể tuyên bố rắn nếu muốn. Nhưng tôi cho anh biết là phần lớn những người tôi quen chẳng muốn có thêm một cuộc chiến tranh Triều Tiên nữa. Ý tôi là chúng ta sẽ đi loanh quanh trên thế giới và bị giết, chỉ bởi một vài chính trị gia muốn thể hiện việc ông ta rắn tới đâu".
Cuối cùng, Elvis cất câu hỏi quan trọng nhất: "Thế chúng ta đang làm chuyện này vì cái quái gì vậy?". Câu trả lời mà anh nhận được là để "răn đe". Nhưng không phải câu trả lời có ý nghĩa mà chính là câu hỏi của Elvis, về sự hiện diện của lính Mỹ ở Đức khi đó.
"Chúng ta đang làm chuyện này vì điều quái quỷ gì?"
Đôi khi khó khăn lớn nhất lại không phải việc biết về câu trả lời đúng, mà là hỏi một câu hỏi thật trúng. Và Elvis đã có được câu hỏi đắt giá ấy. Một người Mỹ từng phục vụ với Elvis ở Đức và về sau đưa ra cùng câu hỏi là cựu Ngoại trưởng Colin Powell.
Trong cuốn hồi ký viết năm 1995, ông còn đưa ra thêm một câu hỏi nữa rằng: "Tại sao người ta lại nghĩ rằng quân Liên Xô sẽ tràn vào Đức?". Elvis Presney về quê vào tháng 3/1960. Một năm sau đó, ký giả nổi tiếng người Mỹ là Walter Lippmann đã tới Moskva để phỏng vấn Nikita Khrushchev, với đề tài chủ yếu về Berlin.
Sau cuộc tiếp xúc đặc biệt, Lippmann nhận định rằng người Liên Xô hoàn toàn không có dự định gây chiến tranh ở Đức và họ còn "quan tâm tới việc ngăn chặn nguy cơ xảy ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở đây".
Phạm Trúc (Theo Daily Beast)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất