Vì sao ông Putin rơi lệ?

06/03/2012 08:18 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Cuộc bầu cử Tổng thống Nga 2012 đã có kết quả nằm trong dự đoán từ lâu của giới quan sát, trong đó ông Vladimir Putin trở lại điện Kremli sau thời gian nắm cương vị Thủ tướng. Chỉ có một điều người ta không ngờ tới: Putin đã khóc khi đắc cử ghế Tổng thống.

>> Chuyên đề: Bầu cử Tổng thống Nga 2012

Báo chí Nga và phương Tây đã phát đi một đoạn video cho thấy Vladimir Putin đã chảy nước mắt khi ông được giới thiệu bởi Tổng thống mãn nhiệm Dmitri Medvedev, để ra phát biểu trước những người ủng hộ tại quảng trường Manezh ở Moskva.

Khi chính trị gia khóc

"Chúng ta đã thắng trong một cuộc chiến trung thực và minh bạch", Putin nói, nước mắt ngân ngấn, giọng lạc đi vì xúc động - "Tôi đã hứa với các bạn rằng chúng ta sẽ thắng, và chúng ta đã thắng. Vinh quang thuộc về nước Nga". Trong khi phe đối lập cho rằng Putin "diễn" và chỉ trích hành động của ông, thực tế việc những người quyền lực khóc trước công chúng không phải là chuyện hiếm.

Phần lớn các tổng thống Mỹ thời hiện đại hoặc ứng viên tổng thống đều đã để lộ cảm xúc không ít lần. Hai cha con cựu Tổng thống George Bush, Bill Clinton và cả ông Barack Obama đều đã từng chảy nước mắt trước công chúng. Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nổi tiếng vì đã khóc sau khi thông báo Rio de Janeiro sẽ đăng cai Olympic 2016. Tháng 9/2010, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai lên trang nhất nhiều tờ báo trên thế giới vì khóc khi than vãn về tình trạng của đất nước.

Khi Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Mỹ Anthony Albanese chảy nước mắt trên truyền hình quốc gia hồi tuần trước vì khủng hoảng lãnh đạo trong cơ quan này, cử tri Mỹ nói rằng họ đã chú ý tới những gì Albanese nói hơn là khi ông chẳng nhỏ một giọt nước mắt. Điều tương tự cũng đúng với đôi mắt ướt của cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, lúc ông tuyên bố từ chức hồi năm 2010.

Giới quan sát nói rằng những giọt nước mắt thực sự có khả năng truyền tải những thông điệp lớn hơn nhiều lời nói hoặc hành động và việc khóc công khai sẽ mang tới tác động cảm thông, ngay cả từ phía đối thủ.

Ông Putin đã chảy nước mắt sau khi đắc cử ghế tổng thống Nga

Giải mã những giọt nước mắt

Lâu nay vẫn có một hướng giả thuyết nói rằng những giọt nước mắt hiếm khi chảy ra vì cảm xúc thuần túy. "Nước mắt thường là sự pha trộn của các động cơ ngấm ngầm và cảm xúc" - Tom Lutz, tác giả cuốn Crying: The Natural and Cultural History of Tears (tạm dịch “Khóc: Bản chất tự nhiên và lịch sử văn hóa của nước mắt”) đánh giá.

Trước khi trẻ con tới trường, chúng đã hiểu rõ lợi ích mà những giọt nước mắt mang lại. "Khóc đã có tác động sâu sắc trên mỗi người. Đó là điều trẻ con làm để được chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương. Và chúng ta gần như đã được lập trình để có phản ứng cảm thông khi thấy ai đó rơi lệ" - Judi James, một chuyên gia phân tích hành vi người Anh đánh giá.

Lutz cho rằng khi trưởng thành, người ta đơn giản là sử dụng nước mắt một cách khôn khéo hơn lúc bé. Theo ông, khóc thường xảy ra khi một cuộc khủng hoảng đã trôi qua. Người đàn ông có thể khóc bởi những xung đột cảm xúc và sự căng thẳng quá mức trong công việc. Họ cũng có thể khóc vì thấy thương, giận dữ hoặc xấu hổ với bản thân. Họ có thể không chắc mình sẽ bị quở trách như thế nào hoặc sẽ lâm vào tình trạng khó chịu ra sao.

Lutz cũng nói rằng nước mắt là một dạng ngầm của sự yêu cầu. Một người đàn ông khi khóc trước mặt người khác sẽ ngấm ngầm yêu cầu những người này phải cảm thông với họ. Hoặc anh ta muốn họ nghĩ rằng mình đang thể hiện sự chân thành.

Mặc dù đàn ông đã khóc trước đám đông trong hàng thế kỷ, những tiêu chuẩn văn hóa của hành động này luôn thay đổi theo thời gian. Thời Hy Lạp cổ, đàn ông sẽ khóc nếu danh dự gia đình của họ bị đe dọa. Odysseus đã khóc liên tục trong hành trình kéo dài 10 năm để về nhà. Khóc còn xuất hiện trong Kinh Thánh, với nhiều đoạn mô tả Chúa Jesus đã chảy nước mắt.

Trong thế kỷ 19, các chính khách Mỹ cũng thường rơi lệ. Abraham Lincoln khóc khi tranh cãi về vấn đề nô lệ với nghị sĩ Stephen Douglas và tới lượt mình, Douglas cũng khóc. "Khóc khi đó được xem là một phần trong nghệ thuật hùng biện và chỉ mãi về sau này, khi cuộc cách mạng công nghiệp phát triển mạnh, người ta mới đánh giá cao việc đàn ông không nên khóc lóc" - Lutz nói.

Tranh cãi về nước mắt

Không ít người đã trả giá vì không nhận thức được sự thay đổi này. Khi nghị sĩ Mỹ Ed Muskie khóc trong một cuộc họp báo tổ chức hồi năm 1972, chiến dịch tranh cử làm ứng viên tổng thống của phe Dân chủ của ông đã lập tức đi chệch đường ray. Nước mắt ông khi đó bị đánh giá là cho thấy sự yếu kém trong tâm hồn. Muskie cố bào chữa rằng nước là do tuyết rơi lên mặt ông, nhưng không ăn thua.

Tại Australia hiện đại, hiếm khi các chính khách nhỏ nước mắt. Những ai từng chứng kiến Thủ tướng Malcolm Fraser chảy nước mắt khi thua cuộc trước đối thủ Bob Hawke hồi năm 1983, sẽ hiểu lý do vì sao ông thất bại. Nhưng khi lên nắm quyền, Hawke cũng khóc tới 3 lần trước công chúng, khiến cả nước Australia phải tranh cãi về việc liệu có ổn không khi lãnh đạo đất nước cứ thể hiện sự mềm yếu như vậy.

Năm 2010, sau khi khóc trước công chúng, Kevin Rudd đã lên tiếng xin lỗi. Nhưng sự lo lắng của ông đã quá thừa, bởi thời thế thay đổi rất nhiều từ thời Hawke và những giọt nước mắt của cựu Tổng thống Bill Clinton giúp mang lại cho ông rất nhiều lá phiếu của các cử tri nữ.

"Từ thời Clinton, việc các chính khách nam giới có chút ướt ở mắt càng cho thấy sự mạnh mẽ của họ" - Lutz nói - "Nghị sĩ Bob Dole, người chạy đua chống lại Clinton, đã có cặp mắt ráo hoảnh suốt 40 năm làm chính trị. Nhưng ông này đã học cách khóc trong chiến dịch vận động tranh cử và thậm chí còn khóc tới 4-5 lần".

Có rất nhiều giả thuyết về nước mắt của đàn ông và một trong những lý giải thú vị nhất rằng đó là một hành vi đã phát triển cao độ. Trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Evolutionary Psychology hồi năm 2009, Oren Hasson, nhà sinh học tại Đại học Tel Aviv, Israel, nói rằng nước mắt có thể là một cách hiệu quả để xây dựng và củng cố quan hệ cá nhân. Nó là cách để một người đàn ông phát đi tín hiệu rằng anh ta phục tùng những kẻ tấn công và có thể nhận được sự thương hại. Tương tự, nước mắt giúp mang tới sự cảm thông từ những người khác và có thể sẽ mang tới sự hỗ trợ có tính chiến lược.

Vậy thực sự Putin đã khóc vì lý do gì?

Cá nhân Putin giải thích ông chảy nước mắt do gió lạnh thổi tại Moskva, chứ không phải ông quá xúc động. Có thể Putin nói thật. Nhưng có một điều rõ ràng là việc chảy nước mắt đúng thời điểm sẽ giúp các chính trị gia lôi kéo cử tri lại gần hơn với mình rất nhiều. Giống như tiểu thuyết gia người Pháp Jean Giradoux từng nói: "Bí mật của thành công là sự chân thành. Nếu anh có thể giả vờ chân thành, anh sẽ có được thành công".

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link