Mối tình 17 năm Wenger - Arsenal (Kì I): Wenger: "Ban lãnh đạo thật điên rồ khi bổ nhiệm tôi"

13/07/2013 18:50 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Không thành công rực rỡ như Sir Alex Ferguson, không gây nhiều ồn ào như Jose Mourinho, không được chi tiêu vô tội vạ như các HLV gần đây của Chelsea và Manchester City, nhưng Arsene Wenger chắc chắn là một trong những chiến lược gia ảnh hưởng nhất ở Premier League, khi ông đã làm thay đổi hoàn toàn Arsenal.

Bổ nhiệm Wenger năm 1996 là quyết định gây sốc của BLĐ Arsenal.

HLV người Pháp nói ban lãnh đạo Arsenal thật “điên rồ” khi bổ nhiệm ông vào năm 1996 để rồi Wenger đã vượt qua kỷ lục của George Allinson để trở thành HLV có thời gian cầm quyền lâu nhất trong lịch sử CLB.

Suýt bị Arsenal từ chối

Wenger tiết lộ ông từng được Arsenal phỏng vấn vào năm 1995, nhưng sau khi thảo luận với Chủ tịch CLB khi đó Peter Hill-Wood trong một nhà hàng trên đường King ở tây London, ban lãnh đạo Arsenal quyết định chưa bổ nhiệm chiến lược gia người Pháp.

“Tôi tưởng họ đã quyết là sẽ không nghĩ gì tới tôi nữa sau cuộc phỏng vấn đầu tiên và trao lại công việc đó cho Bruce Rioch”, chiến lược gia 63 tuổi nói. “Có lẽ ông ấy là một ứng cử viên tốt hơn tôi ở thời điểm đó. Tôi đã sang Nhật Bản nhưng không hề thấy thất vọng vì tôi đã có một thời kỳ tuyệt vời ở đó và quyết định sẽ chỉ trở lại châu Âu nếu được một CLB lớn mời. Tôi vẫn có quan hệ tốt với Arsenal lúc đó, có bạn là David Dein (Giám đốc điều hành), nên tôi không thấy vấn đề gì. Tôi hiểu quyết định của họ. Tôi biết rằng để thuyết phục ban lãnh đạo, tôi cần cho thấy những phẩm chất cho công việc đó. Bây giờ cũng thế thôi, không có gì thay đổi cả”.

Vào thời điểm tháng 10/1996, những HLV nước ngoài bị nhìn nhận một cách đầy hoài nghi ở Anh. Wenger, tới từ đội bóng Nhật Bản Grampus Eight, tin rằng thành công của ông, bao gồm 3 danh hiệu Premier League, 4 Cúp FA và đội hình bất bại 2003-04, đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi định kiến đó.

Thành kiến với HLV ngoại

“Thật khó hiểu được điều đó trong bối cảnh hiện nay khi các HLV thành công nhất đều là người nước ngoài. Ngày nay họ được trải thảm đỏ mời tới Anh. Thời của tôi không như thế. Có lịch sử và niềm tin truyền thống ở Anh khi đó rằng HLV nước ngoài không thể thành công. Giờ thì cảm giác hoàn toàn khác, giờ họ lại nghĩ rằng chỉ HLV nước ngoài mới có thể thành công. Nhưng như thế cũng là không đúng”, Wenger bình luận. “Tôi tin rằng tôi đã đóng góp vào việc mọi người thay đổi sự nhìn nhận với HLV nước ngoài. Thời của tôi, tôi có thể đọc được những bài báo mà các nhà bình luận tìm cách chứng minh HLV nước ngoài không bao giờ có thể vô địch Anh. Điều đó đã thay đổi nhờ phần đóng góp của tôi, nhưng tôi cũng là một trong số ít người bảo vệ các HLV Anh”.

Tuy nhiên, Wenger cũng thừa nhận vào thời điểm đó, với cả ông và CLB, đó là một canh bạc. “Giờ nghĩ lại thì tôi thấy đúng như thế”, HLV người Pháp hồi tưởng. “Ở thời điểm đó, Arsenal cần sự điên rồ, và sự điên rồ lớn nhất đã tới. Tôi khi đó chẳng tên tuổi gì, một người nước ngoài, không thành tích trong quá khứ. Đó là một bước đi điên rồ, nhưng rất can đảm, của ban lãnh đạo”.

Liệu Wenger có thể thành công như thế với một CLB khác không phải Arsenal? “Tôi không nghĩ tôi chỉ có thể thành công ở Arsenal. Nhưng tôi tin mình đã may mắn được Arsenal ủng hộ và đó là điều quan trọng để thành công. Tôi cũng khá thành công ở những đội mà tôi dẫn dắt trước kia (Nancy, Monaco, Grampus Eight), nhưng thường tôi luôn được ủng hộ ở những nơi mà tôi làm việc”.

Wenger cũng cho rằng mùa giải 2003-04 bất bại và vô địch Premier Leauge không chỉ là đỉnh cao tại Arsenal, mà là trong toàn bộ sự nghiệp của ông: “Điều quan trọng nhất với tôi là cảm xúc ở đất nước này không giống bất kỳ đâu trên thế giới. Tôi thấy mình được hưởng một đặc ân làm việc trong môi trường như thế và chơi cả mùa giải mà không thua trận nào là điều kỳ diệu nhất. Dù cho các đội khác bỏ ra bao nhiêu tiền, họ không làm được như thế”.

Lúc Wenger mới tới, Arsenal đang trong hỗn loạn. Nigel Winterburn và Ian Wright đều gặp rắc rối với LĐBĐ Anh. Dennis Bergkamp dính chấn thương và họ đã bị loại khỏi Cúp C3 mùa đó sau trận thua 2-3 trên sân nhà trước Borussia Monchengladbach. Tất cả những điều đó cùng các vấn đề cá nhân của Tony Adams, bao gồm tình trạng nghiện rượu nghiêm trọng của anh và bà vợ cũ, tràn ngập các báo lá cải ở Anh.

Vào tháng 10/1996, không mấy người biết về chiến lược gia điển trai người Pháp, vào lúc internet còn ở sơ kỳ phổ dụng và sự nghiệp của ông ở Monaco không mấy ai biết. Nhưng sau tháng 10/1996, tất cả đã thay đổi, không chỉ ở Highbury và Arsenal, mà cả ở Premier League.

* Đón đọc Kì II "Mối tình 17  năm Wenger - Arsenal" trên báo Thể thao & văn hóa số ra ngày 14/7/2013.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link