Mỗi tuần một chuyện: Man United và Van Gaal thay đổi lẫn nhau

27/07/2015 21:32 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Bao giờ Man United có thể vô địch Champions League trở lại? Rất có thể vinh quang đó sẽ đến trong giai đoạn của Van Gaal.

1. Sau trận thắng Barca 3-1 ở Mỹ, một trận dù chỉ là giao hữu đơn thuần, chính HLV Enrique đã nhận xét (có thể hơi tâng bốc) rằng đội hình này của Man United có thể sẽ giành cú ăn ba. Nhưng đội hình mà Enrique nói đến vẫn còn chưa hoàn thiện hẳn. Đơn giản, Van Gaal vẫn còn sẽ bổ sung thêm 2 vị trí nữa, một ở hàng công và một trung vệ. Khi ấy, biết đâu chừng, Man United sẽ mang một sức mạnh hủy diệt, một sức mạnh đáng sợ nhưng lại không đáng nhớ.

Những người yêu bóng đá sẽ không thể nào quên Man United của năm 1999, dù năm ấy họ vô địch Champions League có phần may mắn trong một trận chung kết mà Bayern chơi lấn lướt hơn. Chức vô địch năm đó có nhuốm chút màu huyền thoại mà lần đăng quang 2008 không thể có. Và vượt trội hơn tất thảy, đó là thời điểm thế hệ vàng của Man United, do chính Man United đào tạo, đã ra mắt thành công mỹ mãn.

Thời 2008, Man United cân bằng giữa sức mạnh tự đào tạo với sức mạnh từ chuyển nhượng. Còn thời này, Man United dường như đã bỏ qua hẳn những hạt nhân từ chính học viện của mình và chỉ hướng tới việc tăng cường từ những chi tiêu bạt mạng mà thôi.

2. Thật ra, đào tạo cũng giống như trồng nho thôi. Có mùa tốt, có mùa không tốt. Và ở vào mùa không tốt, tăng cường từ thị trường chuyển nhượng là lẽ tất nhiên. Đơn cử như Barca. Ai cũng khen La Masia của họ nhưng La Masia không phải lúc nào cũng cho ra mắt được những cầu thủ tài năng cỡ 7 phần 10 so với Xavi, Iniesta hay Messi. Chính vì thế, Barca vẫn phải đi mua, thậm chí mua rất đắt như cách họ mua Neymar và Suarez.

Nhưng dù biết có mùa tốt, có mùa xấu, nền tảng triết lý của một CLB chú trọng vào đào tạo vẫn khó có thể bị thay đổi. Đó là cốt lõi, là văn hóa, là danh dự của CLB ấy. Vậy mà Man United lại đang thay đổi chính triết lý của mình, một triết lý bền vững mà với các ủng hộ viên thân thuộc của họ, nó như thể mạch máu của CLB. Và ai cũng hiểu, nguyên nhân đến từ chính lực lượng điều hành CLB. Những người Mỹ không yêu bóng đá, không chơi bóng đá và chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng mà thôi. Bởi thế, quyết sách của họ đã đổi thay toàn bộ nền tảng triết lý của chính cái CLB đã hấp dẫn họ nhờ vào nền tảng ấy.

Van Gaal từng tuyên bố rằng ông không thích đi mua các ngôi sao mà thay vào đó là phát triển hết mức khả năng có sẵn của các cầu thủ. Mùa đầu tiên ở Man United, ông đã làm điều đó khá tốt, ít nhất là với trường hợp của McNair. Nhưng bây giờ thì chính ông cũng thay đổi triết lý đó khi điên cuồng săn lùng trên thị trường ngày càng khan hiếm tài năng.

3. Có thể nói, Man United đã thay đổi Van Gaal. Song cũng có thể nói, ông góp phần thay đổi Man United. Suy cho cùng, chính giới chủ đã khiến ông và Man United thay đổi triết lý của nhau chỉ trong một sớm một chiều. Đơn giản, Van Gaal hiểu, nếu ông không chấp nhận làm điều đó, ông sẽ phải ra đi và một HLV mới đến sẽ sẵn sàng chiều lòng giới chủ hơn ông.

Cách đây chưa lâu, chính Man United từng chê bai Man City là ‘gã hàng xóm ồn ào’. Vậy mà bây giờ, khi Man City vừa hoàn tất cơ sở vật chất hạ tầng cho một học viện hiện đại bậc nhất châu Âu, với những con người xuất sắc nhất để vận hành học viện ấy thì Man United lại đang vô cùng ồn ào trên thị trường chuyển nhượng. Có lẽ, người Man United sẽ hoàn toàn không thích thú gì khi nghe câu chuyện này, nhất là ở thời điểm vài năm nữa, khi Man City có thể giới thiệu một thế hệ vàng mà chính họ tạo ra, bồi đắp nên, để từ đó trở thành mạch nguồn văn hóa mới cho CLB đã từng ồn ào nhất Premier League.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link