05/01/2015 14:40 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thế nào là một cổ động viên Man United tiêu chuẩn? Đó là một câu hỏi mở rất khó trả lời.
1. Có thể một CĐV tiêu chuẩn của họ sẽ dẹp bỏ mọi nhọc nhằn vào dịp cuối tuần để khoác lên mình chiếc áo đỏ và lái một chiếc Chevy (Chevrolet-một hãng xe Mỹ), thương hiệu xe tài trợ áo đấu và phương tiện di chuyển chung của CLB, đến bất kỳ nơi nào Quỷ đỏ ra sân, đặc biệt là hướng về phía Old Trafford, nơi mệnh danh là Nhà hát của những giấc mơ và cũng là chốn mà Man United vẫn thường ‘mở đại tiệc cho người hâm mộ’ suốt hơn hai thập niên qua…
Nhưng chắc chắn, nhiều cổ động viên tiêu chuẩn kiểu đó cũng sẽ nhớ đến một câu rất hay của danh ca Mỹ Don McLean trong nhạc phẩm American Pie, một nhạc phẩm được coi là tiêu biểu nhất của văn hóa đại chúng thế kỷ 20. Đó là câu “Lái chiếc Chevy tới với bữa tiệc nhưng bữa tiệc đã tàn”. Ừ, với họ bữa tiệc thực sự ở Old Trafford đã tàn rồi, khi mà Man United của Van Gaal chưa cho họ thấy sức hấp dẫn cuồn cuộn như Man United của triều đại Alex Ferguson.
Khi không còn Fergie nữa, trong mắt người hâm mộ Man United, sân khấu Old Trafford coi như không còn sáng đèn. Những buổi trình diễn đã không còn, âm nhạc đã tắt và Old Trafford như một nhà hát đã chết.
2. Trong cuộc đời này, không một người nào chỉ hoàn toàn tạo nên công trạng mà không một lần mắc lỗi. Fergie cũng vậy thôi. Lỗi lớn nhất của ông chính là việc ủng hộ những ông chủ Mỹ hết mình, những người vô cùng khôn khéo trong kinh doanh nhưng thực sự không hề yêu bóng đá, đúng như các cổ động viên trung thành có phần cực hữu của Man United đã quy kết từ ngày họ mới bắt đầu tại Manchester.
Và bằng chứng của chuyện gia đình Glazers không yêu bóng đá không quá khó để kiếm tìm. Chính trong giai đoạn Man United khó khăn như hôm nay, họ thậm chí đã tìm đường bán (và đã bán một phần) cổ phiếu của CLB để thoái vốn sau khi đã thu đủ và quá đều từ thương hiệu toàn cầu ấy. Với họ, Man United đơn thuần chỉ là một hạng mục (portfolio) đầu tư không hơn không kém và nó không chứa đựng bất kỳ một giá trị tinh thần lớn lao nào cả. Fergie, ở cương vị ‘tiên chỉ’ của Man United; đóng vai trò là một tài sản vô hình có giá trị cực lớn ở Man United suốt 20 năm qua, đủ sức là vật cản để nhà Glazers phải nhìn nhận Man United bằng con mắt ‘Anh’ hơn là đánh giá theo phong cách ‘Mỹ’. Nhưng ông không làm điều đó. Ông đứng chung phe với họ, hỗ trợ họ hoàn thiện hóa hơn cỗ máy kiếm tiền, đặc biệt là trong đợt cổ phiếu Man United chính thức niêm yết ở NYSE cách đây chưa lâu.
3. Năm 1971, Don McLean ra mắt American Pie, với sự tưởng nhớ tới Buddy Holly, một biểu tượng rock’n roll mới qua đời vì tai nạn máy bay. Trong ca khúc ấy, Don McLean coi ngày Buddy Holly ra đi là ngày của bi kịch vĩ đại, ngày mà ông tưởng như ‘ngày âm nhạc đã chết’ và ‘những bằng hữu tốt bụng xưa ngồi đó uống whisky và hát “có thể đây là ngày tôi qua đời”’. Những cổ động viên trung thành nhất của Man United cũng có thể coi ngày Fergie ra đi là ngày âm nhạc đã chết trên sân khấu Old Trafford. Nhưng tất cả chỉ là cảm xúc bi quan của một thói quen đột nhiên biến mất mà thôi. Sau Buddy Holly, âm nhạc vẫn sống, thậm chí còn mạnh mẽ hơn, với bằng chứng là American Pie đã ra đời.
Sau Fergie, âm nhạc ở Old Trafford cũng vẫn sống thôi, dưới tay những nhạc trưởng khác, mà điển hình hiện tại là Van Gaal. Chỉ cần chúng ta lắng nghe, chờ đợi, chúng ta sẽ thấu cảm thứ ‘âm nhạc’ mới mẻ ấy. Đơn giản, Fergie có tinh thần của Fergie còn Van Gaal cũng có triết lý của Van Gaal. Hãy chấp nhận tinh thần và triết lý ấy trước, rồi ta sẽ thấy một ngày nào đó, giữa Old Trafford, âm nhạc sẽ lại vang lên giữa một nhà hát lộng lẫy sáng đèn.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất