Một mùa kịch Tết tưng bừng kỳ lạ

28/02/2024 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Mùa kịch Tết còn kéo dài cho đến nay, nơi mà sân khấu kịch TP.HCM tưng bừng hoạt động. Dạo xem một vòng sẽ thấy bật lên một điều là "thực đơn" năm nay khá phong phú, nhiều món lạ để khán giả lựa chọn.

Thông thường mùa Tết các sân khấu sẽ dựng kịch hài để dễ bán vé, bởi khán giả thường muốn giải trí, thư giãn trong những ngày Xuân hơn là suy nghĩ nhiều.

Tuy nhiên, năm nay kịch TP.HCM lại đưa ra một "thực đơn" có rất nhiều thể loại,giúp người xem tha hồ lựa chọn. Hài kịch vẫn là chủ đạo, nhưng bên cạnh đó có luôn bi kịch, chính kịch, kịch lịch sử, kịch kinh dị, kịch thiếu nhi, kịch cổ trang… thật thú vị!

Hài, nhưng thấm thúy

Hài kịch thì nổi bật sân khấu IDECAF với 2 vở Tấm Cám đại chiến Vàng ơi là vàng, đều tưng bừng tiếng cười, vé bán rất chạy. Cả hai vở đều có sự tham gia của Đại Nghĩa thay cho Thành Lộc đã chuyển sang sân khấu mới Thiên Đăng.

Đại Nghĩa đã kết hợp cùng Đình Toàn thành một cặp rất ăn ý, quậy tưng khán phòng, rất duyên. Tấm Cám đại chiến đã "cover" lại truyện cổ tích Tấm Cám với con mắt thời đại, đem đến một ý nghĩa tích cực cho những thân phận thấp kém như Tấm.

Một mùa kịch Tết tưng bừng kỳ lạ - Ảnh 1.

Vở “Ở đây ai tỉnh” (sân khấu Thế Giới Trẻ). Ảnh: H.K.

Nghĩa là, dù số mệnh có nghiệt ngã đến đâu, thì Tấm vẫn đấu tranh không ngừng nghỉ, không thể nhu nhược chấp nhận mọi thứ ập lên đầu mình, cứ phản kháng cho đến hơi thở cuối cùng.Dù có đầu thai kiếp sau thì lại tiếp tục phản kháng, tiếp tục đi tìm hạnh phúc, đi tìm tình yêu chân chính của mình. Một thái độ không buông xuôi, rất phù hợp cho giới trẻ bây giờ. Cả vở đều hài, nhưng lại thâm thúy như vậy.

Sân khấu Quốc Thảo chọn Đu trend cũng thuộc thể loại hài, châm biếm những kẻ chạy theo thời thượng, mê giá trị ảo như ông Sáu Đởm, đến nỗi bị bọn lừa đảo lột sạch tiền bạc.

Sân khấu Trương Hùng Minh có Lẹ lẹ trễ phà cũng hài từ đầu đến cuối, với Minh Nhí, Việt Hương là cặp đôi hài nổi tiếng, nhưng cả nhóm học trò của Minh Nhí cũng biết diễn hài, khiến bến phà miền Tây ấy cứ xôm tụ hẳn lên, cuối cùng lộ ra những con người bình dân biết chở che đùm bọc nhau trong cơn hoạn nạn.

Một mùa kịch Tết tưng bừng kỳ lạ - Ảnh 2.

Vở “Nội tình của ngoại tình” (sân khấu Thiên Đăng). Ảnh: H.K

Sân khấu Thiên Đăng có vở Nội tình của ngoại tình, tuy là chủ đề tình yêu, nhưng cũng chọn phong cách hài rất dễ thương. Câu chuyện chàng trai vào nhầm căn hộ của cô gái chính là "phép thử" tình yêu cho cả đôi bên.

Nhờ phép thử ấy mà cô gái nhận diện được người chồng sắp cưới của mình thế nào, còn chàng trai cũng nhận diện được cô vợ sắp cưới của mình ra sao, từ đó chọn lựa duyên phận của mình một cách tỉnh táo hơn, đúng đắn hơn.

Hài trong vở này không cần ồn ào, mà nghiêng về âm nhạc, kết hợp với diễn đạt duyên dáng, cao tay của Hương Giang, Lê Hoàng Giang, Thành Lộc… khán giả vô cùng dễ chịu.

Khán giả khóc và vỗ tay

Bi kịch thì năm nào Hoàng Thái Thanh cũng đứng đầu. Năm nay có 2 vở Lạc ở đáy sông Lồng sắt đều công phu, chặt chẽ. Đặc biệt Lạc ở đáy sông dàn dựng chỉn chu đến đáng nể. Khán giả khóc và vỗ tay không biết bao nhiêu lần.

Một mùa kịch Tết tưng bừng kỳ lạ - Ảnh 3.

Vở “Lạc ở đáy sông” (sân khấu Hoàng Thái Thanh). Ảnh: H.K

Câu chuyện ông Tư Bờ vớt xác miễn phí cho người dân suốt hai chục năm để trái tim ông được an ủi khỏi sự ray rứt, ân hận, không ngờ cuối cùng lật ngược trở lại, ông chính là nạn nhân của một sự phản bội. Nhưng lẽ ra phải trả thù rửa hận, thì ông lại mềm lòng, tha thứ. Dòng sông đã rửa đi mọi dơ bẩn trong lòng người, chỉ để lại một thứ phù sa ngọt lành cho hoa trái cuộc đời.

Sân khấu 5B cũng có Mặt đối mặt, thật ra là bi kịch, nhưng đã được làm dịu đi nhờ tài năng duyên dáng của Chánh Trực trong vai ông chủ nhà hàng. Nhưng dù cười, khán giả vẫn nhận ra bi kịch của những người Việt xa xứ, phải vất vả lao động kiếm từng đồng tiền gởi về quê cho gia đình, lại còn khổ vì phải giữ sĩ diện, không dám để lộ thân phận làm thuê làm mướn. Bi kịch ấy tiếp nối khi chính người thân của họ không biết trân trọng đồng tiền xương máu đó, mà lại ăn xài phung phí. Tình thương không đặt đúng chỗ là như vậy.

Một mùa kịch Tết tưng bừng kỳ lạ - Ảnh 4.

Vở “Mặt đối mặt” (sân khấu 5B). Ảnh: H.K

Sân khấu Hồng Vân thì dựng lại Mẹ và người tình, một vở chính kịch gay gắt. Dù nội dung chỉ quanh quẩn trong một gia đình, nhưng người ta vẫn thấy độ khốc liệt của nó. Khi người mẹ dùng cách nuôi dạy con độc đoán, áp đặt, thì bà sẽ nhận lại những "sản phẩm lỗi".Những đứa con không cảm nhận được tình thương, sự đoàn kết, mà họ chỉ biết tôn thờ vật chất, dùng thủ đoạn xấu xa để kiếm tiền tài, danh vọng, ngăn cản mọi ước mơ của người khác, kể cả mẹ mình.

Sân khấu Hồng Vân còn góp một điểm sáng là ra mắt vở kịch sử Tình sử Thăng Long khá hoành tráng tại Nhà hát Bến Thành. Câu chuyện tình giữa Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân được đặt vào bối cảnh rối ren của Bắc Hà khi Nguyễn Huệ chưa thu phục được lòng dân, dù đã lấy danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh.

Kịch bản đã diễn đạt dần dần những vất vả và chân thành của Nguyễn Huệ để vừa thu phục được Bắc Hà lẫn chinh phục được trái tim người vợ. Hôn nhân chính trị chuyển sang tình cảm thật sự, Ngọc Hân trở thành người bạn tri kỷ hỗ trợ cho chồng kết nối nhân tâm.

Sân khấu Hồng Vân quả là dũng cảm và tâm huyết khi ra mắt vở sử ngay dịp Tết, vì không phải dễ bán vé.

Một mùa kịch Tết tưng bừng kỳ lạ - Ảnh 5.

Vở kịch lịch sử“Tình sử Thăng Long” (sân khấu Hồng Vân). Ảnh: H.K

Sân khấu Thế Giới Trẻ có Mỹ vị nam vương Ở đây ai tỉnh, đều là kịch tâm lý, thể hiện tình phụ tử. Ban đầu diễn theo phong cách hài nhẹ nhàng, nhưng cuối vở mới lộ ra chất bùi ngùi, cảm động

Kịch kinh dị, hình sựthì có Ai kế tiếp (sân khấu Hồng Vân), Trò chơi ma quái (sân khấu Quốc Thảo).

Kịch cổ trang có Hậu cung ngoại truyện (sân khấu Hồng Vân), Truy lùng thái tử (sân khấu Trương Hùng Minh), đều có trang phục lộng lẫy, câu chuyện vui vui.

Đặc biệt, kịch thiếu nhi đã có sự phát triển tốt hơn từ phát pháo đầu tiên của sân khấu 5B vào năm ngoái, dựng vở Đại náo long cung bán vé luôn từ Hè tới Tết, khán giả nhí đông kín rạp, nên Tết này bà bầu Mỹ Uyên dựng tiếp vở Thế giới đồ chơi,khán giả cũng rất xôm tụ.

Đạo diễn trẻ Bảo Chu thuê mặt bằng C30 (quận 10) để làm sân khấu Ban Mai và dựng vở Rago-Hành trình đầu tiên cũng thu hút nhiều khán giả.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu (Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM): "Sân khấu có nhiều đơn vị mới, có nhiều vở diễn mới là tín hiệu đáng mừng. Tính ra có hơn 30 vở mới, gần gấp đôi năm ngoái. Những vở cũ cũng được xếp lịch lại, cho nên lịch diễn Tết nơi nào cũng xôm tụ. Cứ mong diễn viên có nhiều đất sáng tạo, nhất là dịp Tết,sân khấu sống được nhờ doanh thu khá hơn các mùa khác".

Ông Giàu nói thêm: "Chất lượng thì mùa Tết không yêu cầu quá cao, vì những vở nặng ký thường để dành sau Tết mới dựng. Nhưng cũng có kịch sử, kịch tâm lý, bi kịch, coi như các ông bà bầu đã cố gắng rất nhiều rồi. Sân khấu xã hội hóa phải tự bươn chải, mà năm nay thực đơn phong phú như thế cũng đáng động viên".

"Tính ra có hơn 30 vở mới, gần gấp đôi năm ngoái. Những vở cũ cũng được xếp lịch lại, cho nên lịch diễn Tết nơi nào cũng xôm tụ" - NSND Trần Ngọc Giàu.

Hoàng Kim

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link