05/11/2013 09:37 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi ông bố Silvio thường chỉ “ngắm bắn” các HLV, gọi họ khi thì là “thợ may tồi làm hỏng miếng vải đẹp”, khi thì “gã kém cỏi”, hoặc cùng lắm là can thiệp vào việc sắp xếp đội hình chính thức của họ, thì cô con gái Barbara, 28 tuổi, còn làm hơn thế.
Cô gián tiếp chỉ trích Galliani, cánh tay phải của bố ở đội bóng, và kêu gọi một sự thay đổi ở triết lí của đội bóng từ cấp điều hành. Điều gì đang xảy ra ở Milan, một cuộc đảo chính?
Adriano Galliani đang bị Barbara Berlusconi gián tiếp chỉ trích
Khi một đội bóng đang rơi xuống đáy sâu của thất bại, điều tối kị là chính là việc xảy ra một cuộc chiến trong nội bộ ban lãnh đạo của họ, dẫn đến một hậu quả nặng nề: Đội bóng rơi xuống sâu hơn nữa, mất phương hướng và mất nốt niềm tin từ người hâm mộ. Trong lịch sử 27 năm của triều đại Berlusconi ở Milan, đã bao lần Milan rơi vào tình trạng ấy? Vài lần, nhưng có 2 lần nặng nhất, vào năm 1996, khi Berlusconi sa thải Sacchi trong nhiệm kì hai của ông, và mùa bóng 1997/98, khi những mâu thuẫn giữa ông và Capello lên đến đỉnh điểm, kết thúc bằng việc Milan kết thúc giải ấy ở vị trí giữa bảng và Capello thề không bao giờ trở lại San Siro nữa.
Cuộc khủng hoảng hiện tại của Milan, với sự khởi đầu tệ nhất kể từ mùa 1981/82, mùa mà Milan phải tụt xuống hạng B, dường như đang mở ra một cuộc chiến mới giữa Galliani, cánh tay phải của Berlusconi ở Milan, và Lady B, tức Barbara, con gái ngài chủ tịch.
Trong thời điểm cha mình đang hết sức bận rộn nhằm tự cứu vãn sự nghiệp chính trị đang chìm xuồng của mình và do đó, không còn tâm sức cho đội bóng nữa, việc Barbara lên tiếng đòi phải “thay đổi hệ thống điều hành” của đội, đòi xem lại chính sách chuyển nhượng mà Milan đã thực hiện có thể được coi như một lời tuyên chiến của cô đối với Galliani, người đã thay Berlusconi điều hành Milan trong suốt 27 năm qua. Liệu cô nói những điều ấy là do quyền lực của con gái ông chủ thúc đẩy cô làm thế, hay Berlusconi đứng đằng sau những chỉ trích của con gái vào Galliani?
Và một cuộc thay đổi ở thượng tầng của Milan có diễn ra ngay lúc này, khi Galliani và người mà ông luôn ủng hộ, Allegri, cùng bị sa thải, để những người trẻ hơn, xứng đáng hơn, thuộc thế hệ Milan, như Maldini và Seedorf xuất hiện? Đằng sau tuyên bố: “Tôi không đòi hỏi phải thay đổi người điều hành Milan. Tôi chỉ nói với cha tôi là phải thay đổi triết lí ban lãnh đạo” của Barbara Berlusconi là gì?
Trên thực tế, những gì Barbara nói giống như những lời cảnh tỉnh vào thực tế của đội bóng. Đấy là một cuộc chiến mang tính triết lí, triết học (môn mà cô tốt nghiệp với điểm ưu) hơn là một cuộc chiến quyền lực. Barbara, một thành viên trong ban lãnh đạo Milan, có lẽ không cần chiếc ghế của Galliani mà đã lên tiếng như một bà chủ thực sự: nếu mọi chuyện ở Milan không thay đổi, sẽ có người khác ngồi lên ghế của “ông trọc”.
Barbara không đòi cái đầu của Galliani, nhưng thể hiện quyền lực của mình bằng cách nói lên sự mất niềm tin vào ông. Thông điệp rất rõ ràng: Kể từ khi công ti mẹ Fininvest cắt giảm chi tiêu cho Milan và Berlusconi vướng vào những vụ kiện tài chính lớn, Milan không còn khả năng mua sắm như trước nữa. Vấn đề là với số tiền ít ỏi trong ngân sách mỗi mùa bóng, cần phải biết chi tiêu hợp lí. Có lẽ với Barbara, Galliani, chuyên gia chuyển nhượng của Milan, đã không còn đủ minh mẫn ở tuổi gần 70 nữa.
Barbara Berlusconi là nhân vật quan trọng nhất ở Milan lúc này
Câu hỏi: Tại sao lại chi 11 triệu euro cho Matri trong khi không bổ sung hậu vệ và tiền vệ giỏi? Việc giữ chân Allegri, người đã không còn lưu luyến với Milan nữa, để đẩy xa Seedorf, học trò cưng của Berlusconi vào mùa hè qua, trên thực tế gây ra quá nhiều tranh cãi. Riêng câu chuyện Allegri-Seedorf đã ngốn mất của Milan một nửa mùa hè. Tại sao phải tốn quá nhiều thời gian cho việc đó? Tóm lại, vấn đề nằm ở ba điểm lớn: 1) Milan không có hệ thống quan sát và phát hiện tài năng trẻ, 2) Milan tiêu không phải là ít, nhưng không có hiệu quả, 3) Ban lãnh đạo đội, đứng đầu là giám đốc điều hành Galliani, không nghe chỉ đạo của ông chủ khi vẫn giữ lại Allegri. Kinh nghiệm của Galliani là điều đáng trọng, nhưng vấn đề là mô hình làm bóng đá của ông không còn hợp thời.
Allegri có phần trách nhiệm của mình. Nhưng sự thiếu cá tính của các cầu thủ cũng là một vấn đề. Nhưng trên thực tế, khi Barbara đã lên tiếng nói về vấn đề thượng tầng của Milan, những gì mà Allegri và các cầu thủ đã làm trở thành thứ yếu. Vấn đề điều hành trở thành quan trọng nhất. Nhưng đó là việc lâu dài. Trước mắt, không có gì đảm bảo là thay thế Allegri lúc này thì tình hình sẽ thay đổi. Trận đấu với Barca đã đến. Chủ nhật này là cuộc đối đầu với Chievo, một trận đấu quan trọng không kém, thậm chí hơn cả cuộc đọ sức với Barca, vì tính nguy cấp của tình hình ở Serie A.
Balotelli không có mặt trong trận đấu ấy vì bị treo giò, và những động thái mới nhất, khi Galliani chỉ trích Raiola, ông bầu của Balotelli, cho thấy cho thấy Milan có vấn đề với chính ngôi sao mà họ chờ đợi và đặt niềm tin nhất, khiến người ta đang nói đến khả năng chân sút này sẽ rời San Siro vào tháng 6/2014. Thật buồn khi thấy anh gục ngã và thể hiện mình như một đứa trẻ, trong khi ở Verona, ở tuổi 36, Toni vẫn thèm khát ghi bàn như một người mới 20 xuân xanh, ở Udinese, Di Natale cũng thế và tại Inter, Zanetti, 40 tuổi, chuẩn bị trở lại.
Berlusconi là chủ sở hữu Milan. Galliani là người điều hành đội bóng. Nhưng Barbara mới là nhân vật quan trọng nhất. Việc cô lên tiếng vào thời điểm hệ trọng này không chỉ khẳng định cô muốn ảnh hưởng của mình trong ban lãnh đạo Milan ngày một lớn, có thể can thiệp vào mọi chuyện mà còn hy vọng tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ, một cú sốc tinh thần nhằm đưa đội bóng thoát khỏi khủng hoảng. Đó là một canh bạc không đơn giản, và không ai biết, liệu cô và Milan có cùng thắng, hay chỉ có mình cô là được thể hiện quyền lực...
Trương Anh Ngọc
Phóng viên TTXVN tại Italia, từ Milan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất