13/10/2018 07:34 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Việc Vietnam Grand Prix trở thành một chặng trong lịch thi đấu Công thức 1 (F1) có lẽ chỉ là vấn đề thời gian khi công ty Liberty Media Corporation sở hữu F1 muốn giải quyết nhiều vấn đề bằng một hợp đồng mới ở một địa điểm mới.
Thông tin Việt Nam có thể nằm trong lịch thi đấu của F1 đã trở nên rõ ràng hơn trong cuộc gặp tại London hồi đầu năm nay của Hiệp hội những người sáng lập F1. Trước đó thì vào tháng 10/2017, trang Autosport đã đưa tin Việt Nam không chỉ nằm trong những địa điểm tiềm năng của F1 mà thực tế các cuộc đàm phán với chính quyền sở tại “sắp diễn ra”. Trước đó 6 tháng nữa, tờ Independent của Anh tiết lộ cựu giám đốc điều hành của F1 là Bernie Ecclestone đã bật đèn đỏ về khả năng tổ chức chặng Vietnam Grand Prix trước khi Chase Carey thay thế ông sau vụ Liberty thâu tóm F1.
Hi vọng sẽ có Vietnam Grand Prix
Theo Ecclestone cho biết, ông đã từ chối cơ hội gặp đại diện phía Việt Nam để bàn về việc đưa F1 đến đây, ngay cả khi Việt Nam sẵn sàng bỏ ra 391,2 triệu USD cho hợp đồng hơn 10 năm.
Ngược thời gian thì năm 2010, một đường đua dự kiến được xây dựng gần TP Hồ Chí Minh nhưng gặp nhiều trở ngại và một trong những lí do là vì Việt Nam chưa cho phép cá cược thể thao. Việc đặt cược thể thao chính thức mới được luật hóa khi Luật Thể dục thể thao sửa đổi đã được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV và thực tế đường đua đầu tiên của Việt Nam đã được mở vào năm 2016 để đón đầu cơ hội này.
Những tiêu chuẩn của đường đua này thấp hơn tiêu chuẩn của F1 được biết đến như là Grade 1 Homologation nhưng cũng trong năm 2016, việc xây dựng một đường đua tiêu chuẩn đã được cân nhắc. Theo được biết, một nhóm nhà đầu tư nước ngoài muốn xây dựng đường đua tại Hà Nội và đã tiến hành nghiên cứu dự án khả thi.
Mỉa mai là nếu Ecclestone nổi tiếng vì sẵn sàng đẩy phí tổ chức lên cao nhất và đưa các chặng đua đến những thành phố xa xôi như Baku của Azerbaijan hay Sochi của Nga nhưng lại từ chối Việt Nam thì giờ, Liberty rất muốn làm ngược lại.
Đương nhiên, việc tìm kiếm thị trường, người hâm mộ ở những thị trường mới đồng nghĩa F1 có thể phải hi sinh các chặng đua ở những thị trường truyền thống nếu phí tổ chức không bằng hoặc kém hơn.
Chẳng hạn như năm nay, F1 đã trở lại Pháp lần đầu tiên sau một thập kỉ khi đường đua Paul Ricard gần Marseille tổ chức chặng French Grand Prix. German Grand Prix cũng nằm trong lịch thi đấu một lần nữa sau năm 2017 gián đoạn. Cả hai hợp đồng này đều do Ecclestone đàm phán. Với Liberty, họ đang phải đối mặt với một thách thức nhằm bảo đảm tương lai của chặng British Grand Prix. Đây là chặng đua lâu đời nhất của F1 khi ra đời từ năm 1950 và từ năm 1987, British Grand Prix liên tục được tổ chức ở đường đua Silverstone trước lúc dừng lại vào năm 2019 tới sau khi chủ sở hữu phá vỡ hợp đồng sớm 7 năm.
Lí do dẫn đến quyết định này được cho là vì Liberty từ chối giảm phí tổ chức hằng năm là 28,1 triệu USD (Azerbaijan là 37,5 triệu USD/năm) và Bahrain là 63,2 triệu USD/năm) mặc dù giám đốc điều hành của Liberty là Greg Maffei đã bảo đảm Silverstone sẽ tiếp tục nằm trong lịch thi đấu. Thế nên, dù BBC tiết lộ Maffei khẳng định rằng, Liberty có động lực khác với Ecclestone, những bình luận của ông khiến tất cả tự hỏi là tại sao F1 lại muốn tổ chức một chặng đua ở Việt Nam, địa điểm mà Ecclestone đã từ chối vì chẳng có gì liên quan nhiều đến đua xe.
Thực tế thì Việt Nam không phải là thị trường lớn cho bất cứ đội đua nào trong 10 đội đua của F1 (hãng xe sở hữu đội đua). Trái lại, 7 trong số họ có trụ sở ở Anh và như thế thì về lí thuyết, F1 nên lo lắng cho sự tồn tại của British Grand Prix hơn là bổ sung một chặng mới ở Việt Nam.
Cái lí của Liberty
Thế nhưng, Liberty sẽ được rất nhiều nếu một chặng Grand Prix được tổ chức tại Việt Nam bởi chỉ tính riêng phí tổ chức có thể giúp F1 giải quyết nhiều vấn đề. Năm 2017, chi phí của F1 đã tăng vọt do Liberty xây dựng văn phòng mới tại London, nâng gấp đôi số nhân viên và đổi tên thương hiệu.
Mặc dù chi phí tăng, doanh thu lại không tăng tương xứng do Libery chưa kí hợp đồng tài trợ, bản quyền truyền hình hay chặng đua mới lớn nào. Điều này giải thích tại sao Maffei năm 2017 có nói rằng, “trong ngắn hạn, chúng tôi không thể mở rộng bởi chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm về dài hạn”.
Việc đưa Việt Nam vào lịch thi đấu sẽ giúp Liberty giảm bớt phần nào chi phí nhưng lộ trình cũng chưa có gì chắc chắn cả. Hợp đồng của F1 với cơ quan quản lý là Liên đoàn xe quốc tế (FIA) cho phép họ bổ sung thêm 4 chặng mới. Tuy nhiên, hợp đồng của F1 với các đội đua lại quy định cần có sự đồng thuận từ 3 đội Ferrari, McLaren và Red Bull Racing nếu như mùa giải có hơn 20 chặng.
Theo giám đốc cuộc đua F1 là Charlie Whiting được Autosport trích lời, F1 đã đạt được thỏa thuận về chặng Vietnam Grand Prix 2020 ở gần Hà Nội và sẽ công bố chính thức vào tháng 11 tới. Mặc dù vậy, việc thông báo mới chỉ là khởi đầu, kể từ khi Autosport đã cho biết, một phần đường đua trên phố sẽ được làm mới từ nay cho đến cuộc đua.
Autosport cho biết, đường đua nằm một phần trên phố và thông tin thêm là Whiting đã thị sát địa điểm nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 12km về phía tây trước chặng Japanese Grand Prix vào cuối tuần qua. Theo Whiting, kế hoạch xây dựng đường đua đang ở giai đoạn thiết kế và một phần đường đua sẽ được xây dựng để khi kết thúc sẽ trở thành những con phố bình thường trong thời gian F1 không tổ chức.
Vấn đề duy nhất của F1 là Hà Nội sẽ được sắp xếp như thế nào trong lịch thi đấu. Theo quản lí của đội đua Red Bull là Christian Horner cho biết ở Nhật Bản vừa qua thì 21 chặng hiện nay đã là “bão hòa”, dù Red Bull và McLaren ủng hộ kế hoạch mở rộng của Liberty, còn Ferrari phản đối.
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất