Man United: Từ ghế dự bị, Rooney gần như vô hại

18/10/2016 20:02 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Wayne Rooney chưa bao giờ được coi là một siêu dự bị của Man United cả. Thậm chí thống kê cho thấy “số 10” còn tỏ ra vô cùng kém cỏi mỗi khi vào sân từ băng ghế dự bị.

Theo thống kê của ESPN về số trận mà Rooney vào sân từ ghế dự bị thì cứ khoảng 220 phút là anh ghi được một bàn. Bạn đừng nghĩ tỷ lệ ấy là chấp nhận được, bởi với những cầu thủ vào sân từ ghế dự bị (thường là từ hiệp hai), để ghi được 1 bàn, anh ta phải thi đấu 6, thậm chí là 10 trận.

Vô hại từ ghế dự bị

Tháng Mười là một mốc thời gian đặc biệt với Wayne Rooney, không chỉ vì sinh nhật anh (24/10), mà còn là thời điểm kỷ niệm không ít pha lập công đáng nhớ trong số 263 bàn thắng mà anh ghi được trong sự nghiệp của mình.

Ngày mai, Rooney sẽ kỷ niệm cột mốc 14 năm kể từ khi anh tung cú sút tuyệt hảo chấm dứt chuỗi 30 trận bất bại của Arsenal, và khiến HLV Wenger phải thốt lên: “Cậu ta mới 16 thôi ư?”. Ở Goodison Park hôm ấy, Wenger mới 52 tuổi, trong khi Marcus Rashford chưa đầy 5 tuổi. Đó cũng là bàn đầu tiên của Rooney tại Premier League. Đặc biệt, trong năm 2002 ấy, cả 5 bàn thắng mà Rooney ghi được đều được ghi khi anh vào sân từ băng ghế dự bị.

Mùa giải 2002-03, Rooney vào sân từ băng ghế dự bị tận 20 lần, nhưng kể từ đó đến nay, không có mùa giải nào anh vào sân từ ghế dự bị đến 10 lần cả. Thực tế này cũng không có gì ngạc nhiên bởi sau mùa giải ra mắt ấn tượng ấy, Rooney đã chiếm vị trí chính thức, dù ở Everton hay Man United. Nhưng còn một lý do khác mà các HLV từng dẫn dắt Rooney đều hiểu: Anh rất ít khi ghi bàn khi vào sân từ băng ghế dự bị.

Trong hai mùa giải ở Everton, Rooney đã ghi 7 bàn trong số 29 lần vào sân từ ghế dự bị. Cụ thể hơn, anh đã thi đấu 1.351 phút trong số những trận ấy, tức là cứ 193 phút thì Rooney ghi được một bàn. Trong 13 mùa giải sau đó trong màu áo Man United, Rooney thi đấu 50 trận từ ghế dự bị, nhưng chỉ với thời gian là 1.318 phút, và chỉ ghi được vỏn vẹn 6 bàn, trung bình 220 phút/bàn.

Tính đến trước trận gặp Liverpool, Rooney đá 31 trận từ ghế dự bị trong màu áo Man United tại khuôn khổ Premier League, mà chỉ ghi được 2 bàn. Cả hai bàn thắng ấy đều ở mùa giải 2008-09, khi Man United gặp Fulham (thắng 2-0) và Bolton (3-0). Đó cũng là mùa giải mà Rooney vào sân từ ghế dự bị nhiều nhất – 9 lần, với khoảng thời gian thi đấu là 230 phút, bên cạnh 38 trận đá chính.

Với một cầu thủ khởi đầu sự nghiệp ở giải đấu đòi hỏi thể lực nhất thế giới và luôn chơi quá nhiệt, việc Rooney xuống sức khi tới tuổi băm cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng trong ba mùa giải gần nhất, thay vì được phép nghỉ ngơi nhiều hơn, Rooney lại được David Moyes và Louis van Gaal để cày ải quá nhiều với hy vọng sẽ kéo cả đội đi lên.

Trong mùa giải duy nhất dẫn dắt Man United, Moyes chỉ để Rooney dự bị ba lần và để anh đá chính đến 37 lần. Anh đền đáp lại bằng 19 bàn thắng. Ở mùa giải kế tiếp, Van Gaal thậm chí còn không để Rooney dự bị lần nào mà đá chính cả 37 lần (ghi 14 bàn). Trong mùa cuối cùng của Van Gaal, Rooney đá chính 38 lần, và vào sân từ ghế dự bị 3 lần.

Chưa bao giờ là siêu dự bị

Trong một cuốn sách của mình, Sir Alex từng nói về việc Rooney mất phong độ, rằng anh luôn cần phải được thi đấu. “Nếu cậu ấy lỡ vài trận trong màu áo Man United. Cậu ấy cần đá 4 đến 5 trận để lấy lại phong độ”, ông viết. Đặc điểm ấy vẫn tồn tại, ở quy mô nhỏ hơn, khi Rooney vào sân từ ghế dự bị, lúc mọi người trên sân đã bắt nhịp với tốc độ của trận đấu, còn anh thì chưa. Tại Everton, những bước chạy mạnh mẽ của Rooney là nỗi ám ảnh với những hậu vệ mệt mỏi. Nhưng đó là phiên bản của quá khứ. Rooney vài năm gần đây không thể nào tái hiện những bước chạy như thế nữa.

Việc sử dụng các siêu dự bị từ ghế dự bị là chiến lược quan trọng của các HLV. Nhưng Rooney chưa bao giờ có vai trò như thế, mà đơn giản anh đã bị tụt xuống dưới trong thứ tự ưu tiên trên hàng công Man United, giống như ở tuyển Anh vậy. Và nếu có vào sân, thì anh cũng không có cửa đá ở hàng tấn công mà bị kéo xuống tuyến giữa. Nhưng ở vị trí này, Rooney cũng không được đánh giá cao.

Trong hai mùa giải cuối cùng trước khi giải nghệ lần đầu tiên, Paul Scholes đã sa sút nhưng vẫn có thể điều tiết nhịp độ trận đấu và tạo động lực cho các đồng đội ở một số thời điểm nhất định, còn Rooney thì không. Anh giống Steven Gerrard ở đoạn cuối sự nghiệp hơn, khi đôi chân không còn nghe chỉ đạo của cái đầu.

Bởi thế, việc Rooney dự bị là vấn đề, chứ không phải là giải pháp!

Man United từng có nhiều siêu dự bị

Bóng đá thế giới, thật ra, vẫn có khái niệm “siêu dự bị” - những cầu thủ đá hay khi vào sân từ ghế dự bị hơn là chính thức. Khái niệm ấy được biết đến từ năm 1977 khi David Fairclough tỏa sáng từ ghế dự bị ở trận gặp St Etienne tại Cúp C1. Năm 1980, David Fairclough lập hat-trick trước Norwich, và phần thưởng của ông là… vào sân từ ghế dự bị ở trận đại chiến với Nottingham Forest 3 ngày sau. Tính ra, Fairclough đã ghi 18 bàn trong 61 lần vào sân từ ghế dự bị cho Liverpool.

Minh chứng gần gũi nhất cho khái niệm siêu dự bị chính là Ole Gunnar Solskjaer, người đã ghi bàn thắng lịch sử giúp Man United giành Champions League 1998-99. Cả Solskjaer và Fairclough đều là những mẫu số 9 điển hình, chỉ loanh quanh ở khu cấm địa và chớp thời cơ cực nhanh. Teddy Sheringham và cả Chicharito cũng vậy.


Tuấn Cương (Theo Independent)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link