(Thethaovanhoa.vn) -
Chưa đầy 24 giờ sau khi Jose Mourinho tuyên bố Chelsea không có cầu thủ ăn vạ, Ramires làm bẽ mặt ông thầy bằng cách lao vào vòng cấm Derby County ở trận vòng 3 FA Cup rồi… lăn ra ngã, dù không hề có tác động.Ăn vạ đã trở thành “mốt” ở Premier League mùa này. Trước Ramires, vòng 20 Premier League chứng kiến 2 cú ngã gây cười. Danny Welbeck làm David Moyes thêm xấu mặt ở trận thua Tottenham Hotspur bằng cú ngã thô thiển. Oscar đá xuất sắc và giúp Chelsea thắng Southampton, nhưng khiến CĐV Chelsea cười ra nước mắt, khi lăn ra ngã dù thủ môn Davis không hề chạm vào anh. Mourinho, người trước đó chê trách cú ngã của Luis Suarez trong vòng cấm Chelsea vòng 19 Premier League là “như của VĐV nhảy cầu”, chữa thẹn bằng cách bảo “Oscar chỉ mắc sai lầm nhỏ”, và “Chelsea không có kịch sĩ”. Như đã nói, vài ngày sau, học trò Ramires của ông cũng… “nhảy cầu”.
Ăn vạ khắp nơi
Oscar của Chelsea rất giỏi “đóng kịch”
Trước Chelsea, CĐV Manchester United giật mình khi thần đồng Adnan Januzaj giở thói gian dối ở một tình huống không đáng. Anh ngã vờ trước West Ham, trong pha bóng vô bổ diễn ra ở… giữa sân. Giống Mourinho, David Moyes lên tiếng chỉ trích Januzaj và đảm bảo rằng ông không bao giờ thỏa hiệp với thói ăn vạ. Cũng đúng. Với “thợ lặn” Ashley Young, Man United hiện đã đủ “kịch” lắm rồi. Họ chỉ đứng thứ 7 Premier League, và ông Moyes đang đối diện nguy cơ bị sa thải, nhưng lại đang đứng đầu bảng xếp hạng… thẻ vàng phải nhận từ ăn vạ mùa này (4). Có thua, cũng phải thua cho đẹp!
Một thống kê đáng giật mình là càng đá bóng giỏi, càng ăn vạ nhiều. Từ năm 2008, 5 đội dẫn đầu bảng xếp hạng thẻ vàng nhận từ hành vi ăn vạ là những đội mạnh nhất Premier League: Tottenham, Chelsea, Man United, Arsenal và Liverpool. Tổng số thẻ vàng họ nhận chiếm gần 74% % của giải đấu.
Chỉ Manchester City có vẻ không thích “nhảy cầu” cho lắm, khi nhận có 4 thẻ vàng từ ăn vạ suốt 5 năm. Arsenal có Cazorla. Tottenham có Gareth Bale (Vua ăn vạ từ năm 2008-2013, với 11 thẻ vàng). Liverpool có Luis Suarez, Sturridge. Man United có Ashley Young. Và Chelsea “không có cầu thủ ăn vạ” có Oscar, Ramires, rồi Fernando Torres.
Cầu thủ Anh cũng giỏi ăn vạ
Năm ngoái, HLV Alex Ferguson của Manchester United khẳng định cầu thủ nước ngoài ăn vạ nhiều hơn cầu thủ Anh. Học trò cũ của Sir Alex, tiền đạo Michael Owen, đồng tình với ông thầy: “Tình trạng ăn vạ tệ hơn 10 năm trước, và thói xấu này lây lan từ các cầu thủ Nam Mỹ, Tây Ban Nha và Italy. Sự thật rành rành ra đấy. Nhiều tiền đạo chỉ cố làm sao ngã cho đẹp, để ghi bàn từ phạt đền, hơn là thực sự nỗ lực và trung thực”.
Tháng 11/2012, một nghiên cứu của nhóm sinh viên trường đại học Havard (bang Massachusetts, Mỹ) ủng hộ quan điểm của Sir Alex và Owen. Từ các thống kê của Opta, nhóm sinh viên này tính được rằng, tại Premier League, một cầu thủ từ Nam Mỹ, Italy và Tây Ban Nha, sẽ bị phạm lỗi nhiều hơn khoảng 28% so với cầu thủ từ nơi khác. Một thống kê đáng chú ý khác: Nếu một đội có từ 3 tiền đạo/tiền vệ Ý, Nam Mỹ và TBN trở lên (như Manchester City có Balotelli, David Silva, Aguero, Tevez chẳng hạn) đá đủ 90 phút trong 38 vòng, thì bị phạm lỗi nhiều hơn 40 lần so với Stoke City, đội không có tiền đạo/tiền vệ nào mang 3 quốc tịch đó. Vì họ giỏi hơn, họ khéo hơn, nên họ bị phạm lỗi nhiều hơn cầu thủ Anh, và ăn vạ là để tự vệ.
Januzaj đã bị phạt 3 thẻ vàng vì lỗi ăn vạ ở mùa nàyNhưng cũng có những ý kiến phản bác. Không bằng thống kê, mà dựa trên kinh nghiệm và cảm quan, cựu tiền vệ Steve McManaman nói rằng ăn vạ hiện giờ phổ biến hơn những năm 1990 vì tốc độ các cầu thủ tăng lên, tốc độ các trận đấu tăng lên, sức ép nhiều hơn, và ăn vạ bị phanh phui dễ hơn nhờ truyền hình.
Ông Peter Walter, trọng tài Premier League từ năm 2003 đến 2012 đồng ý với phân tích trên. “10 hoặc 15 năm trước, cầu thủ sẽ không ngã sau một tác động nhỏ”, ông nói. “Tình hình tệ hơn khi các trận đấu nhanh hơn, và sự va đập trong trận đấu cao hơn, nên cầu thủ phải di chuyển đến các khu vực mới. Đương nhiên, như vậy thì các tình huống diễn ra ở vòng cấm sẽ phức tạp hơn”.
Theo Mc Manaman, sẽ thật ngu ngốc nếu cho rằng chỉ cầu thủ nước ngoài mới ăn vạ. Ban đầu, các cầu thủ nước ngoài sẽ bị cầu thủ Anh nhắc nhở trong phòng thay đồ sau một pha ăn vạ. Nhưng sau đó, “hãy nhìn Michael Owen ở World Cup 2002, rồi Ashley Young, Danny Welbeck, mùa này để hiểu rằng cầu thủ Anh đã ăn vạ từ lâu rồi”, anh nói. “Thậm chí khi Glenn Hoddle là HLV tuyển Anh, ông còn dặn cầu thủ của mình hãy cứ ngã nếu cảm thấy có thể kiếm phạt đền, vì ai mà chẳng làm như thế!”.
Lập luận của Mc Manaman có vẻ thuyết phục và dễ đồng cảm hơn những thống kê khô khan của nhóm sinh viên trường Havard. Cứ nhìn Bale, Young, Welbeck… ngã khéo chẳng kém Suarez, Ramires, Oscar, Cazorla… là đủ hiểu cầu thủ Anh cũng chẳng quá “ngố” như người ta tưởng.
Hay như cựu trọng tài Peter Walter khẳng định: “Báo chí luôn đổ lỗi cho trọng tài vì họ không có quyền phản bác, nhưng phản hồi đáng ra phải tập trung vào cầu thủ và HLV, những người chỉ dạy cầu thủ. Tôi từng đá bóng, và tôi phải công nhận là lúc nào tôi cũng tìm cách lừa trọng tài”.
7 cách phạt cầu thủ ăn vạ
Ngoài việc phạt thẻ vàng với hành vi ăn vạ, FIFA có thể tham khảo các cách sau đây để chống lại hành vi ăn vạ.
1. Đuổi ra sân 10 phút. Giống như môn Futsal, một cầu thủ ăn vạ bị phát hiện nên bị đuổi khỏi sân 10 phút. Khi thẻ vàng đôi khi quá nhẹ, và 1 thẻ đỏ thì quá nặng, thì đây là cách làm đúng? 2. Bắt buộc rời sân. Không phải đuổi khỏi sân như thẻ đỏ, mà là bị thay ra khỏi sân sau khi hành vi ăn vạ bị phát hiện. 3. Thẻ đỏ trực tiếp. Nặng hơn một mức nữa là rút thẻ đỏ trực tiếp. Cầu thủ ăn vạ sẽ bị đuổi ngay, và bị treo giò 2 trận sau.
4. Treo giò 2 trận ở tuyển quốc gia. Thay vì treo giò ở cấp độ CLB, cầu thủ nên bị treo giò 2 trận ở cấp đội đổi tuyển quốc gia. Một hình phạt rất nặng.
5. Phạt tiền. Nếu một pha ăn vạ không bị phát hiện, BTC có thể phạt nguội bằng cách trừ 15% lương. “Đánh vào kinh tế” luôn là cách trừng phạt nghiêm khắc.
6. Mặc áo “Tôi là kẻ ăn vạ”. Không gì nặng bằng cách sỉ nhục công khai. Một cầu thủ ăn vạ sẽ cảm thấy thế nào nếu trận tiếp theo, phải mặc áo có dòng chữ “Tôi là kẻ ăn vạ” sau lưng?
7. Bắt đi học. Nếu một cầu thủ ăn vạ, thì phải dạy dỗ họ. Hãy bắt cầu thủ ăn vạ đi học lại “đạo đức nghề nghiệp”. Theo Bleacher Report |
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần