M.U vs. Man City: Mặt đối mặt

22/10/2011 14:15 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH Online) - Man City đã giàu hơn, đã mạnh hơn nhưng M.U mới là đội bóng có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Vậy sức mạnh của thành Manchester sẽ nằm ở đội bóng nào?

Số phận buộc hai đội bóng thành Manchester có những ông chủ đối lập nhau. M.U là CLB khổng lồ mà các ông chủ của họ chỉ chủ yếu lợi dụng để đầu tư sinh lời. Trong khi ấy, các ông chủ của Man City lại đang bỏ những khoản tiền khổng lồ để xây dựng đội bóng.

Gia đình nhà Glazers đã mua M.U từ năm 2005 với số tiền 525 triệu bảng và phần lớn số tiền này được vay mượn từ các ngân hàng. Từ thời điểm đó, họ đã biến M.U thành một cỗ máy kiếm tiền để trả những khoản nợ. Nhà Glazers không bỏ ra bất cứ khoản tiền nào để đầu tư mà thay vào đó, họ còn lấy 473 triệu bảng thu được từ đội bóng để trả cho các ngân hàng (bao gồm thuế, vốn và tiền lãi). Ý thức được điều này, các fan của M.U đã liên tục có những động thái chống lại các ông chủ của đội bóng. Tuy vậy, với những thành công mà HLV Alex Ferguson và giám đốc điều hành David Gill đang làm được, M.U dưới thời của những ông chủ người Mỹ vẫn được đánh giá là giai đoạn thành công nhất khi có 4 chức vô địch Premier League, 1 Champions League và 2 lần giành ngôi Á quân ở giải đấu danh giá nhất châu Âu.


Man City vẫn còn thua kém về mọi mặt so với M.U - Ảnh Getty

Đối lập với M.U, Man City chỉ thực sự mạnh lên sau khi ông chủ Sheikh Mansour mua CLB từ thang 9/2008 với bản hợp đồng bom tấn đầu tiên mang tên Robinho. Ông chủ người Ảrập cũng tuyên bố sẽ có một chính sách đầu tư dài hạn để đưa Man City trở thành một đội bóng hàng đầu của Premier League và Châu Âu. Ông Sheikh Mansour đã giữ lời cam kết của mình. Sau 3 năm, họ lọt vào top 3 Premier League và giành vé dự Champions League. Đổi lại, các fan của Man City đã gửi tới ông những sự biết ơn chân thành với những tấm banner: "Manchester cảm ơn ông, Sheikh Mansour".

Huấn luyện viên

Tài sản lớn nhất của M.U, điều mà gia đình nhà Glazer nhận ra, chính là HLV Alex Ferguson, người đã giúp M.U có được tổng cộng 27 danh hiệu chính từ suốt năm 1986, thời điểm ông bắt đầu dẫn dắt M.U. Sir Alex, người đã từng tuyên bố nghỉ hưu hồi năm 2002, sẽ bước sang tuổi 70 vào tháng 12 này và không sớm thì muộn, ông sẽ phải nghỉ hưu và M.U sẽ phải đối mặt với một thách thức mới. Giám đốc David Gill đã nói để tìm một người thay thế Sir Alex là quá khó bởi nhà cầm quân người Scotland quá hiểu M.U và không có nhiều nhà cầm quân có đủ khả năng để giúp đội bóng của mình thành công cùng một lúc ở nhiều đấu trường lớn. Thế nên, dẫn dắt M.U luôn là một thách thức thực sự.

Ở Man City, thật khó để tưởng tượng Roberto Mancini sẽ có thể trụ lại đội bóng tới 25 năm như Sir Matt Busby và HLV Ferguson đã làm ở M.U. Tuy nhiên, nhà cầm quân người Italia đã ở lại với đội bóng lâu hơn những dự đoán ban đầu. Đổi lại, ông giúp Man City có FA Cup, giành vị trí thứ 3 ở Premier League và một suất dự Champions League. Nhờ những thành tích ấy, vị trí của Mancini ở Etihad trở nên ổn định hơn. Ông chủ Mansour cũng ủng hộ Mancini trong mọi lĩnh vực huấn huyện từ việc không đặt nặng áp lực, trao cho ông toàn quyền ở phòng thay đồ (vụ Tevez là điểm hình) và xây dựng cho đội bóng trung tâm huấn luyện mới.

Tài chính

Đây là một điều hoàn toàn đối lập. M.U là CLB giàu nhất Premier League với thu nhập kỉ lục trong mùa bóng 2010-11 lên tới 331 triệu bảng, đây là con số thu được từ những doanh thu ở mỗi trận đấu cũng như tiền bản quyền phát sóng. Tuy vậy, sức mạnh tài chính của họ lại bị quản chế bởi các ông chủ và bị giảm xuống số lượng thực tế là 308 triệu bảng, do phải mất tới 51,7 triệu bảng tiền lãi trong năm vừa qua.

Mùa 2009-10, doanh thu của Man City là 125 triệu bảng, ít hơn một nửa doanh thu của M.U trong năm đó. Trong những nỗ lực hoàn thiện đội hình, việc mua những ngôi sao lớn đã khiến Man City lỗ nặng, ước tính 121 triệu bảng trong nằm vừa qua, con số này được đưa ra bởi chính ông Mansour. Những số liệu thống kê của mùa 2010-11 (dự kiến đưa ra trong tháng này) cũng sẽ là một khoản lỗ được cho là còn lớn hơn nhất trong lịch sử. Việc Man City tiêu tiền một cách thoải mái trên thị trường chuyển nhượng khiến họ phải đối mặt với luật công bằng tài chính của UEFA. Do đó, họ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tăng doanh thu cũng như giảm các khoản lỗ để cân bằng được tài chính.

Bộ máy lãnh đạo

Các chuyên gia bóng đá nói rằng sau khi chấp nhận bỏ một khoản tiền lớn để mua M.U và biến đội bóng này thành cỗ máy trả các khoản nợ mà họ đã vay, cách tốt nhất là các ông chủ nhà Glazers nên bị buộc phải rời sân Old Trafford. Với HLV Alex Ferguson, người luôn nhận được sự hỗ trợ của David Gill, các ông chủ của M.U biết rằng họ không thể hàn gắn được những thiệt hại đã gây ra cho M.U.

Các hoạt động điều hành tài chính, tìm kiếm tài trợ trên khắp thế giới được tiến hành ở văn phòng tại London, với người đứng đầu là giám đốc nhân sự Edward Woodward và giám đốc tài chính Richard Arnold. Trong khi đó, 5 thành viên của gia đình nhà Glazers lại làm việc ở Mỹ, nơi họ còn có một công ty mẹ khác.

Ở Man City, bộ máy lãnh đạo và bộ máy điều hành đã được thay đổi sau khi Mansour đến. Ban lãnh đạo hoạt động như một hội đồng quản trị với chủ tịch là ông  Khaldoon al-Mubarak và trợ lý Simmon Pearce - chuyên gia tư vấn cho chiến lược của Hoàng gia Abu Dhabi và Martin Edelman, một luật sư người New York.

Man City cũng trọng dụng giám đốc điều hành Garry Cook, người từng làm việc trước khi Mansour đến nhưng từ khi ông này từ chức, họ vẫn đang tìm kiếm một người có khả năng điều hành các dự án của Abu Dhabi để giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức, tài chính cũng như chính trị mà Man City phải đối mặt. Họ đang tìm kiếm một giám đốc điều hành tốt có kinh nghiệm ở bóng đá Anh. Hiện hai ứng viên lớn cho vị trí này là Peter Kenyon và Rick Parry. Quyết định bổ nhiệm vị trí giám đốc điều hành sẽ có một vai trò quyết định cho tương lai của đội bóng.

Trang thiết bị tập luyện

Hồi tháng 9, Man City đã tiết lộ về kế hoạch xây dựng trung tâm huấn luyện có diện tích 80 hecta với kinh phí đầu tư hơn 100 triệu bảng và sẽ là một trung tâm huấn luyện bậc nhất của nước Anh. Dự án này cho thấy tham vọng của Man City cũng như là một động thái cho thấy đội bóng của ông chủ Mansour đang nỗ lực để cân bằng tài chính nhằm đối phó với luật công bằng tài chính của UEFA bằng việc nuôi dưỡng và đào tạo cầu thủ trẻ thay vì bỏ tiền ra mua những ngôi sao lớn.

Dự án này được đưa ra sau khi các giám đốc của Man City đã đi khắp châu Âu và nước Mỹ để thăm dò các trung tâm huyến luyện từ những CLB hàng đầu như LA Lakers, New York Giants và Barcelona. Trong dự án này, sẽ có một khu tập có mặt sân phù hợp với sức chứa khoảng 7.000 chỗ ngồi cho các đội trẻ tập luyện và thi đấu. Hôm 19/10, sau khi có mặt ở Etihad để xem trận đấu giữa Man City và Villarreal ở lượt trận thứ 3 vòng bảng Champions League, ông Andrea Traverso, người chịu trách nhiệm về việc cấp giấy phép cũng như các quy tắc của luật công bằng tài chính đã được xem qua bản kế hoạch này.

M.U đã theo dõi những dự án sẽ được xây dựng ở phía tây Manchester, nơi được bị coi là khu ổ chuột của thành phố công nghiệp, mà Man City đang dự định khởi công và họ thực sự ngưỡng mộ trước nỗ lực phát triển và đầu tư của ông chủ Mansour đối với "người hàng xóm ồn ào". Tuy nhiên, M.U vẫn tin rằng trung tâm huấn luyện liên hợp Carrington của họ, nằm ở vùng Greater Manchester (gần khu huấn luyện hiện tại của Man City), vẫn đủ đẳng cấp để thu hút cũng như tạo điều kiện tập luyện cho những cầu thủ trẻ hay những ngôi sao trong đội một của đội bóng. Điều quan trọng là M.U không ngừng nâng cấp trung tâm huấn luyện này. Gần đây, họ đã bỏ ra tới 8 triệu bảng để xây dựng một trung tâm y tế mới cùng việc bổ sung thêm các trang thiết bị tập luyện khác. Có một điều chắc chắn, đội bóng sân Old Trafford không muốn thay đổi vị trí của trung tâm huấn luyện đang có.

Phạm vị ảnh hưởng trên toàn thế giới

M.U là đội bóng Premier League nổi tiếng nhất thế giới và họ càng nổi tiếng hơn bởi sự nổi tiếng của chính họ. Ngược lại, từ năm 1968, Man City không còn là một thế lực ở Premier League và họ không có được tầm ảnh hưởng lớn ở ngoài phạm vi nước Anh.

Các CLB Premier League gần đây đã biết cách để thu về những bước tăng trưởng nhảy vọt trong lĩnh vực thương mại. Gia đình nhà Glazers, tâp đoàn Fenway Sports Group của Mỹ đã mua hai đội bóng là M.U và Liverpool mà những trận đấu của họ được chiếu trực tiếp trên toàn thế giới qua TV và internet. Theo như những số liệu được thông báo từ công ty tư vấn Sport+Markt, M.U có tới 354 triệu fan, nhiều hơn cả Man City, Liverpool và Arsenal gộp lại

M.U khai thác thương hiệu của họ thông qua khả năng tìm kiếm tài trợ của đội ngũ nhân viên được đứng đầu bởi giám đốc nhân sự Edward Woodward và đã thu về doanh thu 103 triệu bảng trong năm ngoái. Đương nhiên Man City không thể so sánh được ở khía cạnh này. M.U có danh tiếng và thậm chí họ còn nhận được sự đồng cảm sau thảm họa Munich với chức vô địch Champions League năm 1968. Hơn thế nữa, họ mở rộng phạm vi ảnh hưởng bằng những thành công ở sân chơi Premier League, giải đấu được phát trực tiếp qua truyền hình vệ tinh cũng như internet.

Nếu Man City thu được những thành công ở Premier League cũng như Champions League, lượng fan của họ cũng sẽ lớn dần lên. Hiện họ đang có được một lợi thế với số fan đến từ  Trung Đông kể từ khi thuộc sự sở hữu của gia đình hoàng gia Abu Dhabi. Ở thị trường này, M.U mới chỉ kiếm được môt bản hợp đồng tài trợ với doanh thu bản quyền điện thoại trị giá 1 triệu bảng.

Sân vận động

Sân Old Trafford, với sức chứa 76.000 chỗ ngồi, đang là sân bóng lớn nhất ở Premier League, và có thể khiến mọi vị khách cảm thấy sợ hãi. Sân bóng này đã được cải thiện đáng kể sau khi được sử dụng ở World Cup 1966. Sân bóng của M.U được sự ưu đãi từ các điều kiện tự nhiên với vị trí đắc địa, không quá gần khu dân cư, điều này cho phép họ nâng cấp thêm hàng ghế ngồi ở mỗi tầng. Hơn thế, tất cả đã được xây dựng trước khi gia đình nhà Glazers tới.

Trong khi đó, Man City vẫn đang phải thuê sân bóng của thành phố Manchester sau Đại hội thể thao khối thịnh vương chung hồi năm 2002. Mới đây, các ông chủ của họ đã phải trả một khoản tiền lớn để có được hợp đồng thuê sân dài hạn cũng như đổi sân City of Manchester thành sân Etihad. Hiện sức chứa của sân bóng này chỉ là 31.000 chỗ ngồi và trong tương lai, nó sẽ được nâng cấp lên thành 45.000 chỗ ngồi. Với bản hợp đồng thuê sân 4 năm, Man City sẽ phải trả cho hội đồng thành phố khoản tiền thuê 4 triệu bảng/năm.

Cầu thủ

Tiền sẽ mang lại thành công bởi vì nó giúp đội bóng mua và trả lương cho những cầu thủ tốt nhất. Nhà Glazers hiểu rằng họ và M.U sẽ kiếm được tiền nếu đội bóng thành công. Chuyên gia phân tích kinh tế Andy Green của nhà Glazers đã chỉ ra rằng số tiền 473 triệu bảng mà nhà Glazers dùng để trả nợ lớn gấp 7,5 lần số tiền mà M.U đã bỏ ra để chiêu mộ cầu thủ tính từ năm 2005, thời điểm nhà Glazers sở hữu M.U. HLV Ferguson vẫn tiếp tục chính sách mua các cầu thủ trẻ, bao gồm những "món hời" như Chicharito và trong mùa giải năm nay, họ tìm cách gia hạn hợp đồng với các tài năng trẻ trưởng thành từ lò đào tạo của các CLB như Danny Welbeck và Tom Cleverley.

Ngược lại, Man City đã mua rất nhiều từ năm 2008, thời điểm Mansour sở hữu đội bóng. Bất chấp ý tưởng có một trung tâm huấn luyện bậc nhất thế giới, hiện chỉ có duy nhất Micah Richard là một cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của đội bóng. Man City nhấn mạnh rằng tham vọng của họ là hướng tới một đội bóng với mỗi vị trí đều có 2 cầu thủ đẳng cấp thế giới và họ tin là đã có được tham vọng ấy sau trường hợp của Tevez, cầu thủ từng là ngôi sao lớn nhất nhưng hiện đã bị loại khỏi đội hình vì vô kỉ luật. Tuy nhiên, trong khi mức lương của M.U trả cho các cầu thủ là 153 triệu bảng trong mùa 2010-11, chiếm 50% doanh thu thì ở Man City, số tiền lương trong mùa 2009-10 đã là 133 triệu bảng, cao hơn toàn bộ doanh thu của họ tới 8 triệu bảng. Điều đó cho thấy chính sách nhân sự của họ không bền vững và đang đi ngược lại với luật công bằng tài chính của UEFA.

Do đó, trước khi luật công bằng tài chính của UEFA áp dụng, trong mùa giải mà Man City đang là một thách thức lớn cho M.U ở cuộc đua tới ngôi vô địch, các ông chủ của Man City phải nỗ lực để giúp CLB bắt kịp tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới của M.U từ thành công của họ trong suốt 44 năm qua, từ 19 chức vô địch nước Anh cũng như cách khai thác triệt để thương hiệu mà đội bóng sân Old Trafford đang có.

Nhật Quang (theo Guardian)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link