04/05/2021 19:43 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Theo cây viết Ian Herbert, nhà Glazer có 100 ngày để chấm dứt 'địa ngục' do chính họ đã tạo ra tại Old Trafford, trước khi các CĐV một lần nữa thực hiện biểu tình tương tự hôm 2/5.
Hồi tháng 3/2010, AC Milan tới làm khách trên sân Old Trafford của MU trong trận đấu thuộc Champions League. Thời điểm đó, David Beckham đang thi đấu cho AC Milan theo dạng cho mượn. Biểu tượng một thời của MU đã có một trận khiến nhiều người hồi tưởng lại khoảng thời gian tươi đẹp đầu những năm 2000 của "Quỷ đỏ".
Kết thúc trận, Beckham trên đường rời khỏi sân Old Trafford đã đeo lên trên cổ chiếc khăn màu vàng-xanh. Đây là màu sắc khởi thủy của Man United. Đồng thời, màu sắc này cũng được những hội nhóm CĐV của MU phản đối nhà Glazer sử dụng để thể hiện quan điểm. Vì thế, việc Beckham khoác lên người chiếc khăn đó như ngầm thể hiện ý chống với nhà Glazer tại MU thời điểm đó.
Bức ảnh David Beckham đeo khăn vàng-xanh trước khi được đưa ra rộng rãi trên mạng xã hội, người phụ trách truyền thông Tes Nayani đã liên hệ với ông Joel Glazer. Theo đó, ông Nayani đánh giá đây là một hình ảnh có thể gây hại đến sức ảnh hưởng của nhà Glazer tại MU. Tuy nhiên, ông Joel không nghĩ hình ảnh của Beckham là một điều tiêu cực.
"Một số CĐV MU cảm thấy tức giận và cố gắng chống đối nhà Glazer. Tuy nhiên, thời điểm cuối trận năm đó, tôi thấy hàng triệu CĐV của CLB vui mừng khi đội bóng đi tiếp tại Champions League", ông Nayani nhớ lại.
Năm 2005, khi nhà Glazer chính thức tiếp quản MU và tới thăm CLB, họ đã không thể ra về yên ổn. Chiếc xe Volkswagen đã phải nhờ tới lực lượng cảnh sát mới có thể rời đi trong an toàn. Ngày hôm sau, nhà Glazer có buổi phỏng vấn truyền hình duy nhất cho tới nay trên kênh MUTV. Tuy nhiên, điều họ bận tâm không liên quan tới CĐV. "Cà vạt hay không cà vạt", Joel Glazer hỏi Nayani.
Những điều này phần nào đã thể hiện quan điểm của nhà Glazer trong cách vận hành MU. Đối với nhà Glazer, nhóm CĐV địa phương không có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ như CĐV toàn cầu, đặc biệt về những lợi ích thương mại. Những ông chủ Mỹ của MU tin rằng CĐV toàn cầu lấn át và sẽ "bóp nghẹt" sức ảnh hưởng của CĐV địa phương.
Nhà Glazer không keo kiệt trong việc phá két mua cầu thủ. Tuy nhiên, đối với họ, điều đó chỉ nhằm giúp trấn an các CĐV chứ không phải hướng tới mục tiêu danh hiệu. Nói cách khác, nhà Glazer nghĩ nhiều tới lợi nhuận tài chính, những giá trị thương mại MU mang lại chứ không tập trung về danh hiệu hay thành tích thể thao của CLB.
European Super League là ví dụ điển hình nhất. Giải đấu mang lại rất nhiều giá trị thương mại cho các đội bóng sáng lập. Giá trị đó lớn tới mức vỏ bọc Covid-19 cũng không thể che giấu nổi. Có thể nói, nỗi sợ tồi tệ nhất của người hâm mộ bóng đá đã có hình hài cụ thể.
Nếu coi vụ biểu tình tại Old Trafford hôm 2/5 là một cơ hội "tạm dừng" cho nhà Glazer thì cho tới nay, họ vẫn chưa nhận ra điều đó. Mối nguy hiểm đối với họ sẽ diễn ra căng thẳng hơn vào đầu mùa giải tới khi các CĐV được phép tới sân xem bóng. Kể nay tới đó, chính xác là 100 ngày.
Cuộc đột nhập vào sân Old Trafford có thể chỉ là sự bộc phát của một nhóm CĐV nhưng có thể sau đây, các hội nhóm CĐV "Quỷ đỏ" sẽ có những cuộc biểu tình phức tạp hơn, có sức ảnh hưởng hơn.
Năm 2016, để phản đối việc tăng giá vé của ông chủ, các CĐV từng bỏ về giữa trận đấu của Liverpool. Kể từ khi CĐV ra về, The Kop đã bị gỡ hòa 2-2 ở trận đấu năm đó.
Năm 2010, CĐV Liverpool cũng từng thực hiện một vụ "bom thư điện tử" với những đối tác làm việc với ông chủ cũ Tom Hicks và George Gillett. Hành động của CĐV The Kop khi đó đã ngăn cản hai ông chủ của CLB huy động được vốn.
Nhà Glazer định giá cổ phần tại MU của họ là 4 tỷ bảng nên chắc chắn không có chuyện họ rời đội bóng tầm cỡ quốc tế này với giá 1 hay 2 tỷ bảng. Những gì CĐV MU có thể đạt được vào thời gian tới có lẽ quyền "được nói và được lắng nghe". Như đã nói ở trên, nhà Glazer trước đây không quá quan tâm tới những phản ứng hay biểu tình chống đối họ. Nhà Glazer luôn tin rằng, tình yêu với MU sẽ buộc người hâm mộ phải chấp nhận mọi quyết sách mà họ đưa ra.
Năm 2012, nhà Glazer từng thực hiện cách huy động tiền mặt bằng cách thả nổi 10% giá trị cổ phần của MU trên sàn giao dịch chứng khoán New York. Vì vậy, CĐV MU có thể tin tưởng rằng nhà Glazer có thể tái cấu trúc lại cổ phần đội bóng. Dĩ nhiên, nhà Glazer sẽ không đồng ý với chính sách 50+1 giống như tại Bundesliga. Điều này sẽ ảnh hưởng tới những vấn đề về thương mại và tài chính của chính họ và CLB.
Ngoài ra, một hội đồng đại diện người hâm mộ có thể được lập ra. Tuy nhiên, các yếu tố liên quan đến thương mại nên được tách biệt hẳn ra. Đó là vì sự an toàn đối với những người thuộc hội đồng. Bởi chỉ cần một thông tin nhạy cảm gây bất lợi bị rò rỉ, những người đại diện có thể trở thành vật tế thần.
Trong cuốn hồi ký của mình có tựa đề The Glazer Gatekeeper, Tes Nayani tiết lộ rằng Joel Glazer rất buồn khi một bộ phim tài liệu của ITV đặt câu hỏi về lời tuyên bố Rochester Lancers của New York là đội bóng yêu thích thời thơ ấu của ông. Joel Glazer sau đó đã làm mọi cách để xóa bỏ chi tiết này nhưng không thành công.
Những người hâm mộ của MU lần này chắc chắn cũng sẽ cương quyết như ITV. Họ sẽ không im lặng và nhượng bộ nhà Glazer nữa.
Quý Dậu
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất