06/07/2012 14:38 GMT+7
“Tình trạng nợ nần của chúng tôi có thể ảnh hưởng một cách tiêu cực đến sức khỏe tài chính và khả năng cạnh tranh”, bản cáo bạch viết. “Tính tới ngày 31/3/2012, chúng tôi đã nợ tổng cộng 423,3 triệu bảng”. Dễ hiểu là một CLB bóng đá sẽ gặp nhiều khó khăn trên thị trường chuyển nhượng nếu ngồi trên đống nợ nần như thế. 7 năm sau khi tiếp quản đội bóng và đặt nó dưới sự sở hữu tư nhân của họ, gia đình Glazer rốt cuộc đã từ bỏ cuộc chiến kiểm soát nợ nần. Bằng cách nộp hồ sơ xin niêm yết ở thị trường chứng khoán New York, trên thực tế họ đã thừa nhận giờ chỉ có đại chúng mới trả nổi khoản nợ cho họ.
Rất nhiều lần trong vài tháng và vài năm trở lại đây chúng ta đã nghe Ferguson, HLV M.U, nói ông hài lòng với tình hình tài chính ở Old Trafford. Giám đốc điều hành David Gill cũng luôn khẳng định điều tương tự mỗi khi ông có dịp đăng đàn. Tuy nhiên, giờ đây thì bức màn mỏng tang đó đã rớt xuống để lộ một sự thật trần trụi: hoặc phải huy động được ít tiền, hoặc phải giương cờ trắng.
Dưới triều đại nhà Glazer, M.U đang là một con nợ thực sự- Ảnh Getty
Tin tức ngày thứ Năm cho thấy M.U dự tính đối đầu trực diện với Manchester City tranh giành chân sút của Arsenal, Robin van Persie, nhưng điều đó có lẽ chỉ là đòn gió, khi vị thế tài chính của đội bóng áo đỏ giờ có lẽ không cho phép họ làm như thế. Giống như cuộc theo đuổi bất thành Wesley Sneijder mùa hè năm ngoái, M.U cho thấy họ không sẵn sàng chi đậm vào những lúc cần thiết. Van Persie nhiều khả năng sẽ đòi mức lương hơn 200.000 bảng mỗi tuần, và M.U khó lòng trả nổi số tiền đó, trong khi Man City rõ ràng là không ngần ngại.
Một con nợ thực sự
Bất chấp những điều đó, kế hoạch mới của nhà Glazer không mở ra viễn cảnh về sự đầu tư lâu dài cho đội hình áo đỏ. Trong ngắn hạn, kế hoạch IPO chỉ là để trả nợ, điều đã được tuyên bố rõ ràng. Mới nhìn, khoản tiền 64 triệu bảng (100 triệu USD) dự kiến là không nhiều, so với kế hoạch huy động tới 1 tỉ bảng ở Singapore. Tuy nhiên, những chuyên gia trong ngành kinh doanh bóng đá cho rằng đó chỉ là con số ước tính thận trọng giúp nhà Glazer nộp hồ sơ, còn con số thực có thể lớn hơn nhiều.
Trong quá khứ, M.U từng là một đội bóng có thể tự xoay xở nuôi sống mình, một đội bóng với khoản doanh thu và lợi nhuận mà những địch thủ trong nước có nằm mơ cũng không thấy, một đội bóng đứng đầu danh sách các đội thể thao giàu nhất của Forbes trong 8 năm liên tiếp. Giờ đây, họ là một đội bóng nợ nần và đã rất lâu rồi không chi tiền thực sự để mua một ngôi sao lớn nào.
Vì sao mà M.U rơi vào tình cảnh thế này là một câu hỏi mà Ferguson, Gill, và nhất là nhà Glazer, phải trả lời rõ ràng với các CĐV. CLB này đã sống và chiến thắng với niềm tự hào dựa trên lịch sử và truyền thống vinh quang. Bên ngoài Old Trafford là những bức tượng của Matt Busby, George Best, Dennis Law và Bobby Charlton, chúng là vô giá. Ferguson có lẽ rồi cũng sẽ được dựng tượng, khi ông đã mang về tới 9 danh hiệu lớn ngay cả dưới thời Glazer, khi M.U phải cạnh tranh với những thế lực kim tiền lớn nhất thế giới, hết Chelsea rồi đến Man City.
Tuy nhiên, những truyền thống đó đang bị thách thức bởi một công ty với tên gọi Manchester United Ltd ở một vùng đất xa lạ, quần đảo Cayman. Trong mắt nhà Glazer, M.U chẳng là gì khác ngoài một món đầu tư, nhưng với các CĐV áo đỏ, M.U chẳng là gì khác ngoài một đội bóng. Mâu thuẫn đó là căn bản và không thể giải quyết chừng nào những người chủ chưa đến với Old Trafford bằng tình yêu bóng đá.
Trần Trọng
Con số 0 Phí chuyển nhượng thuần, tức tiền bán cầu thủ trừ tiền mua cầu thủ, của M.U trong 4 năm vừa rồi, kể từ khi bán đi Cristiano Ronaldo, gần xấp xỉ bằng không. 16 M.U đã chi ra 16 triệu bảng trong mùa chuyển nhượng này, mua về Shinji Kagawa và Nick Powell. 80 M.U lập kỷ lục thế giới khi thu về 80 triệu bảng nhờ bán Cristiano Ronaldo cho Real Madrid mùa hè năm 2009. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất