27/09/2019 17:59 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn)- Cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm MU hiện tại chẳng gây ngạc nhiên. Trên thực tế, những cuộc khủng hoảng kiểu này đã trở thành điều quen thuộc ở Old Trafford. Có lẽ đã đến lúc chẳng nên dùng từ “khủng hoảng” thêm nữa. Bởi đó là đặc trưng của MU dưới trướng Ed Woodward.
Một điều khá thú vị là trong tuần thua mất mặt trước West Ham, cần đến loạt đá luân lưu mới thắng được đội hạng 3 Rochdale, MU lại ghi nhận doanh thu kỷ lục 627 triệu bảng. Chẳng cần phải bàn luận nhiều, gia đình chủ sở hữu Glazers và Phó Chủ tịch kiêm điều hành Woodward, hoàn toàn hài lòng với những gì đang diễn ra. Đừng cho rằng họ không muốn MU thành công trên sân cỏ. Tất nhiên họ muốn. Nhưng đó không phải là ưu tiên của họ. Thay vào đó, duy trì và phát triển CLB theo kiểu doanh nghiệp thương mại toàn cầu là mục tiêu lớn nhất của MU. Họ đã làm được điều đó một cách tuyệt vời trong 6 năm qua, kể từ khi David Gill rời khỏi vị trí Giám đốc điều hành.
Sự ra đi của Gill, không phải của Sir Alex, trong cùng một mùa Hè đã định hình nên MU hiện tại. Một MU mà thành công trên sân cỏ chỉ xuất hiện như những đốm sáng le lói.
Lần đầu tiên là 39 phút cuối cùng (tính cả bù giờ) của trận chung kết FA Cup 2016. MU cuối cùng đã giành được danh hiệu đầu tiên thời hậu Sir Alex nhờ đánh bại Crystal Palace. Lần thứ 2 kéo dài 15 tháng, từ tháng 2/2017-5/2018. Sau khởi đầu chậm chạp cùng Jose Mourinho, MU đã giành cú đúp Cúp Liên đoàn cùng Europa League cùng vị trí thứ 2 Premier League ở mùa giải tiếp theo. Lần thứ 3 kéo dài chưa đầy 2 tháng khi Ole Solskjaer đến với Old Trafford. MU trải qua chuỗi 12 trận bất bại với sự trở lại đáng nhớ ở Champions League trong trận đấu với PSG.
Cả 3 lần- tương đương khoảng 18 tháng, mọi thứ tốt đẹp với MU. 18 tháng trong 6 năm Quỷ đỏ nằm dưới sự điều hành của Woodward. Đó là một thất bại mang tính hệ thống. Hãy xem vị trí của MU ở từng mùa giải Premier League trong 6 năm đó: 7-4-5-6-2-6. Có thể đổ lỗi cho một HLV khi đội bóng trải qua một mùa giải tệ hại nhưng tới 4, 5 mùa giải chơi tệ thì sao? Câu trả lời chắc chắn nằm ở ban lãnh đạo CLB.
Sự thật là, ngay cả HLV tài năng như Pep Guardiola rồi cũng sẽ chật vật với MU dưới quyền Woodward. Ở Man City, cấu trúc bóng đá được xếp vị trí đầu tiên khi họ mời bộ đôi Ferran Soriano và Txiki Begiristain từ Barca về làm Giám đốc điều hành và Giám đốc thể thao. Họ chọn những quan chức có kinh nghiệm ở đúng vị trí. Soriano có 5 năm làm Phó Chủ tịch Barca trong khi Begiristain có 7 năm làm Giám đốc bóng đá ở Camp Nou. Tại Man City, hệ thống vạch ra một con đường rõ ràng từ vai trò HLV của Guardiola tới Begiristain, tới Soriano rồi đến chủ sở hữu CLB. Liệu Guardiola hay một HLV nào đó có thể làm việc trong hệ thống không vận hành theo cấu trúc đó hay không? Có lẽ có nhưng chắc chắn là sẽ không tốt.
Đã có nhiều cuộc bàn luận về việc MU nên mang về một Giám đốc thể thao nhưng Woodward vẫn chưa thực hiện. Người đàn ông không có kinh nghiệm trong bóng đá đó đang làm rất tốt ở khía cạnh kinh doanh, điều mà chủ sở hữu vốn ít quan tâm tới kết quả trên sân cỏ của MU, hài lòng. Bởi vậy, họ cho phép Woodward tự do làm điều ông muốn. Và Woodward không muốn làm điều đó.
Điều này dẫn tới chất lượng đội hình ngày càng kém cỏi của MU. Nếu một người đại diện biết rằng có một người đàn ông đang điều hành CLB lớn trên thế giới, giàu có và không biết nhiều về bóng đá, họ sẽ làm gì? Họ sẽ khai thác điều đó. Mino Raiola tới giờ có lẽ vẫn mỉm cười khi bán được Pogba, Zlatan Ibrahimovic, Henrikh Mkhitaryan và Eric Bailly chỉ trong 1 mùa Hè. Và ông ta không phải là người duy nhất đã đem tới Old Trafford những “bom xịt” trong những năm qua.
Hàng tiền vệ của MU là minh chứng rõ nhất cho những vấn đề của đội bóng với Woodward. Trong những năm cuối cùng của Sir Alex, tiền vệ đã trở thành vấn đề của MU. Chưa một ai sẵn sàng bước lên thay thế Paul Scholes đã nghỉ hưu và Michael Carrick đã già. Thay vì đem về những tài năng trẻ để thúc đẩy đội bóng phát triển trong giai đoạn mới, MU đã vung tiền cho những cầu thủ như Bastian Schweinsteiger, Nemanja Matic, Juan Mata và chi tiền trả mức lương kỷ lục cho một cầu thủ mà họ sau đó phải để ra đi theo dạng tự do. Tệ hại hơn, cầu thủ duy nhất chơi tốt ở hàng tiền vệ ở giai đoạn đó là Ander Herrera, cuối cùng cũng ra đi tự do vì CLB thất bại trong đàm phán gia hạn hợp đồng.
Hè này, có những dấu hiệu cho thấy Woodward và nhà đàm phán chuyển nhượng bất đắc dĩ Matt Judge đã có những thay đổi trong chính sách khi đưa về MU những nhân tố trẻ như Harry Maguire, Daniel James và Aaron Wan-Bissaka. Nhưng thực tế cho thấy họ cần ít nhất 10 bản hợp đồng như vậy mới mong tiệm cận được Liverpool hay Man City trong cuộc đua danh hiệu.
Gary Neville đã đúng khi mô tả MU là “độchại”, cần một cuộc đại tu hoàn chỉnh để thanh tẩy tất cả. Vấn đề là người đàn ông nắm trong tay quyền ra quyết định là Woodward và để làm như vậy ông ta phải thừa nhận thất bại của mình. Lịch sử 6 năm qua cho thấy điều đó khó có thể xảy ra trong tương lai gần.
Bởi vậy, MU vẫn sẽ chịu mắc kẹt trong cánh cửa được nắm giữ bởi những nhà quản lý, một hệ thống mà ngay cả Guardiola có đến thì cũng khó có thể bám trụ.
K.Đ
Lược dịch theo Daily Mail
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất