29/10/2023 20:27 GMT+7 | Tin tức 24h
Chiều 29/10, triều cường dâng cao kết hợp mưa to gần vào giờ xuất hiện đỉnh triều khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngập nặng, đặc biệt là các khu vực ven sông, rạch.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, chiều 29/10, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh theo kỳ triều cường Rằm tháng Chín và ở mức cao. Mức triều tại trạm đo Nhà Bè (sông Đồng Điền) đạt 1,69m; trạm Phú An (sông Sài Gòn) đạt 1,65m; đều vượt trên báo động 3. Ngày mai (30/10), khả năng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xuất hiện đỉnh triều 1,7m theo số liệu dự báo đo được tại trạm Nhà Bè.
Thêm vào đó, tại Thành phố xuất hiện cơn mưa khá nặng hạt vào gần khung giờ triều cường đạt đỉnh khiến ngập càng thêm nặng. Các quận, huyện bị ngập nặng nhất là huyện Nhà Bè và Quận 7, Quận 8, quận Bình Tân…, đây là những khu vực có hệ thống đê kè chưa hoàn thiện khiến nước từ sông, rạch tràn lên bờ. Mặc dù vào ngày cuối tuần, lượng xe cộ không đông nhưng cũng khiến người dân vất vả trong việc đi lại.
Ghi nhận tại đường Trần Xuân Soạn (Quận 7), từ 16 giờ ngày 29/10, triều cường dâng cao từ Kênh Tẻ khiến nước ngập đoạn đường dài khoảng 2km. Nước ngập gần nửa bánh xe mô tô khiến nhiều phương tiện bị chết máy, người dân phải dắt bộ khi đi qua đoạn ngập sâu. Đến hơn 18 giờ, một số điểm trên đường Trần Xuân Soạn vẫn ngập trong nước. Nhiều hộ dân sinh sống dọc tuyến đường phải lắp cửa chống ngập hoặc dựng ván trước cửa để tránh nước tràn vào nhà.
Dùng chổi quét nước tràn từ đường vào cửa nhà, chị Trần Thị Diễm Trang (ngụ phường Tân Thuận Tây, Quận 7) cho biết, tuyến đường Trần Xuân Soạn nằm sát Kênh Tẻ nên cứ mỗi khi triều cường là người dân lại vất vả rào chắn cửa nhà vì nước dâng từ kênh lên ngập kín đường, tràn cả lên vỉa hè. Nước ngập có lúc còn kéo theo rác thải, xác động vật khiến một đoạn đường dài vương vãi rác sau khi nước rút, người dân lại phải bắt tay vào dọn.
“Sáng nay xem dự báo Thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt đỉnh triều từ đầu giờ chiều gia đình tôi đã đóng chặt cửa không dám ra đường vì sợ ngập. Đến khoảng 15 giờ, trời lại đổ cơn mưa to đúng lúc triều bắt đầu lên nên nước ngập rất lâu, đến tối vẫn chưa rút. Bây giờ chỉ cần mở cửa là nước từ trên đường sẽ bị dòng phương tiện di chuyển đánh tràn vào nhà ngay”, chị Trang chia sẻ.
Nhiều tuyến đường thuộc khu vực Quận 7 như Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Thập… cũng rơi vào tình trạng ngập tương tự. Trên đường Nguyễn Thị Thập, sau cơn mưa to, nước ngập gần nửa bánh xe mô tô, nhiều người vất vả điều khiển phương tiện vượt đoạn đường ngập. Một số người bị nước bắn ướt sũng quần áo, có người phải quay đầu xe tìm đường khác để đi. Đến khoảng 17 giờ, trên đường Nguyễn Thị Thập bắt đầu xảy ra kẹt xe kéo dài do nhiều người điều khiển phương tiện nôn nóng “thoát” ra khỏi đoạn ngập nên đã lấn đường, vượt đầu phương tiện khác.
Anh Nguyễn Kim Hồng (ngụ phường Tân Hương, Quận 7) cho biết: “Từ nhiều năm nay, khu vực Quận 7 có nhiều tuyến đường cứ mưa là ngập, dịp này gặp triều cường càng khiến đường ngập nặng hơn. Cũng may hôm nay là Chủ nhật nên ít người ra đường hơn, chứ nếu là ngày trong tuần thì có lẽ tắc đường sẽ càng nặng hơn. Người dân rất mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục tình trạng ngập do mưa và triều cường”.
Để ứng phó với đợt triều cường này, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến của đợt triều cường cho nhân dân địa phương biết để chủ động ứng phó. Các địa phương chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng vỡ, tràn bờ bao, sự cố cửa van gây ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Ủy ban nhân dân Quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị kịp thời khắc phục sớm nhất nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn trên phạm vi địa bàn quản lý. Người dân sống ở các khu vực trũng, thấp thuộc đường Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (Quận 7) hoặc đường Nguyễn Văn Luông (thành Thủ Đức)... cần chủ động giảm thiệt hại do triều cường dâng cao.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất