04/11/2016 06:57 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày bão lũ liên tiếp ở miền Trung, ngoài những hình ảnh thương tâm khi tài sản và tính mạng con người bị thiệt hại, thì một clip về “đám cưới chạy lũ” tại Quảng Bình khiến người xem lạc quan hơn trước thiên tai.
Vậy nên khi về miền Tây Nam bộ mà hát mấy câu: “Ôi nước lũ dâng cao mang theo bao nỗi sầu đau…”, dù nghe rất lâm li bi đát nhưng thế nào cũng bị các cụ lớn tuổi quở: “Mấy câu hát này không hiểu gì đồng bằng sông Cửu Long hết, nghe nước về là mừng muốn chết chứ sầu đau gì?”.
Đôi uyên ương trong “đám cưới chạy lũ” tại Quảng Bình. Ảnh: Chụp từ clíp
Với miền Trung lại khác, nhất là vùng đồng bằng duyên hải chạy dọc theo dãy Trường Sơn, mùa mưa lũ tùy theo cường độ mà hậu quả khủng khiếp hơn nhiều bởi nước chảy từ phía Tây ra biển theo độ dốc của núi cao sẽ cuốn phăng tất cả. Bọn học trò học môn địa lý đều biết sự khủng khiếp của mưa bão miền Trung từ trong sách nhà trường.
Nhưng có hề chi khi năm nào cũng mưa bão, lũ lụt đến độ từng con người nơi đây đều quen mặt với thiên tai. Mà thiên tai thì không thể tránh khỏi những mất mát nhưng chính điều này lại tôi luyện con người miền Trung dày dạn, dũng cảm hơn.
Bởi, cuộc chiến đấu của họ với gió bão, lụt lội đã được đúc kết từ trong truyện cổ tích thành chân lý: Sơn Tinh nhất định thắng - Thủy Tinh nhất định rút lui; để rồi hàng năm cuộc chiến ấy lại tái diễn như mọi sinh hoạt bình thường của con người trong các xóm thôn.
Minh chứng cho sự nhất định thắng này của con cháu “Sơn Tinh” đã phần nào thể hiện trong đám cưới của đôi uyên ương Nguyễn Thế Vinh và Hoàng Thị Linh. Clip đám cưới này được quay tại thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đem lại nhiều cảm xúc lạc quan cho người xem.
Clip 'đám cưới chạy lũ'
Hơn thế, bà con hai họ, xóm làng đến dự cưới cùng hát và múa dưới dòng nước chảy mạnh ngập đến đầu gối, càng thể hiện tinh thần lạc quan trước thiên tai. Dường như sự hiện diện của “Thủy Tinh” tại vùng đất này đã bị con cháu Sơn Tinh không thèm nhìn mặt.
Dòng nước lũ chỉ còn là thử thách quá nhỏ, thậm chí ghi dấu kỷ niệm và góp vui thêm cuộc hôn phối của đôi bạn trẻ này.
Nhìn xa hơn ở những điểm bị “Thủy Tinh” đánh phá dữ dội, để rồi sau đó người dân cả nước cùng góp sức góp của hướng về, thấy thêm sự tương thân tương ái của người Việt với nghĩa cử thiêng liêng của hai tiếng đồng bào. Phải chăng, mỗi mùa mưa bão chỉ như cách “Thủy Tinh” đo lường sự đùm bọc nhau của con cháu “Sơn Tinh” đang sống dọc dài mảnh đất hình chữ S, dù “Thủy Tinh” là người thích “đùa dai” với người miền Trung vốn chịu thương chịu khó và sống nghĩa tình.
Nước lũ rồi sẽ rút. Những cơn bão bay qua các ngôi nhà rồi sẽ tan. Những thiệt hại rồi sẽ được khắc phục. Những đau thương rồi sẽ lắng dịu. Mọi sự yên bình của cuộc sống thường nhật cũng sẽ trở lại với những gia đình.
Tất nhiên, câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh luôn nhắc nhở với người miền Trung, rằng năm nào cũng “đến hẹn lai lên”; do đó cần phòng bị trước mùa mưa bão để giảm thiểu thiệt hại. Thiên tai là việc của đất trời, còn con người tồn tại thế nào, thậm chí vẫn đám cưới vẫn hát ca, là việc của mỗi chúng ta chuẩn bị ra sao!
Mùa mưa bão lũ lụt ở miền Trung nằm trong chu kỳ diễn ra hàng năm cũng như mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ vậy. Chúng ta không thể chống lại những gì thiên nhiên “muốn làm”, chúng ta chỉ có thể sống chung với mẹ thiên nhiên một cách ôn hòa khi không làm tổn hại mặt đất, bầu trời, rừng cây, nguồn nước… Có như thế, khi đi xa khỏi miền đất này, mới có những kỷ niệm đẹp cất lên thành lời ca, như trong một bài hát của nhạc sĩ Từ Huy: “Mùa lụt nước lũ bắt cá giữa đường…”.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất