Sinh viên phải mua khoai ăn lót dạ trước giờ lên lớp |
Trước sự tăng giá đột biến của các mặt hàng ăn uống, sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM lao đao vì miếng ăn hàng ngày.
Dù xa, nhưng rẻ thì vẫn đi…
Trong thời gian gần đây, gần 20.000 SV làng Đại học Thủ Đức TPHCM phải vật lộn với cơn “bão giá” ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày.
Cô SV Đào Bích Thuỷ, đang học năm thứ 3, ĐH KHTN thuộc ĐHQG TPHCM tâm sự: “Khi em còn học năm 2, với 10 nghìn đồng vẫn có thể đi chợ mua con cá, mớ rau về làm thức ăn trong ngày, giờ gạo tăng, gas tăng giá, rau cũng tăng. Nếu cầm chừng đó thì không thể ra chợ được, thà ăn luôn cơm bụi ngoài quán khỏi mất công nấu. Dù biết là không ngon và không an toàn, nhưng vẫn phải chịu”.
Gặp anh bạn cùng dãy trọ của Thuỷ, khoa Kinh tế - ĐHQG TPHCM thì nói: “Em trước đây chỉ toàn ăn cơm bụi ngoài quán, bây giờ mỗi đĩa cơm là 10 nghìn đồng mà vẫn chưa no. Ký túc xá bán cơm giá rẻ hơn nên em và nhiều bạn khác ở cách xa mấy vẫn cố gắng đạp xe đến đó ăn cho chắc bụng và tiết kiệm nữa”.
Có mặt vào một buổi trưa trước bữa ăn tập thể của sinh viên nội trú ký túc xá ĐHQG TPHCM, còn xuất hiện các bạn vừa đạp xe giữa trưa nắng từ ngoài cổng vào nhà ăn nội trú mua cơm. Nhiều bạn SV đều trò chuyện và so sánh “cơm trong này tuy ít thức ăn hơn bên ngoài, nhưng phù hợp với túi tiền, nên xa cũng chịu khó đến đây ăn”.
Đông đúc nhà ăn nội trú
Không chỉ sinh viên lân cận thuộc khu vực nội trú ĐHQG TPHCM đến ăn hàng ngày ở nhà ăn ký túc xá, mà còn nhiều sinh viên các trường khác cũng đến đây. Nguyên nhân cũng chỉ vì bên ngoài giá tăng “chóng hết cả mặt”. Nhà ăn nội trú của ĐHQG trở nên “nhộn nhịp” hơn bao giờ hết.
Khu nhà ăn trở nên "nhộn nhịp" hơn bao giờ hết
Qua ghi nhận, không chỉ mình nhà nội trú ĐHQG tăng lượt sinh viên ngoại trú đến ăn, mà nhiều nhà ăn nội trú như của ĐH Nông Lâm TPHCM cũng tăng số lượng sinh viên từ bên ngoài vào. Nhiều sinh viên tâm sự: “Có hôm ít tiền quá, không mua được cơm bên ngoài quán để ăn, đành phải mua ít xôi hoặc vài củ khoai ăn qua bữa lót dạ”.
Ban quản lý ký túc xá ĐHQG cho biết: “Sẽ sớm bình ổn và không tăng giá cả trong ăn uống và phí sinh hoạt phòng mỗi tháng để giảm bớt gánh nặng tài chính cho SV yên tâm học tập. Nhà ăn nội trú vẫn sẽ cố gắng làm việc hết công suất và đảm bảo chất lượng phục vụ cho cả sinh viên trong và ngoài trường”.
Hầu hết các sinh viên ngoại trú khu ĐH Linh Trung - Thủ Đức đều rơi vào cảnh lao đao trước cơn “bão giá”, do vậy đều tập trung “nằm vùng” ở nhà ăn nội trú. Đó cũng là lý do thời gian gần đây nhà ăn nội trú tăng đột biến hơn trước.
Theo Dân Trí