Nhận được tin nhắn của một cô bạn học cùng lớp hồi Đại học với nội dung thế này: “Sắp đến ngày lễ Vu Lan rồi, ngồi nghe bài hát “Bông hồng cài áo”, thấy nhớ bạn quá!”. Lòng nghe nao nao, chùng xuống…
Phải rồi, bài hát ấy tôi nghe và yêu thích từ hồi còn học lớp Tám, hát trong nhiều dịp sinh nhật của bạn bè, rồi năm đầu tiên vào Đại học đã hát cho mọi người nghe… Và từ đó, mỗi khi các bạn yêu cầu hát, tôi hỏi hát bài gì, các bạn đều trả lời là muốn nghe “Bông hồng cài áo”.
Đó là ca khúc của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, phổ thơ của nhà sư Nhất Hạnh. Tôi hát không đến nỗi tệ, nghe được, nhưng tôi biết, cái sức cuốn hút đối với những người bạn của tôi khi nghe ca khúc này lại nằm trong giai điệu và ca từ của nó – những giai điệu và ca từ chân thành, những hình ảnh gần gũi, mộc mạc quá đỗi với mỗi con người:
Mẹ là dòng suối dịu hiền
Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăm sâu
Là ánh đuốc trong đêm, khi lạc lối
Những người con của Phật coi ngày rằm tháng 7 hằng năm là ngày đền đáp công ơn cha mẹ. Để biết ai còn mẹ và mất mẹ người ta lấy bông hồng và bông hồng trắng để phân biệt cho điều này. Ai còn mẹ thì phải chăm sóc và tạo mọi điều có thể để mẹ được vui và được đeo bông hồng hạnh phúc vì còn mẹ, ai mất mẹ thì nguyện cầu cho mẹ được tiêu diêu nơi Cực Lạc và không hạnh phúc vì không còn bàn tay nâng niu của mẹ…. Mình đã nghe được ở đâu đó nguồn gốc về hình ảnh Bông hồng cài áo trong dịp rằm tháng Bảy như thế…
Rồi hôm nay, khi tìm đọc được tản văn “Bông hồng cài áo” của Thích Nhất Hạnh, tâm sự về mẹ, về bài thơ ấy mới càng thấm thía hơn những ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong mỗi ca từ, mới nhận ra một điều giản dị rằng: “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được, cằn cỗi, héo mòn…”
Lòng rưng rưng trước những dòng tâm sự của Thích Nhất Hạnh: “Người nhà quê Việt Nam không ưa cách nói cầu kÿ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị, vừa đúng mức:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau
Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như "chuối ba hương", dịu như "xôi nếp một" và đậm đà lịm cả cổ họng như "đường mía lau". Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; những "chuối ba hương", "đường mía lau", "xôi nếp một" ấy không bao giờ cùng tận…”
Gia đình luôn là sự tìm về bình yên. Ở đó có tình yêu thương dành cho ta mà không đâu có được… Nhưng cuộc sống bộn bề vay trả, ta lao vào cuộc mưu sinh mà đôi khi bỏ quên những điều giản đơn – nhưng cần thiết phải có đối với gia đình - ấy là sự trở về. Chỉ giản đơn như vậy thôi – chỉ là một sự trở về, không cần những điều gì quá to tát. Một sự trở về mà ta biết những người thân của ta luôn mong đợi, đã lo lắng dõi theo bước chân ta đi, thấy lòng hạnh phúc khi thấy ta trở về nguyên vẹn và bình yên… Trong mắt mẹ ta, cha ta, ta vẫn mãi mãi là một thằng nhóc bé bỏng một thời, luôn muốn yêu thương, chở che và bao bọc – cho đến khi nào không thể…
Có những người đi biền biệt, biết là vì cuộc sống, vì khoảng cánh của không gian, hàng năm, thậm chí hàng mấy năm liền mới có một sự trở về… Thử hình dung xem, cuộc đời con người sẽ có bao nhiêu sự trở về như thế - sẽ chỉ là đếm được trên đầu ngón tay… Mà, cuộc sống của con người ngắn ngủi và đầy bất trắc, không ai dám khẳng định tuyệt đối rằng ngày mai tôi sẽ ra sao, tôi còn có mặt bên anh… Nhan nhản trên Tivi, ngày nào, giờ nào cũng nghe thấy có những người – hoặc chết vì giao thông, chết vì bệnh tật hiểm nghèo…. Từng giây, tưng phút đều có người đang ra đi, từ giã cuộc sống mà có thể còn nhiều băn khoăn, dự định chưa được thỏa mãn, hoàn thành…Khoảng thời gian bố mẹ của mỗi người còn sống, còn có mặt trên cuộc đời này là khác nhau, nhưng đều chung nhau một điểm là đang dần thu hẹp lại theo mỗi ngày trôi qua bởi sự vận động, biến chuyển của thời gian…
Và vì thế nên khi có được một bông hoa màu hồng cài lên áo, ta hãy trân trọng và mỉm cười, biết rằng mình đang là người hạnh phúc…
Có một câu chuyện thế này: Một chàng trai từ miền quê tới thành phố xa xôi lập nghiệp. Sau khi học xong, anh ở lại thành phố và bắt đầu đi làm. Thời gian trôi đi, 5 năm rồi mà anh không về quê thăm bố mẹ được một lần.
Rồi một ngày, anh đón được bố mẹ mình đến sống cùng mình ở thành phố thì không lâu sau, người mẹ bị phát hiện là ung thư giai đoạn cuối – và theo lời bác sĩ, thời gian cho mẹ anh chỉ còn khoảng một năm, và khoảng thời gian đó đang từ từ ngắn lại khi mỗi ngày trôi qua... Kể từ giây phút ấy, ngoài lúc đi làm, anh dành tất cả thời gian còn lại để ở bên mẹ mình. Anh nhớ lại tất cả những gì mà bố mẹ đã dành cho anh từ thuở ấu thơ và nhận ra rằng mình thật có lỗi với bố mẹ. Lúc này, anh mới thấy được sự quý giá của những khoảnh khắc được ở bên bố mẹ mình.
Đã bao giờ ngồi một mình trong căn phòng nhỏ ở một nơi xa và bạn tự hỏi với lòng mình: Đời này ta sẽ còn gặp bố mẹ mình bao nhiêu lần nữa? Cuộc sống của chúng ta cũng giống như chàng trai kia, chỉ khi biết mình sắp mất đi một điều gì thì mới nhận ra được sự quý giá thực sự của điều đó…
Những người bạn cùng quê của tôi xa nhà trọ học trên phố, mỗi khi gặp nhau, trong câu chuyện bao giờ cũng sẽ có một câu hỏi: “Cậu có hay về quê không”? Những lúc đó thường không ai để tâm, trả lời qua quýt, rồi lại không nghĩ ngợi gì nữa….
Về quê, là về bên gia đình, bên cha mẹ của mỗi chúng ta, để cảm nhận được sự yêu thương từ cha mẹ - và cũng để học, để biết yêu thương cha mẹ nhiều hơn nữa, bởi mẹ cha luôn là “là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời”….
Mẹ là nọn mía ngọt ngào
Mẹ là nải chuối, buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương rau
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Sau khi mẹ mất, Trịnh Công Sơn viết: “Khi một người mất mẹ ở tuổi 50 điều ấy có nghĩa là không còn gì có thể dàn xếp được. Cái sa mạc để lại trong lòng bạn cứ thế mỗi ngày lan rộng ra và cõi lòng bạn thì tan nát như một cánh đồng xanh tươi vừa trải qua một cơn bão lớn”. Vậy mà có những người đành đoạn "Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày" hoặc "Mẹ còn sống thì chẳng cho ăn, lạ thay chết xuống làm văn tế ruồi"… Buồn thay!
Lương Đình Khoa