06/02/2016 21:21 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), ngày 6/2 tức ngày 28 Tết, cả nước xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, làm chết 22 người, bị thương 27 người.
Trong đó, đường bộ xảy ra 29 vụ, làm chết 20 người, bị thương 26 người. Đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người và 1 người bị thương. Trong đó có vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Bà Rịa – Vũng Tàu làm 3 người chết, 1 người bị thương, hư hỏng nặng 2 xe mô tô.
Lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 2.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt gần 2,5 tỷ đồng; tạm giữ 355 xe mô tô, tước 167 giấy phép lái xe. Lực lượng cảnh sát giao đường thủy nội địa đã kiểm tra, xử lý 34 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Trong ngày 6/2, hệ thống đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp nhận được 43 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh về tình trạng tự ý tăng giá vé, nhồi nhét hành khách trên một số tuyến đường từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đi về các địa phương; tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường trong thành phố lớn, trên một số tuyến quốc lộ như quốc lộ 1, 5, 10.
Các tin phản ánh của người dân đều được các cán bộ trực tiếp nhận, nhanh chóng phối hợp cùng các lực lượng chức năng tại các địa phương kiểm tra xác minh và xử lý; đa phần được lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe và xử lý, một vài trường hợp không được phát hiện đã được báo về Sở giao thông vận tải các địa phương có hình thức nhắc nhở và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Điển hình có một số xe chở quá gần 100% số người quy định như xe 92B-006.92 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Quảng Ngãi, xe 75B-002.01 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Huế, xe 37B-003.78 từ Quảng Ninh đi Nghệ An, xe 18B-002.76 từ Quảng Ninh đi Nam Định, xe 17B-008.11 từ Hà Nội đi Thái Bình, xe 47B-012.73 chạy tuyến Vũng Tàu – Đắk Lắk của nhà xe Hoàng Trung….
Chiều 5/2 và ngày 6/2 là cao điểm người dân về quê ăn Tết. Lượng người đổ ra đường để tới các bến xe, nhà ga, các tuyến đường trục chính rất đông, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội vàThành phố Hồ Chí Minh dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường.
Các tuyến đường trục chính của Hà Nội như đường Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Lê Văn Lương, Giải Phóng, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Thúc Kháng, Bưởi… mật độ phương tiện rất đông, xảy ra hiện tượng ùn tắc kéo dài, đặc biệt tại các tuyến đường xung quanh các bến xe. Trên đường Phạm Văn Đồng, Giải Phóng vẫn xảy ra tình trạng xe khách dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định.
Sáng 6/2, các tuyến đường vành đai 3, đường ra Pháp Vân – Cầu Giẽ, Quốc lộ 5… mật độ phương tiện tham gia giao thông rất cao nên đều xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Các tuyến Quốc lộ 1,5, 10, các tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Pháp Vân – Cầu Giẽ… đều xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài khi có hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau không thể di chuyển được trên đường.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 5/2, rạng sáng 6/2, lượng phương tiện đổ về các tỉnh miền Tây thông qua quốc lộ 1 tăng đột biến khiến nhiều đoạn đường bị tắc nghẽn.
Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang hàng nghìn xe máy và ôtô tải, xe khách hướng từ Thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây phải nhích từng chút trên đường. Tại khu vực cầu Mỹ Thiện (xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) xe cộ kẹt cứng kéo dài đến cầu Cổ Cò khoảng 10km. Quốc lộ 1 đoạn qua cầu Mỹ Quý, thị xã Cai Lậy có hàng ngàn xe đò, xe máy chen chúc trên đường để đi qua cầu. Dù có đường tránh nhưng do chỉ cho xe chạy hướng từ miền Tây lên thành phố Hồ Chí Minh nên vẫn không đủ để giải phóng phương tiện trong nội ô thị xã Cai Lậy.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất