Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 5): "Lối ra" mang tên kịch kinh dị

11/02/2025 19:49 GMT+7 | Văn hoá

Sân khấu TP.HCM có một mảng kịch có thể nói là khá mạnh và kéo dài bền bỉ, đó là kịch kinh dị. Nhiều sân khấu đua nhau dựng vở và bán vé tưng bừng. Sau đó một thời gian, kịch kinh dị thoái trào chút xíu, nhưng rồi lại phát triển trở lại cho tới bây giờ.

Trước hết, hãy trở lại giai đoạn đầu thập niên 2000. Khi ấy, sân khấu hài kịch đang mạnh mẽ thì bị sa sút, một phần vì sự cạnh tranh của các chương trình truyền hình, một phần vì các kịch bản hài càng nhạt nhẽo, khán giả thà ở nhà bấm ti vi coi còn sướng hơn. Trong bối cảnh đó, các ông bà bầu sân khấu lo lắng tìm một lối ra cho sân khấu, nếu không muốn bị phá sản.

Từ mở đầu ngoạn mục của "Người vợ  ma"

Bà bầu Hồng Vân lúc ấy đang thuê mặt bằng tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận (nên sân khấu của chị gọi là sân khấu Phú Nhuận), cũng lúng túng đi tìm lối sinh tồn. Thì đùng một cái, kịch bản Người vợ ma của tác giả Quang Thi với bút danh Xuyên Lâm lọt vào tay Hồng Vân, chị thấy "ánh sáng lóe lên cuối đường hầm". Vậy mà loay hoay mãi từ 2003 đến 2006 vở diễn mới ra mắt được với bàn tay đạo diễn của Thái Hòa. Ra mắt mà kèm theo một câu "Không giải quyết trẻ em và người có bệnh tim" khiến khán giả càng xôn xao, tò mò.

Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 5): "Lối ra" mang tên kịch kinh dị - Ảnh 1.

Cảnh trong vở “Người vợ ma” của sân khấu Hồng Vân. Ảnh: H.K

Quả thật, Người vợ ma đã trở thành cơn lốc của sân khấu. Người ta ùn ùn mua vé trước cả tháng mới có chỗ, và có những ngày cuối tuần phải diễn liên tiếp 2 suất mới phục vụ đủ. Và vở tiếp tục diễn suốt cho tới 2020, vì dịch Covid-19 mới tạm ngưng. Hết dịch, bà bầu Hồng Vân lại cho tái diễn, khán giả vẫn mua vé rất đông. Và bây giờ về địa điểm mới thì sân khấu Hồng Vân lại tái dựng vở này, vẫn ăn khách lạ lùng.

Người vợ ma đưa tên tuổi Ốc Thanh Vân lên thêm một bậc cao trong vai chính là người mẹ kế tàn nhẫn. Bên cạnh đó, Kim Huyền cũng nổi bật trong vai bé Yến, cô con gái nhỏ bị mẹ kế hù dọa, và cả Thái Hòa trong vai ông Sửu giúp việc nói tiếng Việt lơ lớ vô cùng duyên dáng. Từ vở này mà Thái Hòa được các hãng phim chú ý và mời về đóng phim nổi đình nổi đám.

Đây là một vở kịch không chỉ có yếu tố ma quái mà còn có chiều sâu của thân phận, tâm lý, có cả những mảng hài ý nhị, dễ thương. Và có thể nói rằng từ đó về sau này, Người vợ ma vẫn là đẳng cấp so với nhiều vở kịch kinh dị khác.

Tới giai đoạn "phủ sóng sân khấu"

Sau Người vợ ma, Hồng Vân cho dựng hàng loạt vở kinh dị như Quả tim máu, Ngôi nhà hoang, Căn phòng 204, Sám hối, Thứ Sáu ngày 13, Thu khùng, 2-4-6… thậm chí thuê thêm mặt bằng ở Super Bowl diễn hàng loạt vở kinh dị, thu hút toàn khán giả trẻ.

Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 5): "Lối ra" mang tên kịch kinh dị - Ảnh 2.

Cảnh trong vở “Áo đợi người” của sân khấu Kịch Sài Gòn. Ảnh: H.K

Sân khấu Kịch Sài Gòn của ông bầu Phước Sang đóng tại rạp Đại Đồng, giao cho nghệ sĩ Mạnh Tràng quản lý, cũng đi theo làn sóng nóng hổi ấy. Họ dựng rất nhiều vở kinh dị, có thể nói là chiếm 70% kịch mục, bao gồm Hồn trinh nữ, Quỷ, Hồn ma báo oán, Áo đợi người, Biệt thự ma… Sân khấu này diễn 4 - 5 ngày trong tuần mà vẫn có khán giả, thế mới lạ. Nhiều vở chỉ ngắn khoảng 100 phút thôi, không cần dài, không cần tình tiết phức tạp, chỉ cần có một vụ án mạng và có ma là đủ thu hút giới trẻ.

Đơn vị thứ 3 dựng rất nhiều kịch kinh dị là sân khấu Thế Giới Trẻ. Lầu hoang, Điện thoại nửa đêm, Họa hồn, Biệt thự bí ẩn, Am khuya, Bí mật nhà xác… xếp lịch dày đặc, thậm chí nhiều vở diễn suốt 5 - 7 năm vẫn còn khách.

Rồi, sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng dựng vở Trái tim oan khuất, tuy không quá đậm chất kinh dị như các sân khấu khác nhưng vẫn mang màu sắc tâm linh, huyền bí. Sân khấu 5B có Đêm vượn hú cũng rùng rợn, ma quái.

Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 5): "Lối ra" mang tên kịch kinh dị - Ảnh 3.

Cảnh trong vở “Đêm vượn hú” của sân khấu 5B. Ảmh: H.K

Điểm chung của kịch kinh dị tại Việt Nam là thực sự không hề có ma quỷ chi hết. Ma quỷ chỉ là sự hù dọa của các nhân vật trong vở, để cuối cùng vẫn hiện ra con người muốn báo ân, báo oán mà thôi. Và, hầu hết đều có những lớp hài chen vào để khán giả thư giãn, đúng nghĩa là "giải trí". Tất nhiên, các vở cũng có rút ra bài học về nhân quả, thiện ác, khuyên con người đừng chạy theo tham lam danh lợi, sân si ác độc, gây những tai nạn, đau khổ cho người khác, rồi mình cũng sẽ trả giá thảm khốc.

Một vài vở gây ấn tượng tốt trong lòng khán giả bởi ý nghĩa nhân văn nổi bật. Chẳng hạn, phải kể tới vở Áo đợi người của Kịch Sài Gòn có vai chính do NSND Ngọc Giàu đóng vai người mẹ. Bà có đứa con dâu rất hiếu thảo, không may chết sớm, cả nhà thấy cô cứ hiện về nhắc cái này, nhắc cái kia… Cuối cùng vở kết lại rằng, đó chính ảo ảnh do mọi người nhớ lại những lời cô hay nhắc để anh chị chăm sóc mẹ chu đáo. Xem thấy ma mà khán giả cứ chảy nước mắt vì lòng hiếu thảo, vì Ngọc Giàu diễn xen chất bi quá giỏi.

Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 5): "Lối ra" mang tên kịch kinh dị - Ảnh 4.

Cảnh trong vở “Bí mật nhà xác” của sân khấu Thế Giới Trẻ. Ảnh: H.K

Ấn tượng nữa là Bí mật nhà xác của Thế Giới Trẻ, tuy tạo hình sân khấu khá rùng rợn nhưng tính thời sự và chống tiêu cực rất cao. Câu chuyện kịch lên án bọn cò mồi và dịch vụ mai táng đã cấu kết với những y bác sĩ và nhân viên điều dưỡng biến chất, chèn ép người nhà nạn nhân, ăn tiền trên xác chết, trên sự đau khổ của con người. Vở đậm tính xã hội chứ không chỉ đơn giản là ma quỷ.

Tuy nhiên, cũng có vài điểm lấn cấn khi xem kịch kinh dị. Nhiều vở vì để tăng tính khốc liệt nên đã có những chi tiết án mạng mang màu sắc khá bạo lực. Chẳng hạn, trong một vở có kẻ ác dùng dao chém vào đầu nạn nhân, đạo diễn đã cho thực hiện trên sân khấu hình ảnh cái dao dính chặt vào sọ khi nạn nhân từ từ gục xuống, trông rất ghê rợn. Vở khác có cảnh 2 vợ chồng ông chủ hãm hiếp rồi đập đầu cô bé làm công, xong nhét vào bao để phi tang. Vở khác nữa có cảnh trả thù bằng cách siết cổ rất ghê...

Đừng quên sân khấu là nghe nhìn trực quan, khác với màn ảnh. Vậy những hình ảnh đó sẽ trực tiếp đi vào não khán giả, liệu có ảnh hưởng tiêu cực hay không? Chưa kể, một số tấm poster rất lớn treo ở cửa rạp cũng thể hiện nhiều hình ảnh máu me chảy dài, gương mặt ma quái nhằm thu hút khán giả.

Tất nhiên, chúng ta không cấm kinh dị, nhưng có thể giữ chừng mực một chút thì vẫn hay hơn. Và trong bối cảnh xã hội quá nhiều bạo lực hiện nay, thì sự chừng mực xem ra vẫn nên có, đặc biệt với lớp trẻ vốn luôn dễ bị ảnh hưởng hơn người lớn.

NSND Hồng Vân: "Hù dọa người ta không dễ đâu"

* Xin hỏi chị, lý do nào mà sân khấu của chị lại dựng nhiều vở kinh dị như thế?

- Đầu tiên là do tôi thích coi phim kinh dị, nên hứng thú dựng kịch kinh dị luôn. Lý do thứ 2 là lấy ngắn nuôi dài. Như mọi người đã biết rồi đó, sân khấu có giai đoạn rất khó khăn, thì chính kịch kinh dị đã mở ra một lối thoát đáng ghi nhận. Chúng tôi làm để giữ chân khán giả, giữ ánh đèn sân khấu không bị tắt, thì mới có cơ hội dựng các vở khác.

Thị trường khắc nghiệt lắm, mình cũng phải uyển chuyển đôi chút để giữ nồi cơm cho hàng trăm anh chị em nghệ sĩ, công nhân, hậu đài, miễn sao mình không làm dễ dãi là được. Tôi nghĩ, có thêm một thể loại kịch thì sân khấu càng phong phú hơn, càng có nhiều món cho khán giả lựa chọn.

NSND Hồng Vân

* Nhưng chị "cầm cương" thế nào để không sa đà vào sự dễ dãi?

- Tất nhiên mỗi vở đều phải có thông điệp, có chủ đề tư tưởng đàng hoàng, thường là chủ đề nhân quả, mong người ta rút bài học kinh nghiệm từ các nhân vật, tình huống, mà sống thiện lành hơn. Tôi cũng chú ý không để những hình ảnh bạo lực xuất hiện, không cần tạo máu me, đâm chém trực quan, mà chỉ cần tạo cảm giác là đủ ăn khách.

* Dựng quá nhiều vở, liệu chị và đồng nghiệp có cạn mảng miếng hù dọa khán giả hay không?

- Đúng vậy, lúc mới ra thì kịch kinh dị còn làm khán giả giật mình, nhưng xài riết cũng cạn miếng chứ. Sau này, các vở đều theo xu hướng không gây giật mình, mà theo trường phái Hitchcock, nỗi sợ đến từ chính cảm giác, cứ rờn rợn rờn rợn, nhưng hiệu quả lại cao. Quả tim máu là một thí dụ.

Nói chung, hù dọa người ta không dễ đâu, vừa phải cao tay viết và dựng, vừa phải có thông điệp đàng hoàng, nếu không chúng ta dễ dẫm lại trò cũ, nhạt nhẽo. Giải trí thì giải trí, nhưng kém chất lượng thì khán giả cũng bỏ mình.

* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

(Còn tiếp)

Hoàng Kim

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link