Muôn mặt kịch TP.HCM (kỳ 3): Kịch lịch sử - đầu tư tiền tỉ, chịu chơi tới cùng

09/02/2025 08:00 GMT+7 | Văn hoá

Sân khấu TP.HCM có một điểm nổi bật là dám dựng những vở kịch lịch sử hoành tráng, dù các ông bà bầu xã hội hóa luôn phải "cân đong đo đếm" từng đồng tiền đầu tư. Điều này cho thấy họ vẫn có tâm huyết, có máu lửa làm nghề dẫu thị trường chưa bao giờ dễ dàng.

Những vở kịch lịch sử ấy xứng đáng làm rạng danh sân khấu, để lại những nét son khó phai trong chiều dài hình thành và phát triển sân khấu.

Hoành tráng và tâm huyết

Nói đến kịch lịch sử thì sân khấu IDECAF chính là đơn vị tiên phong và hàng đầu, bởi IDECAF có nhiều vở nhất, và vở nào cũng hoành tráng, công phu, sức sống bền bỉ.

Khán giả không thể quên Bí mật vườn Lệ Chi ra mắt năm 2000 khắc họa cuộc đời thăng trầm, đau đớn của đại thi hào Nguyễn Trãi, diễn hàng trăm suất vừa ở sân khấu IDECAF vừa ở Nhà hát Bến Thành, với màu sắc đen trắng tối giản nhưng cực kỳ sang trọng.

Sau vở này, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn phấn khởi ra tiếp vở Ngàn năm tình sử thể hiện cuộc đời của Thái úy Lý Thường Kiệt, một danh tướng đã lãnh đạo toàn dân chống giặc Tống, để lại bài "thơ thần" bất hủ, được coi như tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Vở lấy màu sắc chủ đạo là màu xanh nhạt, rất dịu nhẹ, đầy chất thơ, khán giả cảm nhận được "đời thường" của Lý Thường Kiệt không chỉ biết đánh giặc mà còn có nỗi niềm riêng, có một cuộc tình ngang trái, lãng mạn.

Đến Vua thánh triều Lê, nhân vật Lê Thánh Tông đã hiện lên như một đấng minh quân, tạo nên một triều đại rực rỡ về quản lý xã hội lẫn thơ ca, nghệ thuật, và chính vua đã giải oan cho trung thần Nguyễn Trãi. Vở kịch thấm đẫm nhân văn bởi những đấu tranh nội tâm, những thao thức trở trăn của nhà vua, không cam chịu để vụ án bị vùi lấp theo lớp bụi thời gian. Màu sắc chủ đạo là màu vàng, ý nói một triều đại rực rỡ, cũng là thể hiện sự tươi sáng của lòng tin, chân lý, xua đi oan khiên, tăm tối.

Muôn mặt kịch TP.HCM (kỳ 3): Kịch lịch sử - đầu tư tiền tỉ, chịu chơi tới cùng - Ảnh 1.

Cảnh trong vở “Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử”

Mới đây là vở Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử với nét diễn mạnh mẽ, quyết đoán của con người phương Nam đã chinh phục thiên nhiên, và cũng không khuất phục trước cường quyền. Tả quân Lê Văn Duyệt được nhân dân coi như "vị thần" và thờ phượng chu đáo bởi ông có công rất lớn với thành Gia Định, nhất là dám xử tử cha vợ của vua Minh Mạng lấy lại công bằng, nghiêm minh, an định lòng dân. Vở kịch được các trường học mua vé cho học sinh xem thường xuyên, rất sôi động.

Sân khấu Thế Giới Trẻ của NSND Hoàng Yến trực thuộc Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM là đơn vị cũng nổi bật về kịch lịch sử. Yêu là thoát tội, Thành Thăng Long thuở ấy đều diễn trên 100 suất, hợp đồng thường xuyên với các trường học, các em đi xem về còn viết ý kiến, viết thu hoạch rất cảm động.

Thành Thăng Long thuở ấy cảm động bởi kể được nỗi đau của Lý Chiêu Hoàng lúc nhà Lý suy vong phải nhường ngôi cho nhà Trần và bà mất luôn mối tình thanh mai trúc mã với Trần Cảnh. Vở kịch đi vào tâm lý hơn là các yếu tố thời cuộc, chính trị, giúp khán giả cảm được chiều sâu của lịch sử, thấu hiểu tiền nhân nhiều hơn, và yêu sử cũng chính từ sự tinh tế, thấu cảm ấy. Hồ Xuân Hương cũng vừa ra mắt không lâu, đem lại sự trìu mến, thương cảm đối với một nữ sĩ tài hoa nhưng đầy lận đận.

Sân khấu Phú Nhuận của NSND Hồng Vân cũng từng có vở Nỏ thần nổi đình nổi đám năm 2009. Vở mang tính chính luận rất cao, nói lời cảnh giác với sự chủ quan, ngủ yên trên chiến thắng, hưởng thụ xa hoa của vua tôi An Dương Vương, vì vậy gian thần mới chui vào, phá tan cơ đồ chứ không phải tội lỗi đổ hết cho Mỵ Châu. Vở như bản anh hùng ca với nhân vật Cao Lỗ tuyệt đẹp và dàn dựng cũng hào hùng tuyệt đẹp.

Sau này, Hồng Vân kết hợp NSƯT Kim Tử Long sản xuất thêm vở Tình sử Thăng Long nói về Quang Trung Nguyễn Huệ trong giai đoạn ra Bắc phù Lê, diệt Trịnh và cưới Ngọc Hân công chúa. Tâm tư, lý tưởng, nhân phẩm của Nguyễn Huệ đã chinh phục được Ngọc Hân, đó chính là "chiến thắng" bên cạnh chiến thắng quân Thanh.

Muôn mặt kịch TP.HCM (kỳ 3): Kịch lịch sử - đầu tư tiền tỉ, chịu chơi tới cùng - Ảnh 2.

Cảnh trong vở “Nỏ thần”

Diễn kịch sử cũng là một cách tri ân tổ tiên

Nhìn chung, kịch lịch sử thường được dựng hoành tráng và công phu chứ không thể làm đơn giản như kịch sinh hoạt, và thường phải thuê rạp lớn như Nhà hát TP.HCM, Nhà hát Bến Thành thì diễn mới đúng chất lượng.

Khán giả khi đã xem thì phải được "đã mắt, đã tai" với cảnh trí, âm nhạc, trang phục, chưa kể tính văn học rất cao, nghệ sĩ thoại kỹ từng lời từng chữ, không dám lơ là. Kịch lịch sử chính là đỉnh cao của kịch nói TP.HCM, và thực tế thì không phải đơn vị nào cũng dám dựng.

Ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết: "Vở nào cũng tốn tiền tỉ đầu tư, mà bán vé thì đâu thể cao được, trung bình chỉ 350.000đ, coi như mở màn là lỗ. May lắm thì huề vốn trong từng suất, nhưng tiền tỉ đầu tư thì… quên đi, đừng mơ lấy lại được".

NSND Hồng Vân cũng tâm sự: "Diễn kịch lịch sử chúng tôi phải huy động toàn bộ diễn viên, hậu đài, khoảng 50-60 người, cát sê đuối luôn. Bán vé đủ trả cát sê và thuê rạp là mừng rồi". Riêng bà bầu Hoàng Yến bán vé cho học sinh chỉ dưới 100.000đ nên cát sê của nghệ sĩ phải thu nhỏ lại, chỉ vài trăm ngàn coi như đủ cho son phấn, xăng xe mà thôi.

Nhưng khó khăn đó không làm họ chùn chân. Ông Huỳnh Anh Tuấn kiên quyết: "Mỗi năm hoặc 2-3 năm dứt khoát phải có một vở lịch sử lớn như vậy để anh em làm nghề cho thỏa. Có vai hay, vai khó là anh em nhào vô làm, bất kể khó khăn, thương lắm! Tôi cũng tự hào khi mình sản xuất được những vở như vậy, chứ đâu phải chỉ biết đi kiếm tiền".

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng luôn có mặt trong các vở của bà bầu Hoàng Yến, tiền cát sê không thấm vào đâu so với công việc chính của anh, nhưng anh rất vui, tâm sự: "Nếu chỉ để kiếm tiền thì chúng tôi không lao vào làm nghệ thuật. Nhìn các em học sinh im phăng phắc lắng nghe từng câu thoại, rồi khóc theo, rồi về viết thu hoạch, mà trái tim nghệ sĩ chúng tôi như có làm gió nhiệm mầu thổi vào, đủ sức đi tiếp. Diễn kịch sử cũng là một cách chúng tôi tri ân tổ tiên đã xây dựng và bảo vệ mảnh đất này cho mình được sống".

NSND Hoàng Yến: "Ước có nhà hát chuyên dành cho kịch sử"

* Xin hỏi chị, tại sao chị lại chọn sản xuất mảng kịch lịch sử trong khi ai cũng biết thể loại này luôn tốn kém và kén khán giả?

- Tôi xuất thân từ đoàn kịch Hà Nam Ninh vốn có nhiều vở chính kịch gây ấn tượng trong các mùa Hội diễn toàn quốc, nhất là vở Mùa hè ở biển. Khi vào Nam sống, hoạt động ở các sân khấu TP.HCM, và vào giai đoạn công nghệ giải trí lên ngôi, tôi nhận thấy mình không theo được tính giải trí. Tôi vẫn yêu thích và phù hợp với chính kịch, nhưng trầy trật vẫn chưa tìm ra được lối đi.

May sao, năm 2018 tôi bắt gặp kịch bản Yêu là thoát tội dường như đúng chất của tôi, thế là đi theo và gặt được thành công. Sau đó, tôi lại ám ảnh với thân phận của Lý Chiêu Hoàng, và gặp được kịch bản Thành Thăng Long thuở ấy. Tôi không ngại khi nói, đúng là "định mệnh" khiến tôi chọn dòng kịch sử và được khán giả yêu thích, thế là quyết lòng đi theo luôn.

Hoàng Yến (trái) trong vở “Yêu là thoát tội”

* Chị đã quản lý sân khấu Thế Giới Trẻ trực thuộc Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM mười mấy năm nhưng thực chất không có điểm diễn ổn định, cứ phải thuê rạp chỗ này chỗ kia, tự chạy vốn để sản xuất, xem ra quá vất vả. Vậy chị có ước mơ nào không?

- Tôi và anh em nghệ sĩ đồng cam cộng khổ mà làm, chỉ vui khi thấy các em học sinh, sinh viên đón nhận nhiệt tình. Tôi ước mơ có một ai đó bỏ vốn ra xây dựng Nhà hát Danh nhân chuyên dành cho kịch sử. Bởi chúng ta có rất nhiều nhân vật lịch sử quá hay, nếu đưa lên sân khấu sẽ giúp thế hệ trẻ thêm yêu môn sử, yêu đất nước. Riêng nghệ sĩ chúng tôi sẽ cố gắng giữ ngọn lửa nghề này, miễn nhà hát sáng đèn thường xuyên là mừng rồi.

Nhưng…bao giờ ước mơ mới thành sự thật.

* Xin cảm ơn chị. Hy vọng ước mơ của chị sớm thành sự thật!

(Còn nữa)

HOÀNG KIM

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link