Trong xã hội phong kiến, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu chủ yếu là do mẹ chồng quá cay nghiệt, xét nét. Còn hiện nay, mâu thuẫn này có sự tác động qua lại từ hai phía, trong đó nhiều nàng dâu đã không làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình, còn tìm cách áp chế mẹ chồng.
Khi mẹ chồng hóa... người giúp việc
Bà bạn cùng cơ quan với tôi đã nghỉ hưu, kinh tế gia đình khá giả, có nhà mặt phố ở Hà Nội, lại xây hẳn một cơ ngơi khang trang, rộng rãi ở quê để một năm vài lần giỗ, Tết lấy chỗ đi lại, nghỉ ngơi. Hai anh con trai bà chỉ hơn kém nhau một tuổi, lại công tác ở những doanh nghiệp lớn giữa Thủ đô nên chỉ cần đánh tiếng “kén dâu” là nhiều gia đình đã “bắn tin” muốn làm thông gia.
Thế là chỉ trong vòng mấy tháng, gia đình bà “phát hành” 2 đợt thiếp mời cưới cho 2 con trai, mỗi đợt chừng 700 – 800 thiếp. Tiệc cưới được tổ chức trang trọng ở những khách sạn có “sao” bên Hồ Tây, tốn kém không ít. Xong việc cưới xin, bạn tôi mừng lắm vì từ nay sẽ có 2 nàng đỡ đần việc nội trợ, nâng giấc tuổi già. Nhưng không ngờ, ngay sau “tuần trăng mật” cô con dâu lớn đùng đùng đòi ra ở riêng với lý do: “Chúng con còn trẻ, cần được tự do, nhà mình bây giờ đông người quá, ở chung không tiện”. Thế là bà mẹ phải bỏ ra cả tỷ bạc để mua một căn hộ, trang bị đầy đủ tiện nghi, nội thất để “mời” 2 con đến ở.
Cô này vốn là nhân viên hành chính ở một cơ quan quận nội thành nhưng đã mất việc. Lúc đầu bà mẹ chồng không ưng, nhưng vì anh con trai cứ một mực đòi cưới nên bà đành nhượng bộ. Mới cưới được 5 tháng con dâu sinh cho bà một đứa cháu trai, hằng ngày bà phải khóa cửa nhà mình đi bế cháu đích tôn. Suốt ngày bà tã lót dầm dề, bón mớm từ giọt sữa đến thìa cháo, rồi rửa bát, lau nhà... Từ địa vị bà chủ, mẹ chồng trở thành “người giúp việc”. Đã thế, bà còn thường xuyên bị con dâu trừng mắt quát: “Sao giờ này bà vẫn chưa cắm cơm? Sao nhà bề bộn thế mà chưa dọn? Bà cho thằng bé ăn gì mà da nó mẩn đỏ lên thế này?
Đấy là chuyện cô con dâu cả, cô con dâu thứ hai xem ra còn “quý phái” hơn nhiều. Bố là sỹ quan quân đội về hưu, lương bổng khá; mẹ là kế toán trưởng một doanh nghiệp cỡ hàng đầu của Hà Nội, thu nhập hàng tháng vài chục triệu nên cô này luôn ỉ thế nhà mình giàu có hơn nhà chồng. Tự coi mình là “cành vàng lá ngọc” nên dù đã làm vợ, cô vẫn “không biết” thổi cơm, chợ búa. Cô tự hào một cách hồn nhiên với mẹ chồng: “Trước đây ở nhà con có phải làm gì đâu, mọi thứ mẹ con và người giúp việc làm cả...”.
Sinh con được 4 tháng cũng là 4 tháng “cấm cung” trong phòng. Mẹ chồng chợ búa, nấu nướng, giặt rũ, bưng cơm, đồ uống tráng miệng đến tận giường ngủ cho con dâu, nhưng không một lần nhận được câu: “Con cảm ơn mẹ”. Con đi làm, hôm nào bố mẹ chồng cũng chờ cơm, nhưng 2 con thường về muộn, bố mẹ nhắc nhở, lại còn xẵng: “Bố mẹ cứ ăn trước đi, chờ làm gì cho rách việc”. Thế là bố mẹ chưng hửng!
Quá vất vả vì con cháu, bà mẹ sinh ra đau ốm luôn nên phải nhờ người giúp việc. Nhưng không người nào ở được quá 1 tháng, vì con dâu đòi hỏi người ta quá khắt khe. Nào là người giúp việc phải “hợp tuổi” với con mình, nào là không được dùng điện thoại để tránh cho trẻ con không bị nhiễm từ, nào là phải ngủ qua đêm với đứa trẻ vì mẹ nó cần được ngủ “đẫy giấc” để mai còn đi làm. Nói tóm lại, các cô con dâu chỉ việc đẻ con mà không phải nuôi. Ngay cả đến việc cho con bú cũng không vì “không có sữa”, thực chất là muốn giữ bộ ngực cho khỏi “mướp”.
Cần trang bị cho con trước khi về làm dâu
Cách đây 1 tuần, bà bạn tôi mặt mày ủ rũ báo tin: “Con vợ thằng lớn nộp đơn ly hôn chồng rồi. Chắc là bây giờ sớm tối chạy hàng chuyến Lạng Sơn, Móng Cái... lại “mắc” với anh tài xế, lơ xe nào đó. Thôi cũng đành, cái ngữ con dâu ấy cũng chẳng nên tiếc làm gì...”. Bà kể tiếp: “Mấy hôm nữa ông nhà tôi nghỉ hưu, chúng tôi quyết định về ở hẳn dưới quê cho rảnh, chúng nó ở trên này muốn làm gì thì làm. Những tưởng có con dâu, cháu bế cháu bồng gia đình thêm đầm ấm, hạnh phúc, nhưng không ngờ... Chẳng dại gì mà nấn ná để luôn là một người giúp việc “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Đó mới là chuyện nàng dâu ở thành phố, còn ở làng quê? Tháng trước, cô em gái tôi ở quê lên Hà Nội chơi than phiền: “Cái đứa con dâu nhà em nó chẳng biết làm gì bác ạ. Thổi nồi cơm, giặt mấy bộ quần áo không xong. Hiếm khi thấy nó cầm cái chổi quét nhà. Mọi việc trong gia đình đều đến tay mẹ chồng. Đẻ được đứa con trai thì cứ nghĩ mình vừa sinh ra “Hoàng thái tử”, nên vênh vang... sinh con cả tháng mà vẫn kiêng cữ, không ló mặt ra ngoài. Đến cái bô vệ sinh cũng phải người khác đi đổ. Đã vậy suốt ngày mặt mũi cứ nặng như chì, sưng sỉa lên cứ như người khác “có lỗi” với mình”.
Đúng là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng đây đều là chuyện không vui của những cô con dâu thời hiện đại. Đó cũng là những tiếng chuông khuyến cáo các bậc cha mẹ có con gái trước khi về nhà chồng nên chuẩn bị cho con kỹ năng “làm vợ, làm mẹ và cả làm con” một cách đầy đủ, chu đáo.
Tình yêu thương, chiều chuộng của con người chỉ có giới hạn. Một khi bố mẹ chồng hết lòng vì con cháu, thậm chí hy sinh cả sự an nhàn của tuổi già và cả núi tiền bạc, nhưng lại không nhận được sự “đền đáp” dù chỉ là lòng biết ơn, sự động viên, an ủi... thì dù con dâu có là “lá ngọc cành vàng” đi nữa cũng chỉ trở thành “cành vàng lá... mục” mà thôi.
Theo GĐ&XH