28/08/2015 14:58 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Đó là 2 vấn đề lớn của nước Mỹ, có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhất là sau vụ hai phóng viên của kênh truyền hình CBS tại bang Virginia của Mỹ đã bị bắn chết khi đang thực hiện một chương trình phát sóng trực tiếp.
Vụ xả súng nhằm vào hai nhà báo đang tác nghiệp trong một chương trình truyền hình trực tiếp đã làm chấn động cả nước Mỹ vì tính chất nghiêm trọng của sự việc, khi luật sử dụng vũ khí đang bị lạm dụng ngày càng nhiều. Ngay lập tức, Nhà Trắng đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua luật kiểm soát súng đạn.
* Vô hình trung đã "truyền hình trực tiếp" cảnh xả súng
Ngày 26-8-2015, hai phóng viên của kênh truyền hình CBS tại bang Virginia của Mỹ đã bị bắn chết khi đang thực hiện một chương trình phát sóng trực tiếp. Vụ việc xảy ra khi nữ phóng viên Alison Parker, 24 tuổi, đang phỏng vấn khách mời về phát triển du lịch của địa phương cho bản tin đầu giờ. Cuộc phỏng vấn được thực hiện trên ban công của một ngôi nhà trong khu nghỉ dưỡng Bridgewater, tọa lạc bên hồ ở thị trấn Moneta.
Kẻ tấn công đã bắn chết Parker ở cự ly gần, rồi sau đó hướng mũi súng sang phóng viên quay phim Adam Ward (Adam Oát), 27 tuổi, đang ghi hình buổi phỏng vấn. Nữ khách mời cũng bị thương trong vụ tấn công.
Do cuộc phỏng vấn được truyền hình trực tiếp nên toàn bộ cảnh tượng đã được máy quay ghi lại, cùng với nhiều tiếng la hét thất thanh trước khi Adam Ward và máy quay đổ xuống.
Nghi can thực hiện vụ tấn công trên là Vester Flanagan, 41 tuổi và là người da màu. Flanagan là cựu đồng nghiệp với hai phóng viên bị sát hại. Flanagan đã chết trong bệnh viện sau khi nổ súng tự sát khi bị cảnh sát truy đuổi. Một trong những nguyên nhân khiến Flanagan gây ra vụ xả súng là do bất mãn về nạn phân biệt chủng tộc cũng như thái độ đối xử của kênh truyền hình nói trên.
* Hàng loạt vụ xả súng kinh hoàng
Vụ tấn công nói trên là một trong hàng loạt vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại Mỹ trong thời gian gần đây, với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Trước đó, trung tuần tháng 7 vừa qua, hai căn cứ quân sự tại thành phố Chattanooga, thuộc bang Tennesssee, trở thành tâm điểm của dư luận khi Mohammad Yousuf Abdulazeez), người Mỹ gốc Kuwait, nã súng khiến 4 lính thủy đánh bộ và 1 thủy thủ khác thiệt mạng.
Ngoài ra, một người thiệt mạng và 8 người khác đã bị thương trong một vụ xả súng tại Nhà hát Lớn ở thành phố Lafayette , bang Louisiana. Tại một bữa tiệc sau lễ hội âm nhạc X Fest ở thành phố Modesto, phía Bắc bang California, một đối tượng da màu cũng bất ngờ xả súng vào những người dự tiệc khiến 1 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương.
Ngay sau vụ xả súng giết 2 phóng viên truyền hình, trong ngày 27/8 cũng có 2 vụ bạo lực súng đạn tại Louisiana, khi gã cuồng sát tấn công bằng dao và súng làm thương vong 3 phụ nữ, chết 1 cảnh sát; và vụ tấn công bạo lực tại khuôn viên Đại học Savannah.
Sát thủ Mỹ 21 tuổi xả súng giết người da màu tại một nhà thờ của người Mỹ gốc Phi ở thành phố Charleston, bang Carolina NamCác nhà phân tích cho rằng, mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn tới hành động bạo lực bằng súng đạn như phân biệt chủng tộc, tư thù cá nhân hay do hung thủ mắc bệnh tâm lý, nhưng những vụ việc này đã phản ánh thực tế đáng lo ngại là xả súng đã trở thành hiện tượng dường như vượt ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách và nạn nhân là những người vô tội.
Câu hỏi đặt ra là vai trò và trách nhiệm của giới chức và các nhà lập pháp Mỹ trong việc kiểm soát súng đạn như thế nào.
Theo thống kê, với 310 triệu khẩu súng đang lưu hành trên thị trường, Mỹ là một trong những quốc gia có công dân sử dụng vũ khí nhiều nhất trên thế giới. Súng đạn hiện được xếp thứ 13 trong danh mục các nguồn gốc dẫn tới chết người nhiều nhất hằng năm ở Mỹ. Theo thống kê, doanh số bán súng đạn ở Mỹ mỗi năm đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
Kết quả điều tra của Liên hợp quốc cho thấy, từ năm 2003 đến năm 2010 đã có khoảng 88.000 người Mỹ thiệt mạng trong các vụ bạo lực súng đạn.
* Một chủ đề trong cương lĩnh tranh cử của bà Hillary Clinton
Năm 1994, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cấm 10 năm đối với việc buôn bán và sở hữu 19 loại vũ khí tấn công. Đến năm 2004, đạo luật này hết hiệu lực và từ đó đến nay, phe Cộng hòa vẫn phản đối mạnh mọi đề xuất luật kêu gọi kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán súng.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau khi vụ việc xảy ra, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest (Giô-sơ Ơ-nét) nêu rõ, đây là một bằng chứng nữa cho thấy bạo lực súng đạn đang trở nên quá phổ biến trong các cộng đồng lớn và nhỏ trên khắp nước Mỹ. Ông Earnest kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua luật kiểm soát súng: “Có một nhận thức chung rằng, chỉ có Quốc hội mới có thể tác động nhằm giảm bạo lực súng đạn trên khắp nước Mỹ. Quốc hội cần triển khai các bước đi để làm sao không xâm phạm quyền hợp hiến của những công dân Mỹ tuân thủ pháp luật. Tổng thống Mỹ Barack Obama từ lâu cũng đã luôn ủng hộ Quốc hội tiến hành các bước đi này. Tổng thống cũng tin tưởng Quốc hội sẽ làm như vậy”.
Ngày 27-8, ứng cử viên Đảng Dân chủ đang chạy đua vị trí Tổng thống Mỹ, bà Hillary Clinton , đã kêu gọi nước Mỹ hành động nhằm ngăn chặn các vụ việc tương tự tái diễn. Bà Hillary cũng cam kết sẽ đưa vấn đề này trở thành một chủ đề trong cương lĩnh tranh cử của mình.
* Nỗ lực và thất vọng của ông Obama
Đây không phải là lần đầu tiên Nhà Trắng kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua luật kiểm soát súng đạn. Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, khẩu hiệu “Kiểm soát súng đạn được coi là biểu hiện của sự thay đổi” đã góp phần mang lại chiến thắng cho Tổng thống Barack Obama. Nó cũng phản ánh những quan ngại về xã hội Mỹ đang ngày càng nhuốm màu bạo lực.
Vụ thảm sát đẫm máu hồi tháng 12-2012, tại trường tiểu học Sandy Hook ở thành phố Newtown (Niu-thao) thuộc bang Connecticut, làm 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em từ 6-8 tuổi được coi là mốc đánh dấu cuộc cải cách kiểm soát súng đạn do Tổng thống Barack Obama khởi xướng.
Ngay sau vụ thảm sát, Tổng thống Obama đã ban hành 23 biện pháp hành chính, nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tái diễn, một động thái cho thấy quyết tâm của người đứng đầu Nhà Trắng nhằm đưa việc sử dụng súng đạn vào khuôn khổ.
Các biện pháp bao gồm: quy định kiểm tra nghiêm ngặt hồ sơ các vụ mua bán súng, đóng cửa vĩnh viễn một số địa điểm bán lẻ và các phòng trưng bày súng đạn, giới hạn các băng đạn ở mức 10 viên trở xuống, cấm tàng trữ các loại đạn có khả năng bắn thủng áo chống đạn, bãi bỏ lệnh cấm các cơ quan nhà nước tiến hành nghiên cứu về bạo lực súng đạn, tăng cường dịch vụ y tế tâm thần, kêu gọi Quốc hội sớm thông qua dự luật cấm các loại vũ khí tấn công đã hết hạn từ năm 2004.
Không chỉ có vậy, chính quyền của Tổng thống Obama còn đưa ra dự luật kiểm soát súng đạn, trong đó điều khoản siết chặt kiểm tra lý lịch đối tượng mua súng là nổi bật hơn cả.
Theo chủ trương này, ngoài những người nộp đơn xin mua súng, các cuộc triển lãm súng đạn hay các giao dịch súng đạn qua mạng Internet đều phải trải qua quá trình kiểm tra hồ sơ lý lịch.
* Lợi ích nhóm từ buôn bán súng đạn
Tuy nhiên, những điều khoản trên lại đụng chạm tới lợi ích của một bộ phận giới chức Mỹ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng mà Hiệp hội súng đạn toàn quốc (NRA) đầy quyền lực là đại diện, với khoảng 4,5 triệu hội viên. NRA cho rằng, mọi biện pháp hạn chế súng đạn là vi phạm quyền hiến định của người dân. Bởi trên thực tế, kinh doanh vũ khí là một trong những ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ và vì thế, không dễ gì người ta từ bỏ chúng.
Đây chính là lý do khiến các nhóm vận động hành lang ra sức lôi kéo lá phiếu của các nghị sĩ để bảo vệ các lợi ích nhóm của họ. Vì vậy, các dự luật của Nhà Trắng đưa ra đều bị "treo" là điều không tránh khỏi và Tổng thống B.Obama đã hơn một lần phải cay đắng thừa nhận rằng, việc không thuyết phục được Quốc hội thông qua dự luật cải cách cơ chế buôn bán và sở hữu súng đạn là thất vọng lớn nhất trong nhiệm kỳ làm Tổng thống của ông từ năm 2009 tới nay, nhất là khi nước Mỹ liên tục phải đối mặt với các vụ nổ súng giết người vô tội.
Theo số liệu thống kê, số người Mỹ thiệt mạng do các hành động khủng bố kể từ sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 chưa đến 100 người, thì số người Mỹ thiệt mạng vì các vụ bạo lực súng đạn đã lên tới con số hàng nghìn. Trước tình hình trên, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy dự luật kiểm soát súng đạn mặc dù hy vọng đạt được tiến bộ không mấy khả quan./.
Phương Nam (tổng hợp)
[Nguồn: TTXVN].
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất