Nạn nhân thoát dịch Ebola: Khốn khổ vì kỳ thị

17/10/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ở Liberia, việc có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Ebola cũng giống như lãnh án tử hình vậy. Những người sống sót sau khi nhiễm Ebola có thể cảm thấy may mắn, nhưng trong con mắt người dân Liberia, họ vẫn là những kẻ mang bệnh nguy hiểm và cần phải tránh xa.

Sau thời gian bị cách ly để chống lại bệnh Ebola, nhiều người sống sót đã thấy họ tiếp tục bị cô lập thêm một lần nữa.

Bị cộng đồng cô lập

Trong ngày thứ Hai tuần này, Tiến sĩ Walter T Gwenigale, Bộ trưởng Y tế và phúc lợi xã hội Liberia đã phải lên tiếng kêu gọi nhân dân chào đón những người đã may mắn thoát khỏi Ebola. Ông nói rằng người sống sót sẽ giáo dục nhân dân về Ebola và cách thức điều trị bệnh.

Với Korlia Bonarwolo, lời của vị bộ trưởng kia đã không giúp thay đổi nhanh tình hình của anh. Bonarwolo sống sót sau khi nhiễm Ebola, nhưng lại đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử tới từ một số người trong cộng đồng dân cư của anh.


Sontay Massaley, người đã thắng virus Ebola, tươi cười sau khi ra viện ở Liberia

Hồi tháng 6 năm nay, khi làm việc với tư cách trợ lý cho một bác sĩ tại bệnh viện Redemption ở Liberia, anh đã tiếp xúc gần với một nữ y tá nhiễm bệnh. Anh chăm sóc bệnh nhân khi cô bị sốt, không hề biết đây là triệu chứng ban đầu của Ebola.

Trong 21 ngày trời, Bonarwolo đã nỗ lực chiến đấu chống Ebola. "Tôi đã rất buồn, tinh thần giảm xuống mức thấp. Tôi bị trầm cảm vì lâm vào tình cảnh này" - anh kể. Ban đầu Bonarwolo tưởng rằng sẽ mất mạng, nhưng rồi sức khỏe anh dần khá lên. Anh đã thầm cảm ơn Thượng đế, cho rằng mình được ban phước lành.

Ngay khi lành bệnh, Bonarwolo trở về nhà, nhưng chẳng ai thể hiện sự vui sướng trước việc này. "Có một số người còn nghi ngờ rằng tôi đã khỏi bệnh" - anh kể. Dù Bonarwolo cố nói với các hàng xóm rằng anh đã hoàn toàn không còn virus trong người, họ vẫn chẳng tin. Ai cũng xa lánh anh. Ngay cả người thợ cắt tóc ở gần nhà cũng không muốn chạm vào đầu anh. "Anh ấy nói rằng tôi đã nhiễm virus và anh ấy cần cẩn trọng để đề phòng" - Bonarwolo kể.

Gia đình cũng xa lánh

Có lẽ anh vẫn còn rất may mắn. Một số người sống sót khác đã phải chịu đựng những sự đối xử tồi tệ hơn. Bonarwolo cho biết trong đêm Chủ Nhật vừa qua, đám đông đã lao vào tấn công một người vừa khỏi bệnh Ebola ở cộng đồng dân cư New Matadi nằm gần thủ đô Monrovia.

Người đàn ông khốn khổ kia nhiễm bệnh khi làm việc để cứu các nạn nhân Ebola khác tại bệnh viện John F Kennedy Memorial. Người sống sót kể rằng anh bị đám đông đẩy ngã ra đất và đánh đập. Họ không tin anh đã lành bệnh, nghĩ rằng anh đang nói dối.

Nhiều người sống sót sau dịch Ebola có thể không bị đánh đập như thế, nhưng họ thường bị cộng đồng và đôi khi là chính gia đình xa lánh. Julius Browe, một người bạn của Bonarwolo, cũng sống sót sau khi nhiễm Ebola trong lúc làm việc tại một bệnh xá ở Liberia. "Sau khi ra viện, tôi về nhà" - Browe nói - "Nhưng mọi người vẫn không chịu hiểu cho, nghĩ rằng tôi vẫn bị ốm". Bất chấp việc Browe đã giơ ra giấy chứng nhận khỏi bệnh Ebola do bệnh viện cấp, nhiều người vẫn xa lánh anh. Tại gia đình, cha mẹ thậm chí còn bắt Browe phải ăn bằng thìa, đĩa riêng. "Tôi nghĩ rằng một số người trong gia đình đã gạt mình ra bên lề. Tôi cảm thấy buồn về chuyện này" - anh kể.


Ở Liberia, người dân vẫn sợ rằng họ có thể nhiễm virus từ người sống sót

Theo Bonarwolo, những hoạt động kỳ thị như thế diễn ra gần như thường nhật. "Nếu một người sống sót lên một chiếc xe, tài xế sẽ không muốn chở anh ta theo. Hoặc một số hành khách sẽ đòi xuống xe" - anh nói.

Bonarwolo có biết một số trường hợp người sống sót còn bị đổ tội đã gây bệnh Ebola, dù thực tế họ nhiễm bệnh từ kẻ khác. Anh tin rằng tất cả sự kỳ thị mà mình và những người chung hoàn cảnh phải chịu là do một sự hiểu nhầm đơn giản.

Theo đó, khi một người sống sót khỏi bệnh Ebola ra viện, họ được đề nghị không nên quan hệ tình dục tới 3 tháng. Với phụ nữ, họ được đề nghị không cho con bú trong cùng một khoảng thời gian. Đây là lời khuyên tốt, nhằm đề phòng tình huống xấu. Nhưng theo Bonarwolo, người dân Liberia đã hiểu nhầm thông điệp chứa trong lời khuyên. Họ đồn nhau rằng dịch cơ thể của người sống sót vẫn chứa Ebola, cả khi đã khỏi bệnh.

Biểu tượng hy vọng của các bệnh nhân

Đối mặt với những tin đồn sai lạc và sự kỳ thị ấy, người sống sót không khỏi giận dữ. Bonarwolo không tức giận mà đã tập hợp một nhóm người sống sót giống mình, với số lượng hiện đã lên tới 100 thành viên.

Mục tiêu của nhóm là giáo dục người dân Liberia về Ebola, cả cách ngăn chặn lẫn kiểm soát bệnh. Một số người sống sót chăm sóc những đứa trẻ, đang nhiễm Ebola hoặc có cha mẹ bị virus giết chết. Những người khác hiến máu cho các nạn nhân Ebola, dù việc này chưa diễn ra nhiều. Những người sống sót còn chia sẻ trải nghiệm trong thời gian chống chọi bệnh với các nhân viên y tế. "Chúng tôi nói với họ rằng cần phải cải thiện các lĩnh vực nào và gợi họ nên điều trị bệnh nhân ra sao" - Bonarwolo nói.

Tại trung tâm điều trị Elwa do tổ chức Bác sĩ không biên giới Liberia lập ra, 7 nhân viên y tế ở đây là người sống sót sau khi nhiễm Ebola. Họ là những người duy nhất có thể khiến các bệnh nhân thấy gần gũi và yên tâm hơn. Với các bệnh nhân, những người này là biểu tượng hy vọng, rằng họ cũng có thể sống sót, vượt qua bệnh tật. Nhưng gia đình những người Liberia đã chết vì virus rõ ràng không có chung quan điểm.

Browe nói rằng anh hiểu vì sao người ta lại kỳ thị mình. "Tôi cảm thấy rất tệ khi mọi người né tránh mình" - anh nói - "Nhưng tôi buộc phải chấp nhận điều này".

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link