18/01/2013 07:18 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đệ trình kế hoạch giảm bạo lực do súng gây ra ở Mỹ, trong đó nhắm tới việc thay đổi hoạt động bán súng, kiểm tra sức khỏe tinh thần người sở hữu súng, tăng an toàn trường học và nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng. Nhưng liệu kế hoạch này có hiệu quả?
Không một chính sách đơn lẻ nào có thể chấm dứt những cái chết do súng gây ra và ngăn chặn các vụ thảm sát như những gì diễn ra ở Trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Colorado, nơi một tay súng đã sát hại 26 người vào tháng trước, gồm 20 đứa trẻ.Ông Barack Obama cũng thừa nhận điều này khi thông báo kế hoạch thay đổi văn hóa súng đạn của Mỹ trong ngày 16/1. "Giảm bạo lực do súng gây ra là một thách thức phức tạp" - ông nói - "Nếu một thứ gì đó có thể giúp chúng ta giảm bớt tình trạng bạo lực này, dù chỉ giúp cứu lấy một mạng sống, chúng ta cũng có trách nhiệm phải thử".
Phần lớn các chuyên gia đồng tình với việc phải tiếp cận với nhiều vấn đề cùng lúc. Họ nói rằng kế hoạch mới phải bao gồm hoạt động kiểm soát súng, các sáng kiến về sức khỏe tinh thần và sự dũng cảm nhìn vào tình trạng bạo lực trong văn hóa đại chúng.
Nhưng liệu các đề xuất của Obama có hiệu quả? Giới chuyên gia đã lập tức phân tích và chỉ ra những mặt tích cực và tiêu cực trong kế hoạch của ông.
Kiểm tra lý lịch hình sự
"Điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là sửa chữa hệ thống kiểm tra lý lịch hiện nay" - Daniel Webster, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách súng đạn Johns Hopkins nói tại một cuộc họp báo trong tuần này. "Hoàn toàn không thể bào chữa được khi chúng ta có một hệ thống cho phép người ta bán súng mà không cần kiểm tra lý lịch" - ông nói.
Các chương trình mua lại súng đạn như đã diễn ra ở Los Angeles, được thiết kế để giảm bớt tình trạng bạo lực do súng gây ra tại Mỹ |
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, có tới 40% các khẩu súng đã được mua bán ở đây mà không qua kiểm tra lý lịch - đó là những khẩu súng do người mua tự buôn bán với nhau và từ các cuộc triển lãm súng. Xóa lỗ hổng này sẽ làm lộ ra những kẻ với lý lịch có vấn đề, hoặc bị tâm thần, vốn không đủ khả năng sở hữu súng.
Nhưng theo Jack Jevin, một giáo sư xã hội học và tội phạm học tại Đại học Northeastern ở Boston, việc kiểm tra lý lịch sẽ không thể ngăn chặn phần lớn các vụ nổ súng ở trường học, trong đó nhiều tay súng đã có được vũ khí từ các bậc phụ huynh với lý lịch không tì vết, như vụ Sandy Hook vừa qua.
Ngoài ra nhiều tay súng có lý lịch rất sạch. Chúng giết người chỉ bởi đã có một ngày tồi tệ. Jevin chỉ ra rằng phần lớn số cái chết do súng gây ra đều được xếp vào tội ngộ sát, có nghĩa người ta phạm tội khi chưa suy nghĩ thấu đáo. "Trong các trường hợp như thế, tên tội phạm hoàn toàn không có vấn đề gì trong hồ sơ hình sự hay sức khỏe tinh thần. Anh ta đơn giản là mất đi sự điềm tĩnh và trong lúc nóng giận đã lấy con dao từ bếp, hoặc khẩu súng ngắn trong ngăn kéo và gây án" - ông nói
Cấm vũ khí tấn công và băng đạn nhiều viên
Đề xuất cấm vũ khí tấn công có thể chấm dứt việc bán các loại vũ khí có thể bắn nhiều, bắn nhanh trong thời gian rất ngắn. Webster đồng tình rằng các vũ khí này nguy hiểm và việc cấm chúng sẽ giảm nguy cơ rủi ro. "Chúng tôi tin các vũ khí tấn công như thế có mối đe dọa đặc biệt liên quan tới các vụ thảm sát bằng súng. Con số thương vong thường lớn hơn khi sát thủ dùng các vũ khí như thế" - ông nói.
Ông tin rằng việc hạn chế kích thước băng đạn và số lượng đạn kèm theo cũng sẽ giúp giảm thương vong. Trong vụ thảm sát tại một rạp chiếu phim ở Colorado hồi tháng 7, tay súng đã bắn trúng 70 người trong có vài phút. Rõ ràng nếu băng đạn ít hơn, gã đã không thể làm thế và người ta sẽ có cơ hội chống lại.Nhưng Levin cũng chỉ ra rằng nhiều vụ thảm sát, sát thủ chỉ dùng súng ngắn. "Mỗi viên đạn một mạng người" - ông nói.
Giải quyết các vấn đề sức khỏe tinh thần
Theo Levin, giải quyết các vấn đề sức khỏe tinh thần là hướng đi khả quan nhất để ngăn chặn thảm sát. " Khi chúng ta thấy ai đó bắt đầu trông có vẻ gặp rắc rối, ta cân tiếp cận với họ và can thiệp. Không phải can thiệp để ngăn chặn một kẻ giết người, mà là giúp đỡ một người đang gặp khó khăn" - ông nói.
Ông Obama đã kêu gọi việc thành lập các chuyên gia tư vấn tinh thần, cũng như các bộ phận chống tình trạng bắt nạt tại khoảng 8.000 trường học trên toàn quốc.
Nghiên cứu tác động truyền thông vào bạo lực do súng gây ra
Tháng trước, Phó chủ tịch Hiệp hội súng trường quốc gia, ông Wayne LaPierre, đã nói rằng các trò chơi điện tử và chương trình truyền hình bạo lực là một phần của vấn nạn bạo lực do súng đạn gây ra tăng cao. Tuy nhiên quan điểm này đã bị những người cổ súy cho việc kiểm soát súng chỉ trích là đã "đơn giản hóa quá mức" vấn đề.
Mặc dù vậy, ông Obama có vẻ như đã xem xét nghiêm túc quan điểm của LaPierre. Ông vừa đề xuất việc nghiên cứu kỹ tác động của các cảnh bạo lực xuất hiện trong văn hóa đại chúng. Với Dariush Mozaffarian, đồng giám đốc trung tâm nghiên cứu dịch tễ tại Trường Y Harvard thì đó là một đề xuất tiến bộ. "Ngay cả khi tôi đang xem một chương trình thể thao, luôn có cảnh ai đó bị bắn hoặc rút súng ra trong mỗi lần người ta tạm dừng chương trình để quảng cáo" - ông nói. Những hình ảnh như thế đã tạo ra "một sự chấp nhận vô thức mạnh mẽ" về bạo lực liên quan tới súng đạn. "Chúng ta đều đồng thuận với nhau trong việc quản lý để giảm thiểu các cảnh khỏa thân, khiêu dâm. Nhưng ta lại gần như chẳng có gì để ngăn chặn hình ảnh liên quan tới bạo lực do súng đạn gây ra".
Tuy nhiên ông thừa nhận sự thay đổi lớn về mặt văn hóa sẽ phải mất thời gian rất dài mới có thể diễn ra. Câu hỏi lúc này sẽ là nước Mỹ có thể chờ sự thay đổi cho đến bao giờ?
Tường Linh (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất