Nga đưa cảnh báo sắc lạnh về việc đánh Iran

19/01/2012 09:46 GMT+7 | Trong nước

Nga hôm qua (18/1) đã lên tiếng cảnh báo rằng, một cuộc tấn công vào Iran sẽ là “thảm họa” cho cả khu vực và vì thế các cường quốc thế giới nên áp dụng chính sách không can thiệp vào khu vực Trung Đông cũng như Bắc Phi.

“Việc liệt kê tất cả các hậu quả của một cuộc tấn công vào Iran là không thể. Nhưng tôi tin chắc rằng đó sẽ là hành động đổ thêm dầu vào đám lửa đang cháy âm ỉ trong cuộc đấu đầu giữa người Sunni và người Shia. Và kết quả sẽ dẫn đến một phản ứng dây chuyền”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phát biểu như vậy trong bài phát biểu hàng năm dịp đầu năm mới 2012.
 
"Nói về việc một thảm họa từ việc đánh Iran có thể sẽ diễn biến như thế nào, các bạn cần phải hỏi những người thường xuyên, liên tục nhắc đến nó như một sự lựa chọn", ông Lavrov cho biết đồng thời nhấn mạnh Nga sẽ “làm tất cả những việc” trong khả năng và quyền lực của mình để ngăn cản một cuộc tấn công Iran.
 
Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Israel ngày hôm qua đã lên tiếng khẳng định nước này “còn lâu” mới đưa ra quyết định tấn công Iran nhưng rõ ràng Washington và Tel Aviv luôn từ chối loại bỏ khả năng dùng sức mạnh quân sự đối với Tehran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước CH Hồi giáo.
 
Iran phủ nhận những cáo buộc của phương Tây cho rằng họ đang theo đuổi việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Theo các quan chức Iran, chương trình hạt nhân của họ là nhằm mục đích dân sự như sản xuất điện năng và phục vụ công tác nghiên cứu.
 
Không chỉ phản đối một cuộc tấn công quân sự vào Iran, Nga còn bày tỏ sự không ủng hộ đối với lệnh cấm vận dầu mỏ mà phương Tây đang định áp dụng đối với nước CH Hồi giáo. Ông Lavrov cho rằng, những biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành xuất khẩu của dầu mỏ của Iran sẽ “làm tổn thương” dân thường và khuấy động hơn nữa sự bất ổn ở khu vực chứ không giúp ngăn chặn vũ khí hạt nhân.

"Những biện pháp trừng phạt chẳng giúp gì cho mục tiêu ngăn chặn phổ biến hạt nhân. Chúng chỉ nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Iran và người dân nước này với mục đích rõ ràng là khích động sự bất mãn bên trong nước CH Hồi giáo”, Ngoại trưởng Nga đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ như này để nói về việc các nước trừng phạt Iran.
 
Theo ông Lavrov, những biện pháp trừng phạt chỉ làm “ngáng trở” khả năng tái khởi động các cuộc đối thoại giữa Iran và 6 cường quốc liên quan.
 
Xuất khẩu dầu mỏ chiếm tới 80% doanh thu từ nước ngoài của Iran và Tehran đã đe dọa sẽ đóng cửa Eo biển Hormuz, tuyến đường biển quan trọng hàng đầu thế giới, nhằm trả đũa cho các biện pháp trừng phạt nhằm vào họ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố, bất kỳ động thái nào nhằm phong tỏa Eo biển Hormuz sẽ gây ra một đòn đáp trả mạnh mẽ.
 
Liệu Nga có thể bảo vệ được Iran?
 
Những phát biểu ngày hôm qua của Ngoại trưởng Lavrov cho thấy Nga rất kiên quyết trong việc bảo vệ Iran trước sự dồn ép quyết liệt gần đây của các cường quốc phương Tây do Mỹ đứng đầu. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu Moscow có thể bảo vệ được Iran hay không?
 
Một số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về việc Nga có đủ ảnh hưởng về kinh tế và quân sự để đóng một vai trò quyết định trong vấn đề Iran
 
“Nga trên thực tế không còn ảnh hưởng thực sự ở khu vực Trung Đông. Nga không còn đóng một vai trò quyết định ở đây và chúng ta không có cách nào để lấy lại ảnh hưởng thời Xô viết”, nhà phân tích Sergei Demidenko đến từ Viện Nghiên cứu và Phân tích Chiến lược ở thủ đô Moscow đã nhận định như vậy.
 
“Iran không thể dựa vào Nga để bảo vệ họ. Mỹ và Israel chắc chắn không sợ Nga và Nga chắc chắn cũng không muốn gây chiến tranh vì Iran”, ông Demidenko nói thêm.
 
Một nhà phân tích khác cho rằng, việc Nga có những phát biểu ủng hộ Iran chỉ là để tránh làm phật lòng nước CH Hồi giáo. Lý do là Moscow lo ngại Tehran có thể cấp tài chính và hỗ trợ cho lực lượng chiến binh Hồi giáo làm loạn ở khu vực Bắc Caucasus đầy bất ổn của Nga.
 
“Không ai muốn một Iran có bom hạt nhân... nhưng chúng ta cũng không muốn Iran tấn công vào các lợi ích của Nga ở khu vực Bắc Caucasus. Tehran sẽ dễ dàng tổ chức một nhóm như lực lượng Hezbollah ở nam Li-băng trên lãnh thổ Nga nếu Moscow ủng hộ một cuộc tấn công nhằm vào Iran”, nhà phân tích Yevgeny Satanovsky thuộc Viện Nghiên cứu Trung Đông cho hay.
 
Quan hệ giữa Iran với các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu bắt đầu trở nên “căng như dây đàn” kể từ sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hồi cuối năm ngoái đưa ra một bản báo cáo ám chỉ Iran đang tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân.
 
Ngay khi bản báo cáo trên được tung ra, các nước phương Tây hối hả tìm cách gây áp lực, dồn ép quyết liệt để Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân. Mỹ, Anh, Canada... đồng loạt thông báo những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào Iran. Tin đồn cũng dấy lên về việc Mỹ, Anh và Israel đang bàn cách đánh Iran.
 
Cả khu vực Trung Đông chỉ trong một thời gian ngắn đã biến thành một chảo lửa nóng bỏng với những các cuộc tập trận rầm rộ, những lời đe dọa, cảnh báo lẫn nhau. Chưa lúc nào, người ta lại lo ngại về một cuộc chiến tranh giữa Iran và phương Tây như lúc này. Tuy nhiên, khi các cường quốc phương Tây ra sức dồn ép Iran thì Nga và Trung Quốc lại đứng ra bảo vệ nước CH Hồi giáo. Hai nước này đều lên tiếng phản đối một cuộc tấn công quân sự cũng như các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Iran.

Theo VnMedia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link