Nhìn lại thế giới 2013: Khi lòng tin bị đánh cắp

31/12/2013 15:49 GMT+7 | Trong nước

Cùng với lợi ích quốc gia, lòng tin là một trong những nhân tố cốt lõi giúp Mỹ và châu Âu trở thành đối tác thân cận và lâu đời nhất của nhau. Tuy nhiên, năm 2013, mối quan hệ liên minh giữa hai bờ Đại Tây Dương, vốn được thử thách từ thời Chiến tranh Lạnh, đã bị rơi vào khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng. Mối quan hệ đó sẽ ra sao khi lòng tin bị đánh cắp?

Quan hệ giữa Mỹ và châu Âu thực sự "nổi sóng" sau khi cựu điệp viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ thông tin Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) trong một thời gian dài đã nghe lén điện thoại lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các đồng minh thân cận của Washington ở "lục địa già".

Thông tin "động trời" này đã khiến lãnh đạo nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Thủ tướng Đức Angela Merkel "nổi đóa". Theo bà Merkel, việc Washington do thám các đồng minh là hành động không thể chấp nhận được, đồng thời khẳng định hành vi này của NSA đã "phá vỡ lòng tin" nghiêm trọng. Hàng loạt các quốc gia đồng minh phương Tây, trong đó có Pháp, Italy, Tây Ban Nha... tức tốc triệu Đại sứ Mỹ đến để yêu cầu làm rõ thông tin mà "Kẻ đốt đền" Snowden, người đang cư trú tạm thời tại Nga, tiết lộ. Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso còn mỉa mai nói với nước Mỹ - quốc gia chuyên đi rao giảng tự do và nhân quyền, rằng châu Âu coi "quyền riêng tư là một quyền cơ bản".

Nghịch cảnh có thể khiến cho con người trở nên thông minh, dù không thể làm cho con người trở nên giàu có.

Bất chấp sức ép của lãnh đạo các quốc gia châu Âu, Mỹ vẫn không công khai xin lỗi mà còn bao biện rằng việc Washington tiến hành hoạt động thu thập thông tin theo phương thức mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều áp dụng là để bảo vệ đất nước, lợi ích quốc gia và đồng minh khỏi các mối đe dọa như khủng bố hay phổ biến vũ khí hủy diệt. Sự "vụng chèo khéo chống" của Washington cũng không thể giúp làm hồi sinh lòng tin trong mối quan hệ giữa các đồng minh thân cận này. Trái lại, do không thể tiếp tục tin tưởng "ông bạn" bên kia bờ Đại Tây Dương, châu Âu đã hối thúc Mỹ nhanh chóng ký kết thỏa thuận chung về bảo mật dữ liệu thông tin. Động thái trên chứng tỏ Mỹ và châu Âu đang trở thành những đối tác thiếu lòng tin lẫn nhau.

Thế nhưng, vụ bê bối mang tên Snowden chỉ là "giọt nước tràn ly" khiến mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, vốn xuất hiện nhiều nghi kỵ trong thời gian qua, "nổi sóng". Trên thực tế, kể từ khi Mỹ tuyên bố kế hoạch "xoay trục sang châu Á", châu Âu đã quan ngại rằng Washington đang quay lưng lại với "lục địa già" và hạ thấp mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Sự hoài nghi gia tăng khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải gấp rút phái Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Jonh Kerry thực hiện các chuyến công du dài ngày tới châu Âu để trấn an các đồng minh.

Giới chức Mỹ khẳng định “châu Âu tiếp tục là đồng minh lâu năm và thân cận nhất của Mỹ, đồng thời là nền tảng cho sự gắn kết của nước này với phần còn lại của thế giới và là chất xúc tác cho hợp tác toàn cầu”. Cảm giác bị "bỏ rơi" chưa kịp nguôi ngoai sau những lời trấn an của Washington thì giới chức châu Âu lại "băn khoăn" về lập trường thiếu nhất quán của Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đẫm máu kéo dài suốt gần 3 năm qua ở Syria. Ngoài ra, trong năm 2013, cộng đồng quốc tế cũng chứng kiến tình trạng "đống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, quản lý toàn cầu...

Tuy nhiên, những bất đồng nói trên chưa đủ mạnh để phá hỏng hay làm thay đổi bản chất mối quan hệ được coi là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong thế giới ngày nay. Hơn ai hết, Mỹ và châu Âu nhận thức được rằng các mối quan hệ kinh tế và chiến lược gắn kết, ràng buộc họ với nhau. Theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), đầu tư của Mỹ ở châu Âu nhiều gấp hơn 3 lần đầu tư của Mỹ ở châu Á, trong khi đó đầu tư của châu Âu ở Mỹ gấp 8 lần tổng mức đầu tư của "lục địa già" tại Trung Quốc và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, là đối tác hợp tác kinh tế - thương mại lớn nhất của nhau, thương mại song phương chiếm 1/3 thương mại toàn cầu, 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, Mỹ và châu Âu hoàn toàn có thể hỗ trợ nhau để khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 30 thế kỷ trước. Hơn nữa, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi và xuất hiện xu hướng trọng tâm kinh tế toàn cầu dịch chuyển sang phía Đông, cả Mỹ lẫn châu Âu đều coi đây là một trong những thách thức quan trọng nhất mà hai bên cùng phải đối mặt.

Do vậy, Mỹ và châu Âu đều hiểu rằng mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương đang trở nên vô cùng quan trọng. Điều này góp phần lý giải vì sao mặc dù lòng tin trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang bị xói mòn, song hai bên vẫn tiến hành đàm phán về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Rõ ràng, nếu xét tổng thể các mối quan hệ giữa các nước lớn trong thế giới đa cực ngày nay thì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vẫn đang và sẽ là mối quan hệ vững chắc hơn cả. Tuy nhiên, khi lòng tin bị đánh cắp, Mỹ và châu Âu sẽ gặp không ít khó khăn trong hoạt động phối hợp để đối phó với những thách thức toàn cầu.

Dương Trí
TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link