02/02/2014 09:09 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tư về cấp thẻ hành nghề trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã được Bộ VH,TT&DL thông qua. Trước khi đề án chính thức khởi động từ 1/4/2014 tới, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD (Bộ VH,TT&DL) đã có cuộc trao đổi với TT&VH Cuối tuần.
* Từ ngày 1/1/2013, Nghị định 79 về NTBD đã bắt đầu được thực thi. Vậy trong suốt một năm qua, ông thấy quá trình thực thi nghị định này đã đem đến những kết quả như thế nào?
- Nghị định 79 là cơ sở pháp lý rất quan trọng để cho cơ quan quản lý siết chặt lại những vấn nạn trong lĩnh vực NTBD. Tuy nhiên, nếu không ra tay một cách đồng bộ thì các quy định của pháp luật vẫn chỉ là các quy định thôi. Vì vậy, Cục NTBD đã đưa ra 9 giải pháp, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL ban hành Chỉ thị 65 quyết liệt chấn chỉnh lĩnh vực này.
Trong 9 giải pháp đưa ra, chúng tôi nhận thấy, trước hết những người làm quản lý nhà nước, những người cấp phép phải có một thái độ nghiêm túc để hoàn thành nhiệm vụ của mình, không được thờ ơ, vô cảm, khắc phục nạn cấp phép bằng phong bì. Điều thứ hai, chúng tôi thiết lập đường dây nóng tiếp nhận tất cả những thông tin từ dư luận quần chúng, từ cơ quan truyền thông và chính các nghệ sĩ để xử lý các điều sai phạm diễn ra trên toàn quốc. Vì vậy, có những sự việc khi nó đang diễn ra mà Sở VH,TT&DL địa phương chưa biết thì Cục NTBD đã biết. Khoảng 80% các sai phạm trong năm qua đều do Cục NTBD chỉ đạo các Sở địa phương phát hiện.
Ông Nguyễn Đăng Chương
* Theo dự kiến, tháng 4/2014, đề án cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu hoạt động NTBD chính thức đi vào hoạt động. Hiện tại công việc chuẩn bị ra sao thưa ông?
- Đề án này chúng tôi đã xây dựng và đề xuất từ 2013. Sau đó đã lấy ý kiến từ nhiều cuộc hội nghị. Đến thời điểm này đã được Bộ phê duyệt. Hiện chúng tôi mới ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện đề án. Theo lộ trình, ngày 1/4/2014 chúng tôi bắt đầu triển khai cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu. Những lĩnh vực nào nhạy cảm, chúng tôi sẽ làm trước để làm sao hết 2014 hoàn thành cấp thẻ cho đối tượng này.
Khi đã có thẻ, chúng tôi sẽ quản lý bằng thẻ ngoài các văn bản pháp luật. Ở đây có một bất cập là nhiều người chưa đồng ý với quan điểm cấp thẻ cho ca sĩ, người mẫu, diễn viên. Nhưng nếu hiểu, chắc chắn họ sẵn sàng chia sẻ. Hiện 63 Sở VH,TT&DL địa phương, không Sở nào nắm được có bao nhiêu người tham gia hoạt động NTBD. Nếu cơ quan quản lý mà không nắm được thì không thể quản được.
Vì thế, điều đầu tiên, thẻ hành nghề là để nâng cao vai trò trách nhiệm, đưa được thông tin cụ thể cho cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao trách nhiệm quản lý và có công cụ để quản lý. Thứ hai là nâng cao vai trò trách nhiệm của nghệ sĩ biểu diễn.
Việc cấp thẻ xây dựng trên tiêu chí thông thoáng để hậu kiểm là chính. Không phải là cơ chế xin cho nên chắc chắn việc làm này không nảy sinh tiêu cực. Mọi thông tin của những cá nhân được cấp thẻ đều được đăng tải trên website của Cục NTBD. Khi cấp giấy phép, các Sở chỉ cần click chuột là nắm được thông tin của nghệ sĩ. Đợt cấp thẻ hành nghề đầu tiên sẽ diễn ra từ 1/4 - 30/6/2014.
* Như vậy, với việc cấp thẻ hành nghề, những nhân vật cố tình gây scandal như “Bà Tưng” sẽ không còn “cửa” để xuất hiện trên sân khấu?
- Điều đó là đương nhiên. Vì trước khi lên sân khấu, thẻ hành nghề chính là CMND cho nghệ sĩ. Thẻ hành nghề không đánh giá về chất lượng nghệ thuật vì mỗi Sở đều có Hội đồng nghệ thuật thẩm định chương trình hoặc khi được đào tạo trong các cơ sở đã có bằng chứng nhận cho cá nhân đã học tập qua một loại hình nghệ thuật. Chắc chắn khi thẻ đi vào đời sống, sẽ có những đóng góp tích cực cho việc chấn chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực này.
Năm vừa qua, có thể nói sự quyết liệt và mạnh tay vào cuộc của Cục NTBD. Với 20% vi phạm còn lại, các cơ quan quản lý phải tìm ra nguyên nhân. Một là ở đâu đó, công tác quản lý ở các cơ quan địa phương vẫn còn buông lỏng, vẫn có những việc cấp phép cho các chương trình không thẩm định (cấp bằng phong bì), buông lỏng thanh tra kiểm tra, xử lý chưa nghiêm. Người ta vẫn lách luật, khi cơ quan quản lý thờ ơ chăng?
* Nhưng hoạt động NTBD không chỉ phụ thuộc vào cá nhân mỗi nghệ sĩ, mà phụ thuộc cả vào những đơn vị tổ chức?
- Đối với các đơn vị đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, không thuộc Bộ VH,TT&DL. Cục NTBD phải hướng dẫn các Sở VH,TT&DL nêu cao trách nhiệm thẩm định hồ sơ.
Điều đó rất quan trọng, đơn vị nào làm sai là phải xử lý. Bộ vừa rồi mới chỉnh sửa lại Nghị định 105 sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt, Vì thế, sắp tới, mức xử phạt sẽ được nâng cao lên rất nhiều. Nghị định 105 sẽ có áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp vì mức phạt có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
* Một trong những điều quan trọng với người làm nghề, là định hướng thẩm mỹ để họ có thêm động lực theo đuổi nghệ thuật đích thực. Theo ông, điều gì giúp khơi gợi đam mê, khát khao cống hiến đó?
- Mấu chốt là định hướng phát triển nghệ thuật theo cơ chế thị trường. Vấn đề là làm thế nào để bước nhanh, không vấp ngã và làm sáng con đường đó, để có những tác phẩm mới hơn.
* Vậy mục tiêu trong năm 2014 của Cục NTBD là gì?
- Năm 2014, chúng tôi đưa ra hai nhiệm vụ đột phá. Một là hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và kiên quyết loại bỏ những vấn đề bất cập còn tồn đọng ra khỏi đời sống NTBD. Điều thứ hai là chú trọng đến chất lượng tác phẩm. Đầu năm 2014, chúng tôi đã “chọn mặt gửi vàng” đặt hàng một số tác giả đã thành danh, nhiều năm cống hiến, có sức khỏe và khát vọng sáng tạo để có những tác phẩm hay trong các lĩnh vực sân khấu, ca múa nhạc biểu diễn phục vụ nhân dân.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Yên Khương - Lam Anh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất